(ĐSPL) - Yêu nhau thắm thiết, cưới nhau linh đình nhưng đến lúc tình hết nhà tan, nhiều cặp vợ chồng quay sang hận thù nhau, tuyệt tình chia tài sản, giành giật con cái. Nhưng tổn thương nhiều nhất vẫn là những đứa con.
Câu chuyện chị Nguyễn Kim Phượng (SN 1979, trú tại Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội), giáo viên dạy tiếng Anh tại Hà Nội bị chồng “cướp” con nhiều tháng nay đang được các cơ quan như thi hành án, công an vào cuộc giải quyết. Tuy nhiên chính vì sự không hợp tác của người chồng mà đứa trẻ nhiều tháng nay vẫn chưa được gặp mẹ.
Tiếp xúc với PV, chị Phượng nghẹn ngào: “Suốt từ tháng 1/2016 đến nay, tôi thường xuyên về Bắc Giang, nơi chồng cũ đưa con trai về nuôi, để tìm con nhưng không một lần được nhìn mặt cháu”. Năm 2011, chị Phượng kết hôn cùng anh Vũ Mạnh Hùng (SN 1966, ngụ Thanh Xuân, Hà Nội). Năm 2012, chỉ một tháng sau khi sinh cháu Vũ Tuấn Kiệt, vợ chồng chị ly hôn vì mâu thuẫn.
Quyết định của tòa án nêu rõ: “Giao con chung Vũ Tuấn Kiệt cho chị Phượng trực tiếp nuôi dưỡng. Anh Hùng có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con 1.500.000 đồng/tháng, kể từ tháng 4/2012 cho đến khi con đến tuổi trưởng thành hoặc khi có thay đổi khác”. Quyết định của tòa là vậy nhưng anh Hùng không đồng ý để chị Phượng đem con ra ở riêng. “Vì sợ tính vũ phu của chồng và thương con nhỏ nên tôi đành chấp nhận tiếp tục sống chung nhà với anh Hùng. Tôi dạy học tại nhà anh Hùng một thời gian rồi chuyển sang thuê địa điểm khác ở gần đó.
Đến tháng 6/2015, anh Hùng buộc tôi phải chuyển địa điểm dạy học sang quận khác, tôi không đồng ý thì anh đập nát điện thoại của tôi và dùng chổi đánh tôi”, chị Phượng kể. Trận đòn của chồng cũ khiến toàn thân chị Phượng bầm tím, đầu bị tổn thương và chảy máu tai. Sự việc đã được Công an quận Thanh Xuân tiếp nhận và xử lý.
Tháng 11/2015, chị Phượng làm đơn bãi nại cho anh Hùng vì muốn có cuộc sống bình yên, nhưng chỉ hai tháng sau, anh Hùng lấy lý do đưa con đi chơi, đã đem cháu đi mất. Được biết, hiện anh Hùng đã đưa con trai về thôn Ninh Tào (Hợp Thịnh, Hiệp Hòa, Bắc Giang) sinh sống. Năm tháng qua, chị Phượng thường xuyên gọi điện hẹn gặp nhưng anh Hùng luôn từ chối. Nhiều lần trong tháng Năm, chị Phượng đột xuất về Bắc Giang tìm cháu Kiệt tại nhà và trường mầm non thôn Ninh Tào nhưng đều thất bại.
Chị tức tưởi: “Lần duy nhất tôi nói chuyện điện thoại được với cháu là nhờ sự giúp đỡ của một người thân trong gia đình anh Hùng. Cháu liên tục kêu nhớ mẹ và khóc lóc hỏi mẹ ở đâu, sao không về đón con”. Chị Phượng lo lắng: “Dù đã bắt cháu Kiệt về quê nhưng anh Hùng vẫn tiếp tục dạy võ tại Thanh Xuân ba buổi tối/tuần. Thời gian này ai là người chăm sóc cháu? Tuy anh Hùng đăng ký cho cháu Kiệt học tại trường mầm non của thôn Ninh Tào, nhưng theo tôi tìm hiểu từ lãnh đạo trường, số ngày cháu đến trường chỉ đếm… trên đầu ngón tay”.
Phóng viên đã về thôn Ninh Tào để xác minh vụ việc nhưng thời điểm đó cả anh Hùng và cháu Kiệt đều không có mặt tại địa phương. Ông Trần Văn Tiến - cán bộ tư pháp xã Hợp Thịnh xác nhận việc anh Vũ Mạnh Hùng đưa con về địa phương sống là trái với quyết định của tòa án. UBND xã đã tổ chức nhiều buổi làm việc để thuyết phục nhưng anh Hùng không hợp tác. Đại diện chính quyền xã cũng đã đến nhà anh Hùng tại thôn Ninh Tào nhưng chưa bao giờ gặp được hai bố con.
