Máy bay Predator, loại UAV có biệt danh "Thú ăn thịt" trong quân đội Mỹ đã được âm thầm điều đến Minneapolis để giám sát hoạt động biểu tình.
Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) điều máy bay không người lái, không vũ trang Predator CBP-104 đến Minneapolis từ căn cứ không quân Grand Forks. Máy bay “bay vòng phía trên Minneapolis” ở độ cao 20.000 feet (khoảng 6.000 m). Chuyến bay diễn ra từ khoảng 10-13h (giờ địa phương).
Một chiếc UAV Predator của biên phòng Mỹ - Ảnh: Getty. |
Được biết, chiếc máy bay này đã rời đi âm thầm như cách nó đến. Nếu không nhờ Jason Paladino, một phóng viên thuộc Dự án giám sát chính phủ, có lẽ đã không ai biết đến sự xuất hiện của chiếc UAV nói trên.
Theo trang VOX, việc chiếc Predator được điều tới Minneapolis khiến nhiều người lo lắng. Vài giờ trước khi nó được triển khai, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây chú ý khi tuyên bố "súng sẽ nổ nếu cướp bóc xảy ra" .
Các máy bay của CBP đều là máy bay giám sát không vũ trang và có thể giám sát một khu vực hàng giờ liền, theo Business Insider. CBP xác nhận hoạt động này và cho biết mục đích của họ là cung cấp hình ảnh trực tiếp về tình hình theo yêu cầu của các cơ quan hành pháp ở Minneapolis.
Hành động này của CBP đã ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến chỉ trích.
"Việc sử dụng công nghệ quân đội để giám sát người biểu tình trong nước là vô cùng phản cảm, cho thấy CBP thiếu chính sách rõ ràng và đủ mạnh để bảo vệ quyền riêng tư và các quyền hiến pháp khác", theo Neema Singh Guiliani, cố vấn Liên đoàn tự do dân sự Mỹ (ACLU).
Trong khi đó, CBP nói họ thường xuyên thực hiện các hoạt động với các cơ quan hành pháp địa phương, cấp tiểu bang và liên bang khác để trợ giúp họ và thực hiện các hoạt động nhân đạo. Việc Mỹ sử dụng máy bay để giám sát biểu tình cũng không phải lần đầu và đã gây nhiều tranh cãi.
Người biểu tình đòi công bằng cho người da màu tụ tập bên ngoài tòa nhà quốc hội Mỹ - Ảnh: Getty. |
Sự kiện này tiếp tục châm ngòi cho các cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ sau cái chết của George Floyd, một người Mỹ gốc Phi vào ngày 25/5 do bị cảnh sát thành phố Minneapolis ghì cổ. Cảnh sát bắt giữ Floyd vì tình nghi anh ta sử dụng tiền giả trong một quán ăn gần đó.
Vụ việc làm dấy lên các cuộc biểu tình chống lại phân biệt chủng tộc. Biểu tình lan rộng và trở nên bạo lực ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ.
Mặc dù sau đó, viên cảnh sát Chauvin, người trực tiếp ghì cổ Floyd bị sa thải và hiện đã bị bắt giam với tội danh giết người, nhưng những người biểu tình không hài lòng với điều này. Họ yêu cầu truy tố cả 4 viên cảnh sát trong lúc anh trai của Floyd đề nghị tử hình cả 4 người này dù Minnesota đã bỏ án tử hình từ lâu.
Minh Khôi (T/h)