Báo Đầu tư đưa tin, ngày 23/12/2023, ông Trần Ngọc Chu, Phó Chủ tịch HĐQT thường trực điều hành Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG - sàn HoSE) cho biết đăng ký bán ra 1,5 triệu cổ phiếu HSG. Qua đó giảm sở hữu từ 1.781.147 cổ phiếu (0,29% vốn điều lệ), về 281.147 cổ phiếu (0,046% vốn điều lệ). Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 28/12/2023 - 26/1/2024.
Trước đó, từ ngày 27/11 - 22/12, ông Chu đăng ký bán 1,5 triệu cổ phiếu HSG để giảm sở hữu từ 1.781.147 cổ phiếu (0,29% vốn điều lệ), về 281.147 cổ phiếu (0,046% vốn điều lệ).
Như vậy, nhiều khả năng trong thời gian đăng ký bán, ông Chu chưa bán ra cổ phiếu HSG và tiếp tục muốn bán ra 1,5 triệu cổ phiếu HSG.
Nhiều lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen đăng ký bán cổ phiếu trong thời gian gần đây.
Trước đó, từ ngày 14/9 - 5/10, ông Nguyễn Văn Chiến vừa bán ra toàn bộ 10.726.794 cổ phiếu HSG, giảm sở hữu từ 1,74% vốn điều lệ, xuống còn 0% vốn điều lệ. Trong đó, phương thức giao dịch là giao dịch khớp lệnh và thoả thuận.
Được biết, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen là anh vợ của ông Nguyễn Văn Chiến.
Lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen dồn dập đăng ký bán cổ phiếu trong bối cảnh mặc giá cổ phiếu HSG tăng phi mã.
Theo chuyên trang Đầu tư chứng khoán, sau một nhịp điều chỉnh kéo dài khoảng 1 tháng từ mức đỉnh thiết lập vào cuối tháng 9/2023, giá cổ phiếu HSG cũng chỉ mất thời gian tương tự để nhanh chóng quay trở lại đỉnh cũ.
Cụ thể, từ 26/10 - 30/11, cổ phiếu HSG đã tăng hơn 29%, từ 16.600 đồng/cổ phiếu lên 21.450 đồng/cổ phiếu. Nếu so với mức đáy ngày 15/11/2022 là 7.140 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu này đã tăng tới hơn 200% chỉ trong hơn 1 năm.
Có thể thấy, việc cổ phiếu bật tăng mạnh chỉ trong hơn 1 năm và tiến tới vùng định giá P/E cao nhất lịch sử đã thúc đẩy lãnh đạo Hoa Sen cùng người thân thực hiện “chốt lời” và đây là tâm lý bình thường khi đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, động thái này cũng là tín hiệu cảnh báo thận trọng đối với nhà đầu tư bên ngoài, tránh trường hợp hưng phấn quá đà mà mua vào cổ phiếu, trong khi không có kế hoạch dự phòng cổ phiếu quay đầu điều chỉnh trở lại khi đã tăng cao.
Về tình hình kinh doanh, trong niên độ tài chính 2022 - 2023 (từ ngày 1/10/2022 đến ngày 30/9/2023), Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 31.650,7 tỷ đồng, giảm 36,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 30,06 tỷ đồng, giảm 88% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 9,9%, về chỉ còn 9,7%.
Được biết, trong niên độ 2022 - 2023, Hoa Sen đặt kế hoạch kinh doanh dựa trên hai kịch bản.
Kịch bản đầu tiên với phương án sản lượng thành phẩm 1,4 triệu tấn, Công ty lên kế hoạch doanh thu 34.000 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 100 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước.
Kịch bản thứ hai tích cực hơn với sản lượng thành phẩm là 1,5 triệu tấn, ước tính doanh thu là 36.000 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 300 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, kết thúc niên độ tài chính năm 2022 – 2023, với lợi nhuận chỉ đạt 30,06 tỷ đồng, Tập đoàn Hoa Sen hoàn thành 30,1% so với kế hoạch thận trọng là 100 tỷ đồng và hoàn thành 10% so với kế hoạch tích cực là lãi 300 tỷ đồng.
Có thể thấy, cho dù là kế hoạch thận trọng hay tích cực, Tập đoàn Hoa Sen đã không hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong niên độ tài chính 2022 – 2023, theo báo Đầu tư.
Vân Anh (T/h)