Bộ GD&ĐT vừa công bố 32 sách giáo khoa đã vượt qua vòng thẩm định, sẽ được đưa vào học đường, áp dụng giảng dạy từ năm học 2020-2021 theo lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, câu chuyện “chọn” một bộ sách “vì tương lai con em chúng ta” vẫn đang đặc biệt thu hút sự quan tâm và tạo nhiều ý kiến trái chiều.
Thẩm định sách giáo khoa thực hiện thế nào?
Mới đây, bộ GD&ĐT đã công bố các bộ/cuốn sách giáo khoa vượt qua vòng thẩm định. Theo đó, có 32 sách giáo khoa được lựa chọn.
Cụ thể, vượt qua các vòng thẩm định, 32 cuốn sách thuộc 5 bộ sách giáo khoa, thuộc các nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đại học Sư phạm và đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh. Trong đó, nhà xuất bản Giáo dục chiếm số lượng lớn nhất với 26/32 cuốn (4/5 bộ sách). Việc chọn sách làm tài liệu học chính lệ thuộc vào tính phù hợp với điều kiện thực tế.
Tại buổi công bố, Vụ trưởng vụ Giáo dục Tiểu học, bộ GD&ĐT Thái Văn Tài đã báo cáo về công tác tổ chức thẩm định sách giáo khoa. Tháng 7/2019, Bộ trưởng bộ GD&ĐT ký quyết định thành lập 9 hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hội đồng gồm nhà giáo; cán bộ quản lý giáo dục; nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục; đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan và có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.
Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận sách giáo khoa từ 3 đơn vị đề nghị thẩm định, gồm nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, nhà xuất bản đại học Sư phạm, nhà xuất bản đại học Sư phạm TP.HCM. Tổng số có 49 bản mẫu sách giáo khoa đối với 9 môn học ở lớp 1, cụ thể như sau: Môn Tiếng Việt (6 bản mẫu); môn Toán (6 bản mẫu); môn Đạo Đức (6 bản mẫu); môn Tự nhiên-Xã hội (5 bản mẫu); môn Giáo dục thể chất (4 bản mẫu); môn Nghệ thuật (Âm nhạc) (5 bản mẫu); môn Nghệ thuật (Mỹ thuật) (5 bản mẫu); Hoạt động trải nghiệm (6 bản mẫu); môn Tiếng Anh (6 bản mẫu).
Sau khi tiếp nhận bản mẫu, mỗi thành viên hội đồng nghiên cứu độc lập trong 15 ngày. Hội đồng sau đó làm việc tập trung trong 7 ngày để nghe tác giả trình bày ý tưởng của bộ sách và thảo luận công khai các vấn đề của bản thảo sách giáo khoa.
Dựa vào các tiêu chí, tiêu chuẩn và các yêu cầu cần đạt của từng bản mẫu sách giáo khoa theo quy định tại Thông tư số 33, Hội đồng tiến hành thẩm định từng bản mẫu sách giáo khoa và kết luận theo ba mức: “Đạt”, “Đạt nhưng cần sửa chữa”, “Không đạt”.
Sau 2 vòng thẩm định, kết quả có 38/49 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 ở tất cả 9 môn học/hoạt động giáo dục (77,70%) được đánh giá mức “Đạt”; có 11/49 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 ở 6 môn học/hoạt động giáo dục (22,3%) được đánh giá ở mức “Không đạt”.
Sau khi tiếp nhận các bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 được hội đồng thẩm định đánh giá mức “Đạt”, bộ GD&ĐT tiến hành các bước rà soát, kiểm tra cuối cùng về các nội dung liên quan đến tính pháp lý đối với sách giáo khoa để trình Bộ trưởng bộ GD&ĐT phê duyệt.
“Kết quả thẩm định của các hội đồng vừa qua cho thấy nhiều bản mẫu sách giáo khoa được các tác giả xây dựng công phu, cẩn thận, tâm huyết trên cơ sở tuân thủ định hướng đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông. Trọng tâm là chuyển mục tiêu giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực,” ông Thái Văn Tài nhấn mạnh.
Trước những băn khoăn về quá trình thẩm định sách giáo khoa, bởi có nhiều thành viên đã viết sách theo chương tình giáo dục hiện hành tiếp tục viết sách theo chương trình giáo dục phổ thông mới và có thành viên cùng cơ sở giáo dục trong hội đồng thẩm định, Vụ trưởng vụ Giáo dục Tiểu học khẳng định, mọi quy trình được đảm bảo tính minh bạch, khách quan.
