Sáng ngày 12/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Nội vụ do Bộ Nội vụ chủ trì tổ chức.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngành Nội vụ có vai trò rất quan trọng trong việc tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; góp phần xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, năm 2021, Bộ, ngành Nội vụ luôn bám sát định hướng, quan điểm, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chủ động tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Chính phủ đối với các nhiệm vụ được giao bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Năm 2022, ngành Nội vụ đề ra phương châm hành động là “Đoàn kết, kỷ cương, gương mẫu, đổi mới, hiệu quả”, khắc phục những điểm nghẽn, vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực, tranh thủ thời cơ, phấn đấu thực hiện thắng lợi các lĩnh vực công tác của toàn ngành.
Theo đó, ngành Nội vụ và Bộ Nội vụ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực nội vụ. Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, nhất là xây dựng và hoàn thiện thể chế về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Bộ Nội vụ tiếp tục tham mưu, phối hợp, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính đến năm 2030. Đổi mới mạnh mẽ công tác thi đua khen thưởng; đẩy mạnh công tác đối ngoại trên các lĩnh vực; thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số của Bộ, ngành Nội vụ; hoàn thành toàn bộ dữ liệu liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ…
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã phát biểu nêu nhiều vấn đề mà ngành Nội vụ và Bộ Nội vụ cần tập trung thực hiện như: vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo vị trí việc làm và đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; cải cách hành chính nhà nước; đổi mới hệ thống tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; về đổi mới cơ chế quản lý công chức theo vị trí việc làm; đổi mới tuyển chọn công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; vấn đề phân cấp, phân quyền; về tổ chức chính quyền đô thị; việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã...
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế theo tinh thần đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển, ưu tiên bố trí cán bộ, nguồn lực phù hợp cho công tác này. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Thực tiễn đã chứng minh các quyết sách cơ bản là đúng đắn
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các kết quả, thành tựu, những tồn tại, hạn chế của Bộ, ngành Nội vụ và các phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu năm 2022 được nêu trong các báo cáo, ý kiến phát biểu tại Hội nghị.
Nhấn mạnh thêm một số nội dung, Thủ tướng nêu rõ, năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đã tổ chức thành công rất tốt đẹp Đại hội XIII, bầu cử Quốc hội khóa XV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước.
Trong bối cảnh đất nước chưa bao giờ khó khăn như thế sau 35 năm đổi mới, nhất là diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã tác động, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hầu hết mọi mặt của đời sống xã hội, song chúng ta đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ “đa mục tiêu”: Vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa làm an sinh xã hội quy mô lớn, phức tạp, nhanh và kéo dài, giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng…
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát, đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo của Chính phủ và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, thực tiễn đã chứng minh tất cả các quyết sách của chúng ta cơ bản đúng đắn, đất nước ta đã vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả rất đáng trân trọng trên nhiều lĩnh vực.
Trong thành công chung của đất nước, có đóng góp tích cực, quan trọng của Bộ, ngành Nội vụ. Theo đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tiếp tục có nhiều đổi mới, sáng tạo, trong bối cảnh tình hình có nhiều diễn biến mới, rất nhanh, khó lường.
Bộ Nội vụ đã quan tâm công tác thể chế, tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng sửa đổi, bổ sung, ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật (03 dự án luật, 12 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 8 nghị định, 03 nghị quyết của Chính phủ; 06 quyết định và 04 chỉ thị của Thủ tướng cùng nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành).
Bộ Nội vụ là cơ quan nòng cốt tham mưu cho Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thành công tốt đẹp cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; khẩn trương thẩm định, trình phê chuẩn các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Bộ Nội vụ đã tích cực tham mưu sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và biên chế công chức, viên chức, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, gắn với cá thể hóa trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và tăng cường kiểm soát quyền lực.
Đồng thời nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tinh gọn bộ máy đi đôi với nâng cao hiệu lực hiệu quả, tinh giản biên chế đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Hoàn thành chỉ tiêu tinh giản biên chế công chức, viên chức giai đoạn 2017 - 2021 (công chức giảm 10,01%, viên chức giảm 11,67%). Việc quản lý và sử dụng công chức, viên chức có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, rà soát, đề xuất cắt giảm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với công chức, viên chức, được dư luận hoan nghênh. Công tác cải cách hành chính của các Bộ, ngành và địa phương đã có nhiều tiến bộ.
