Ngày 14/5 (theo giờ địa phương), Quyền Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã đề nghi Tổng thống Nga Vladimir Putin hỗ trợ quân sự trong bối cảnh tái diễn căng thẳng giữa quốc gia này và nước láng giềng Azerbaijan tại khu vực biên giới hôm 13/5.
Trước đó, ngày 13/5, ông Pashinyan đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với hội đồng an ninh, tuyên bố quân đội Azerbaijan đã vượt qua biên giới, tiến sâu hơn 3km vào lãnh thổ Armenia. Theo đó, ông cho rằng quân đội nước láng giềng đang có kế hoạch bao vây Hồ Sev Lich, khu vực chung của 2 quốc gia.
Bộ Quốc phòng Armenia sau đó đã nhanh chóng có phản ứng, khẳng định đã chặn đường tiến của phía Azerbaijan và buộc họ quay lại vị trí ban đầu.
Quyền Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Ảnh: TASS
Trong khi đó, phía Azerbaijan đã phủ nhận các cáo buộc trên, nói rằng quân đội của họ đang thực thi đường biên giới của riêng mình và cam kết sẽ xoa dịu căng thẳng bằng biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, Baku cho rằng phản ứng của Yerevan là "không phù hợp" và có ý "gây hấn". Điều này đã khiến quan hệ giữa 2 nước một lần nữa xấu đi sau nhiều tháng qua.
Trong cuộc điện đàm với ông Nikol Pashinyan, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh một lần nữa việc tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn, đạt được hồi tháng 11 năm ngoái giữa 2 nước, và kêu gọi Armenia - Azerbaijahn hạ nhiệt căng thẳng bằng các biện pháp hòa bình.
Tổng thống Nga tái khẳng định cam kết trong việc hòa giải tích cực hơn nữa và liên hệ chặt chẽ với Yerevan - Baku để đảm bảo sự ổn định trong khu vực.
Điện Kremlin cho biết Nikol Pashinyan cũng đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Tổng thống Nga và tái khẳng định mối quan tâm với cuộc đối thoại mang tính xây dựng nhằm giải quyết mọi vấn đề với Azerbaijan.
Được biết, quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan đã nhanh chóng xấu đi từ cuối tháng 9/2020 do các cuộc đụng độ quân sự ở khu vực tranh chấp Nagorno - Karabakh. Sau nhiều tháng giao tranh, 2 bên cuối cùng cũng đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian vào tháng 11/2020. Theo thỏa thuận trên, phía Yerevan cam kết nhượng lại cho Baku nhiều khu vực do nước này kiểm soát từ lâu.
Minh Hạnh (Theo Reuter, Kremlin)