Trường học có thể sử dụng bộ sách UBND tỉnh không chọn
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các địa phương, các nhà xuất bản thực hiện tốt các khâu lựa chọn sách giáo khoa lớp 1, tổ chức tập huấn sử dụng sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện việc in và phát hành sách giáo khoa đảm bảo đủ số lượng, kịp thời về tiến độ thời gian cho năm học 2020- 2021 và các năm học tiếp theo.
Hầu hết các tác giả có bản mẫu sách giáo khoa xếp loại “Không đạt” đều có nguyện vọng và gửi đơn (thông qua nhà xuất bản) đề nghị về bộ GD&ĐT để được tiếp tục chỉnh sửa, biên soạn lại theo góp ý của các hội đồng và tiếp tục trình thẩm định lại theo quy định. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thẩm định các bản mẫu này như thẩm định lần đầu vào tháng 12/2019.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng vụ Giáo dục trung học khẳng định, trường học ở các địa phương, có thể sử dụng thêm những bộ sách giáo khoa mà UBND tỉnh không lựa chọn. |
Phát biểu tại buổi công bố, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học, Giám đốc dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, bộ GD&ĐT cho biết: “Các sách giáo khoa được Bộ trưởng bộ GD&ĐT phê duyệt đều được phép sử dụng trong nhà trường. Vì vậy, đối với trường học ở các địa phương, có thể sử dụng thêm những bộ sách giáo khoa mà UBND tỉnh không lựa chọn, như những cuốn tài liệu tham khảo dạy và học.
Bên cạnh đó, bộ GD&ĐT cũng đang xây dựng thông tư để hướng dẫn thực hiện, làm căn cứ để UBND cấp tỉnh thành lập hội đồng chọn sách sử dụng tại địa phương. UBND tỉnh có cơ quan tham mưu là các sở GD&ĐT tại địa phương, các cơ quan quản lý địa phương phải có trách nhiệm tổ chức, giám sát đảm bảo tính minh bạch, khách quan, lựa chọn bộ sách sau khi bộ GD&ĐT công khai”.
Nhiều bản mẫu sách giáo khoa có quan điểm biên soạn riêng, cấu trúc sách mới, hiện đại, tiếp cận với cách biên soạn của các nước tiên tiến trên thế giới nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với điều kiện nhà trường và học sinh tiểu học Việt Nam.
Bên cạnh đó, cũng đảm bảo tính “mở”, linh hoạt, tạo điều kiện cho giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo theo định hướng và quy định của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Sách giáo khoa xây dựng trên cơ sở phương pháp tiếp cận.
Chẳng hạn, sách giáo khoa thuộc hoạt động trải nghiệm không đi chi tiết nội dung giáo dục địa phương tại từng địa phương, chỉ đi theo mạch kiến thức, quy định cách đặt vấn đề sao cho phù hợp với điều kiện từng địa phương, từ đó, đưa vào tài liệu, khai thác nội dung.
Hỗ trợ sách giáo khoa tại vùng khó
Đại diện bộ GD&ĐT cho biết, về vấn đề giá sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới, sẽ căn cứ việc xây dựng cơ chế tài chính, bởi sách giáo khoa có ảnh hưởng trên phạm vi rất rộng, nên trong thời gian tới, bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với bộ Tài chính để đưa ra giá sách phù hợp nhất, tránh tình trạng tăng giá đột biến.
Bên cạnh đó, trên tinh thần thực hiện xã hội hóa, sẽ có giải pháp hỗ trợ các thư viện trên cả nước, đối với những vùng khó mua sách giáo khoa. Cụ thể, huy động thực hiện đáp ứng các đối tượng vùng khó, trang bị thư viện, học sinh vùng khó được mượn sách, thay vì phải mua sách giáo khoa.
Trước đó, ngày 21/11/2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ký Quyết định số 4507/QĐ-BGDĐT phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, có 32 sách giáo khoa của 8 môn học và hoạt động giáo dục được phê duyệt trong lần này.
Theo GS. Trần Kiều, nguyên Viện trưởng viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 1 môn Toán, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đánh giá, hoạt động thẩm định sách giáo khoa lần này là tiến bộ nhất trong các lần thẩm định từ trước tới nay.
Tại buổi họp báo công bố sách giáo khoa mới, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng vụ Giáo dục Tiểu học, bộ GD&ĐT thông tin, Bộ sẽ tiến hành rà soát và báo cáo Thủ tướng về việc sách giáo khoa công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại bị loại. |
Cẩm Mịch
Bài viết đăng trên ấn phẩm báo Đời sống & Pháp luật số 188