VTV đưa tin, việc thông qua dự luật cấm TikTok này cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng của Mỹ về ứng dụng chia sẻ video Tiktok của tập đoàn Trung Quốc ByteDance.
Trong thông báo gửi tới các hạ nghị sĩ và nhân viên Hạ viện Mỹ ngày 27/12, Giám đốc Hành chính của Hạ viện Mỹ (CAO) nêu rõ ứng dụng TikTok bị coi là “có mức độ rủi ro cao do một số vấn đề bảo mật” và phải được xóa khỏi mọi thiết bị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan lập pháp này.
Quy định mới được đưa ra tiếp sau một loạt động thái của chính quyền các bang ở Mỹ cấm TikTok trên những thiết bị thuộc sự quản lý của chính phủ.
(Ảnh minh hoạ).
Tính đến tuần trước, 19 bang đã cấm một phần hoặc hoàn toàn ứng dụng này trên những thiết bị thuộc quyền quản lý của nhà nước, vì lo ngại dữ liệu người dùng do TikTok thu thập có thể bị lạm dụng.
Trước đó, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết, ứng dụng này đang gây rủi ro cho an ninh quốc gia, có thể bị khai thác để gây ảnh hưởng đến người dùng hoặc kiểm soát thiết bị của họ.
Đây được coi là đòn giáng mạnh vào danh tiếng của TikTok và khiến các nhà quảng cáo e ngại. Hiện dự luật đang chờ Tổng thống Joe Biden ký thành luật.
Trong khi đó, theo CNBC, Tik Tok đã nhiều lần khẳng định cơ sở dữ liệu người dùng Mỹ của mình không được đặt tại Trung Quốc. Tuy nhiên, những đảm bảo này không hề khiến các lo ngại giảm bớt và cuối cùng dẫn tới kết quả hiện tại.
Trước những diễn biến trên, ngày 19/12, TikTok bày tỏ thất vọng về “những chính sách được ban hành dựa trên các lập luận vô căn cứ về TikTok, trong khi những điều này sẽ không giúp ích gì cho quá trình tăng cường an ninh quốc gia của Mỹ”.
Nhiều tháng qua, giới chức Mỹ và TikTok đang đàm phán về một thỏa thuận liên quan đến an ninh quốc gia, trong đó đề cập đến những lo ngại xung quanh việc dữ liệu của hơn 100 triệu người dùng TikTok tại Mỹ được ứng dụng này sử dụng như thế nào.
(Ảnh minh hoạ).
Việc cấm TikTok trên các thiết bị của Chính phủ Mỹ có thể mang lại lợi ích cho các nền tảng đối thủ như Facebook, Instagram hay Snap, những nền tảng cũng đang nhắm tới phân khúc người dùng trẻ tuổi và cạnh tranh gay gắt.
Ngoài việc cấm Tik Tok, dự luật này kêu gọi các nền tảng thương mại điện tử tiến hành kiểm tra chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn hàng giả. Trên hết, nó cũng bao gồm một số quy định liên quan tới chống độc quyền như buộc các công ty theo đuổi những vụ sáp nhập lớn phải trả nhiều tiền khi nộp hồ sơ lên cơ quan chống độc quyền liên bang.
Phương Linh (T/h)