Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phú Yên: Người phụ nữ nghèo bán bánh mì, làm mướn hiến 2 hecta đất xây trường học

(DS&PL) -

Mặc dù còn nhiều khó khăn, phải đi làm mướn, bán bánh mì trang trải cuộc sống nhưng khi được vận động, gia đình bà Út, bà Bảy vẫn tự nguyện hiến 2 hecta đất để xây trường

Mặc dù còn nhiều khó khăn, phải đi làm mướn, bán bánh mì trang trải cuộc sống hàng ngày nhưng khi được chính quyền địa phương vận động, gia đình bà Út, bà Bảy vẫn tự nguyện hiến 2 hecta đất để xây trường học.

Bà Lê Thị Út (bên phải) và bà Lê Thị Bảy (bên trái) cùng lãnh đạo UBND xã Đức Bình Đông về thăm trường. Ảnh: TTXVN

Ở xã Đức Bình Đông, huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, khi nhắc đến việc hiến đất để xây trường, mở đường, mọi người thường nói về gia đình bà Lê Thị Út ở thôn Tân Lập. Chồng bà Út là thương binh, đã mất, hằng ngày bà bán bánh mì để lấy tiền nuôi người con nhiễm chất độc da cam.

Cuộc sống khó khăn, vất vả là vậy nhưng khi được chính quyền địa phương vận động hiến đất để xây dựng trường học, bà Lê Thị Út đã tự nguyện hiến 1,1 hecta đất để xây dựng trường trung học cơ sở và hơn 2.000m2 đất để xây dựng trường mầm non. Số đất nói trên đều là đất đang sản xuất của gia đình.

Bà Út chia sẻ: "Hiến đất xây trường học cũng là nguyện vọng của chồng tôi trước khi qua đời. Nhìn ngôi trường khang trang, sạch đẹp tôi thấy vui lắm".

Để có những ngôi trường mới khang trang, còn có 9.000m2 đất của gia đình ông Lê Văn Tài và bà Lê Thị Bảy (thôn Tân Lập).

Ông Tài cho biết so với nhiều hộ khác, cuộc sống của gia đình ông ổn định. Vì thế, chính quyền vận động hiến đất là vợ chồng ông đồng ý ngay. "Mình hiến đất xây trường cũng là để con cháu mình có nơi học tập đàng hoàng, có tương lai tốt đẹp hơn".

Ngoài ra, gia đình ông Tài còn hiến 2.000m2 đất để Ủy ban Nhân dân xã Đức Bình Đông làm đường bê tông nông thôn.

Những nghĩa cử cao đẹp của gia đình bà Lê Thị Út, gia đình ông Lê Văn Tài có sức lan tỏa mạnh mẽ, giúp cho người dân nơi đây được đi trên con đường thênh thang, trẻ em được học tập ở ngôi trường khang trang, đồng thời góp phần không nhỏ để xã miền núi như Đức Bình Đông “về đích” sớm với nhiều tiêu chí khó trong bộ tiêu chí nông thôn mới.

Bạch Hiền (t/h)

Tin nổi bật