Tình trạng nước biển xâm thực khiến nhiều nhà hàng ven biển Quảng Nam, Đà Nẵng phải đóng cửa. Nguy cơ mất bãi biển đang đe dọa đời sống của người dân tại đây.
Mưa lớn kéo dài kèm theo sóng to gió mạnh khiến nhiều đoạn bờ biển Đà Nẵng và biển Cửa Đại (Quảng Nam) bị sạt lở nghiêm trọng. Chính quyền và ngành chức năng các địa phương đang khẩn trương triển khai các biện pháp bảo vệ bờ biển.
Bao cát chắn sóng ở Cửa Đại, TP Hội An bị hất văng - Ảnh: SGGP. |
Bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam sau thời gian triển khai kè mềm bằng bao vải địa, những ngày qua sạt lở lại tiếp diễn. Đoạn sạt lở dọc bờ biển khoảng 200m, từ khách sạn Hội An Beach đến giáp dự án khách sạn Marriott Hội An.
Nhiều bao vải địa chứa cát kè sóng trước đây đã bị sóng biển xé toạc; nhiều bức tường kè chắn và bậc cấp dẫn từ nhà hàng xuống bãi biển bị đổ sập. Một số đoạn bị nước biển xâm thực hơn 5m khiến toàn bộ hoạt động kinh doanh của gần 10 nhà hàng nơi đây bị ngưng trệ. Một người dân ở đây cho biết, năm nay ít có mưa to, gió lớn như các năm trước nhưng cũng đã xuất hiện các đợt sóng lớn, cao hơn 1 mét đánh mạnh vào bờ.
Đoạn kè mềm có nguy cơ bị hất tung - Ảnh: VOV. |
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, do sóng lớn nên hiện tại chưa thể triển khai các giải pháp xử lý khẩn cấp. Bờ biển Cửa Đại hiện có 2 tuyến kè cứng với tổng chiều dài hơn 800m ở phường Cửa Đại, 2 đoạn kè cứng này khá an toàn. Đối với tuyến kè mềm, tuy đã được tạo bãi tự nhiên lẫn nhân tạo và có kè mềm nhưng qua mỗi mùa mưa bão, bờ biển lại tiếp tục bị xâm thực.
“Nếu kè cứng toàn bộ 7 km bờ biển Cửa Đại thì Hội An sẽ mất bãi. Đó là nguy cơ rất lớn. Nếu có một giải pháp để vừa bảo vệ bờ biển không sạt lở nữa, có khả năng tái tạo lại bãi thì đó là mong muốn và mơ ước của chính quyền và người dân thành phố”, ông Thế Hùng nói.
Tình trạng sạt lở bờ biển nghiêm trọng đang diễn ra - Ảnh: SGGP. |
Trong khi đó, tại thành phố Đà Nẵng, dọc theo các tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa nước biển đã xâm thực vào sát các nhà hàng. Một số khu vực như bãi tắm Sao Biển (quận Ngũ Hành Sơn), bãi tắm công cộng Sơn Thủy (quận Ngũ Hành Sơn) hầu như ngưng hoạt động. Thậm chí, tại bãi biển công cộng Sơn Thủy nhiều đoạn có nguy cơ đổ sập do sóng biển tác động. Cùng với đó, những hàng dừa trong các khu nghỉ dưỡng ven biển cũng đã bị sóng cuốn trôi trơ gốc.
Sóng biển cũng khiến cả một nền móng bê tông của dãy nhà hàng Danabeach bị nước biển cuốn trôi, sạt lở nghiêm trọng. Mưa lớn kéo dài 2 ngày qua, cùng với lượng nước từ cửa xả Mỹ An chảy xối xả ra biển đã cuốn phăng cả thành bê tông bảo vệ cửa xả này.
Từng đợt sóng lớn táp vào bờ gây sạt lở.
Ông Trần Thanh Thiên, Giám đốc điều hành chuỗi nhà hàng ven biển Danabeach cho biết: “Tiếp tục như này, tôi rất là lo lắng vì với mức độ hiện tại không thể xử lý được và với mức độ xâm thực càng nặng, ảnh hưởng nhiều hơn nữa”.
Tình trạng nước biển xâm thực tại tuyến biển phía Đông thành phố Đà Nẵng ngày càng nghiêm trọng. Hiện một số nhà hàng phải đóng cửa. Ở những vị trí sạt lở nguy hiểm, các chủ nhà hàng không cho nhân viên đi lại. Trong khi đó, tại khu vực cửa xả Mỹ An cũng bị sạt lở nặng do mưa lớn. Trước tình hình này, lực lượng chức năng tích cực triển khai các giải pháp khắc phục sự cố.
Minh Minh (T/h)