Thay mặt Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Nội vụ, ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được trong năm qua.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Quyết liệt sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế
Đánh giá cao tinh thần thẳng thắn, cầu thị, nhìn thẳng vào những vấn đề còn hạn chế, bất cập trong báo cáo và các ý kiến phát biểu, Thủ tướng lưu ý thêm một số vấn đề ngành Nội vụ cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện, khắc phục. Theo đó, công tác xây dựng thể chế, chính sách có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn đặt ra. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các Bộ, tinh giản biên chế cần phải cố gắng hơn. Hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở ở nhiều địa phương còn hạn chế, đặc biệt là khi có tình huống phát sinh như công tác phòng chống dịch COVID-19 vừa qua đã bộc lộ những tồn tại, bất cập trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền ở một số địa phương, nhất là cấp xã. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa ngang tầm nhiệm vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Trật tự, kỷ cương hành chính và thực hiện văn hóa công vụ ở một số cơ quan, đơn vị các cấp chưa nghiêm.
Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng trong nhiều trường hợp, quản lý nhà nước vẫn chưa đúng tầm, bộ máy vẫn dành thời gian giải quyết sự vụ nhiều hơn là tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước. Quản lý nhà nước phải tập trung xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện, huy động nguồn lực, thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng kết, khen thưởng, kỷ luật, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về định hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 và thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, ngành Nội vụ có vai trò rất quan trọng trong việc tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; góp phần xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ.
Thủ tướng nhấn mạnh, công việc của Bộ, ngành Nội vụ rất nhạy cảm, phức tạp vì liên quan đến bộ máy, con người. Đại hội XIII đã xác định con người là mục tiêu, là động lực, là trung tâm, là chủ thể của sự phát triển, Thủ tướng yêu cầu Bộ, ngành Nội vụ cần bám sát chủ trương này để triển khai nhiệm vụ, bố trí con người, tổ chức bộ máy linh hoạt, phù hợp trên cơ sở khách quan, công tâm, dân chủ, công bằng. Trước mắt, ngành Nội vụ căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục tham gia vào kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo an sinh xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế theo tinh thần đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển, ưu tiên bố trí cán bộ, nguồn lực phù hợp cho công tác này trên tinh thần bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tránh lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.
Cùng với đó, phải đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức; khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng vị trí việc làm của cả hệ thống hành chính từ Trung ương đến cấp xã; cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ theo vị trí việc làm và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tham mưu phối hợp, xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài cho nền công vụ. “Tôi tuyển dụng bao giờ cũng phải nghiên cứu học bạ từ hồi đi học các cấp của người đó xem có tốt không, tức là phải lựa chọn cán bộ có nền tảng tốt”, Thủ tướng chia sẻ kinh nghiệm của một người từng làm công tác tổ chức. Mặt khác, không thể máy móc, cứng nhắc vì có những người học không tốt nhưng làm việc giỏi, tiếp cận công việc nhanh.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là thực hiện quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. “Như Bộ Công an, các tổng cục hình thành trong 35 năm nhưng Bộ quyết tâm cắt khâu trung gian, giảm 8 tổng cục và nhiều cục mà nhiệm vụ vẫn hoàn thành tốt”, Thủ tướng dẫn chứng và cho rằng vấn đề là có quyết tâm làm hay không. “Từ tình hình ra nhiệm vụ, từ nhiệm vụ ra bộ máy, từ bộ máy ra con người”, Thủ tướng định hướng.
Thủ tướng yêu cầu phải triển khai hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính, tập trung cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, thực hiện tốt hơn công tác quản lý đối với các lĩnh vực quan trọng khác của ngành Nội vụ.
Thủ tướng lưu ý toàn ngành thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, thấm nhuần và thực hiện nghiêm các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Tình hình càng khó khăn, phức tạp càng phải giữ vững nguyên tắc, đoàn kết thống nhất, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, bàn bạc kỹ lưỡng, lắng nghe ý kiến của nhau, quyết định theo đa số. Kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Thủ tướng tin tưởng rằng với truyền thống vẻ vang hơn 76 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với sự đổi mới, nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa, làm việc có trọng tâm, trong điểm, làm việc nào dứt việc đó, năm 2022, ngành Nội vụ sẽ làm tốt các nhiệm vụ được giao hơn năm 2021.
Theo Báo Chính phủ
Link gốc: baochinhphu.vn/Thoi-su/Quan-ly-nha-nuoc-phai-tap-trung-xay-dung-the-che-chinh-sach-thay-vi-giai-quyet-su-vu/458585.vgp?