Theo phản ánh của người dân xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ thời gian gần đây xuất hiện nhóm người ngang nhiên xẻ đồi trồng bạch đàn, đưa máy múc, xe tải vào khai thác đất trái phép.
Anh A (xin được giấu tên) cho biết, vị trí diễn ra tình trạng khai thác trái phép là địa bàn giáp ranh giữa khu 1 (thôn Thủy Trạm, xã Sơn Thủy) và khu 15 (xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn). Trước tới nay người dân vẫn gọi tên khu đồi này là đồi Miếu Hoi, đồi Suối Hai và đồi Ông Ngộ.
Máy múc xe tập nập khai thác đất.
Tìm hiểu được biết, trước đây những đồi này được giao cho các hộ dân trồng bạch đàn, nhưng từ đầu năm tới nay tại khu vực này xuất hiện máy móc vào khai thác đất mang đi phục vụ đắp nền công trình, số còn lại chế biến thành cát nhân tạo.
Ngày 11/12, có mặt tại khu vực nêu trên, phóng viên ghi nhận cảnh khai thác diễn ra nhộn nhịp. Tại khai trường liên tục có 5 - 6 xe tải loại 3,5 tấn, xuất hiện cả xe 8 tấn thay phiên nhau vận chuyển đất ra ngoài. Quả đồi bị múc dựng thành vách dựng đứng, phía dưới một chiếc máy múc hoạt động hết công suất.
Những chiếc xe tải vận chuyển đến bãi tập kết ở cách đó khoảng 500 mét, quá trình vận chuyển xe kéo theo bùn đất làm đường giao thông nông thôn nhếch nhác bùn đất.
Đường vận chuyển đất từ bên trong khu khai thác ra ngoài.
Theo người dân, nhóm người này ngang nhiên xẻ ngang quả đồi để làm đường cho xe tải vào vận chuyển ra ngoài. Đất được đước đưa ra ngoài sẽ tập kết vào bãi của 1 người đàn ông tên I, ở đây đất sẽ được nghiền, chế biến thành cát nhân tạo bán phục vụ công trình xây dựng trên địa bàn.
Chị M (xin được giấu tên) nhà bán hàng tạp hóa cách khu khai thác vài trăm mét cho hay việc vận chuyển đất ngang cửa hàng nhà chị gây bụi ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ tới việc kinh doanh của gia đình.
Xe tải vận chuyển đất ra ngoài.
Anh L - một người dân cũng là cán bộ xã Sơn Thủy cho biết: Hoạt động khai thác đất trái phép lâu dài kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường, đất đai. “Cái đầu tiên thấy là đường xá bụi bẩn, nhếch nhác. Cái thứ 2 là việc khai thác đặt ra bài toán gây khó cho công tác quản lý hành chính tại địa phương. Đất đai bị khai thác mà việc quản lý cứ loay hoay vì là địa phận giáp ranh, cũng là kẽ hở để một số cá nhân trục lợi”, anh L nói.
Con đường “xẻ ngang” quả đồi để ô tô vào vận chuyển đất.
Bãi tập kết cách đó vài trăm mét.
Để có thêm thông tin, Phóng viên Đời sống & Pháp luật đã liên hệ với UBND xã Tất Thắng và UBND huyện Thanh Sơn nhưng tới nay vẫn chưa có phản hồi chính thức.
Một cán bộ xã Tất Thắng thừa nhận khu vực này là địa phận giáp ranh với xã Sơn Thủy (huyện Thanh Thủy) nhiều năm qua vẫn chưa xác định được mốc giới hành chính cụ thể.
Chúng tôi tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Hoàng Phương – Phú Nguyễn