Sự lôi kéo giành giật tình cảm của con bằng cách đòi quyền nuôi con, nói xấu lẫn nhau khiến trẻ mất đi tình cảm và niềm tin vào cha mẹ. Lúc đó, trẻ sẽ thấy thất vọng về cuộc đời, dễ buông xuôi, a dua, bị bạn bè xấu lôi kéo vào các hành động phạm pháp” - chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cảnh báo. |
Theo bà Vũ Thu Huyền, chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Xuân (Hà Nội), sau khi nhận đơn yêu cầu thi hành án về việc giao cháu Kiệt cho chị Phượng trực tiếp nuôi dưỡng, Chi cục đã nhiều lần triệu tập anh Hùng để thuyết phục tự nguyện thi hành án nhưng anh này nại nhiều lý do để không thực hiện. Tháng 3/2016, Chi cục Thi hành án quận Thanh Xuân còn phối hợp với chính quyền thôn Ninh Tào để thuyết phục anh Hùng mà vẫn không thành.
Căn cứ quy định của pháp luật, ngày 31/3/2016, chấp hành viên đã tổ chức cưỡng chế thi hành án, buộc anh Hùng phải giao con cho chị Phượng nhưng anh Hùng lại vắng mặt dù đã được tống đạt thông báo cưỡng chế và quyết định cưỡng chế. Chấp hành viên đã lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính với hành vi này của anh Hùng, ấn định năm ngày phải thực hiện, nhưng đến tháng 5/2016, anh Hùng vẫn không nộp phạt như thông báo.
Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam đã quy định rõ quyền nuôi con của bố mẹ sau ly hôn. Nếu như hai vợ chồng không thỏa thuận được, quyền nuôi con sẽ do tòa phân xử. Thường thì Tòa án sẽ ưu tiên cho người mẹ nếu con dưới 3 tuổi. Còn con 9 tuổi trở lên thì sẽ hỏi ý kiến của con xem cháu muốn sống với ai.
Trò chuyện với PV, luật sư Nguyễn Hồng Thái (công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp, Hà Nội) cho biết, quyết định để con cho bố (mẹ) nuôi dựa trên các quyền lợi của con như điều kiện học tập, sinh hoạt, ăn ở… Những người có công việc ổn định, thu nhập cao hơn thì sẽ có lợi thế hơn. Nam giới thường có thu nhập cao hơn phụ nữ. Người mẹ thường bận rộn nuôi con, chăm sóc gia đình nên công việc cũng bấp bênh hơn người chồng, thậm chí còn làm nội trợ. Do đó, hầu hết nếu có sự tranh chấp nuôi con với chồng cũ thì nhiều phụ nữ phải chịu thiệt thòi.
Luật sư Thái cho biết, khi tòa phân xử cũng sẽ cho phép bên không nuôi dưỡng được quyền thăm nom con cái đồng thời có trách nhiệm đóng góp về kinh tế. Tuy nhiên, không ít người do thù hận chồng (vợ) cũ nên tìm cách ngăn cản người bố (mẹ) đến thăm con. Cũng có người tuy nhiều tiền nhưng không có khả năng chăm sóc, dạy dỗ con, chỉ “giữ” con về mặt cơ học nhưng lại không muốn để vợ (chồng) cũ nuôi dưỡng. Đứa trẻ không chỉ vắng bố (mẹ) mà cũng bị mẹ (bố) bỏ rơi.
“Bất kể trường hợp nào xảy ra ly hôn, tranh chấp quyền nuôi con thì người thiệt thòi nhất vẫn chính là đứa trẻ. Chúng sẽ không được hưởng tình yêu thương đầy đủ của cha mẹ, thiếu sự chăm sóc, nuôi dưỡng. Không những thế, chúng phải sống trong bầu không khí thù hận của cha mẹ, người nọ nói xấu người kia. Điều này sẽ dần dần gặm nhấm tình cảm của trẻ, “bôi đen” suy nghĩ của trẻ” - luật sư Thái cho biết.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy (Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ Hạnh phúc - Hà Nội) cho biết, khi bố mẹ ly hôn, trẻ em là người chịu tổn thương nhiều nhất. Chúng không được phép lựa chọn mà chỉ có thể tuân theo bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng (bố hoặc mẹ). Do đó, sau ly hôn, bố mẹ nên dành sự ưu tiên hàng đầu cho cảm xúc của con. Đứa trẻ không chỉ cần vật chất mà còn phải được chăm sóc, dạy dỗ, quan tâm hàng ngày. Vì thế, nếu người bố hoặc mẹ thấy mình không có điều kiện quan tâm đến con thì đừng vì sĩ diện, vì thù hận hoặc thỏa mãn chiến thắng cá nhân mà giành giật quyền nuôi con hoặc ngăn cấm bố (mẹ) đứa trẻ đến thăm con.
VĂN MẠNH
Xem thêm video:
[mecloud]JbTLRyb8Pw[/mecloud]