Nằm trong chuỗi các hoạt động của Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc diễn ra từ ngày 2 - 4/12/2022 tại Phú Thọ. Triển lãm “Ảnh đẹp Du lịch Tây Bắc” với chủ đề: “Sắc màu văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc” trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam, nhằm giới thiệu đến du khách về những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng Tây Bắc nói riêng, sự phong phú, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam nói chung. Thông qua những bức ảnh, nhóm ảnh của các tác giả đã giới thiệu đến người dân Đất Tổ và du khách vẻ đẹp của thiên nhiên, văn hóa, phong tục tập quán, nghệ thuật trình diễn dân gian, sản phẩm đặc trưng và nét đẹp của con người các tỉnh vùng Tây Bắc.
Triển lãm ảnh trưng bày trong ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV
Thu hút đầu tư vào các lĩnh vực du lịch, tạo động lực đẩy mạnh quá trình xây dựng và phát triển các khu du lịch trọng điểm. Thông qua các tác phẩm, sản phẩm được giới thiệu, cũng nêu bật tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ như: Vườn Quốc gia Xuân Sơn có hệ sinh thái phong phú, độc đáo; Đầm Ao Châu (Hạ Hòa) sở hữu thảm thực vật phong phú cùng làn nước trong xanh mang thần thái của một bức tranh thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng; đồi chè Long Cốc (Tân Sơn) được ví như “Hạ Long trên cạn”; nguồn nước khoáng nóng Thanh Thủy quý giá… Cùng với đó là giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Mường, Dao, Mông, Lự, Kháng, Lô Lô, Khơ Mú, Thái, Tày... với hình ảnh ấn tượng đẹp, cùng trải nghiệm độc đáo, hấp dẫn cho du khách và cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của các địa phương 7 tỉnh Tây Bắc. "Sau Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV. Đến nay, triển lãm đã đón hàng nghìn lượt khách tham quan và thưởng lãm. Các bức ảnh được trưng bày đa phần đều đoạt giải các cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế".
Biểu diễn văn nghệ hát xoan đặc trưng đất Tổ chào mừng khai mạc ngày hội Văn hoá, thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc
Trích vở “ Lễ hội mở cửa rừng” do nghệ nhân người Mường, huyện Yên Lập biểu diễn
Màn trình diễn văn nghệ Khai mạc ngày hội của nghệ sĩ, diễn viên các vùng Tây Bắc
Khoảng 200 tài liệu hiện vật, hình ảnh, lãm là những tác phẩm ảnh nghệ thuật sáng tác tại các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La và Phú Thọ tập trung giới thiệu các dân tộc vùng Tây Bắc. Thông qua các tổ hợp trưng bày về địa vực cư trú, làng bản nhà cửa, canh tác nông nghiệp, phương tiện vận chuyển, trang phục, nhạc cụ, nghề thủ công... và không gian văn hóa chợ, lễ hội làm điểm nhấn để giới thiệu tới công chúng tham quan. Các sản phẩm vùng miền đã giới thiệu về những điểm du lịch nổi tiếng và tiềm năng du lịch của các tỉnh trong khu vực như: Đỉnh Phan Xi Păng được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương; Sa Pa - thị trấn trong mây mờ ảo, thơ mộng, khí hậu quanh năm mát mẻ; Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn mê đắm lòng người; danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Căng Chải gần gũi mà kỳ ảo; Hồ Pá Khoang mênh mông giữa vùng thiên nhiên tráng lệ với thảm thực vật phong phú, khí hậu ôn hòa; rừng Mường Phăng là khu bảo tồn tự nhiên với nhiều loại động thực vật quý hiếm của tỉnh Điện Biên; Thung lũng Mai Châu bình yên ngát xanh sắc màu cây cỏ, đồng lúa và xen lẫn những mái nhà nhỏ; Cao nguyên Mộc Châu trải dài ngút ngát với những loài hoa nở rất nhiều ở vùng núi Tây Bắc như hoa ban, hoa mận, hoa đào…
Ông Nguyễn Đắc Thuỷ - Giám đốc Sở Văn hoá, thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ sau lễ tổng kết và bế mạc ngày hội.
Cũng trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV đã diễn ra các hoạt động trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của các tỉnh vùng Tây Bắc. Theo đó nhiều nghi thức truyền thống như: Thầy cúng thực hiện nghi thức xua đuổi tà ma tại trích đoạn Lễ hội Xék pang á của dân tộc Kháng, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La; Trích đoạn nghi lễ Tra hạt làm lễ cầu mưa của dân tộc Khơ Mú, tỉnh Điện Biên; Nghi thức đổ lúa vào bồ tại trích đoạn lễ hội "Kin khảu máy" của dân tộc Lư, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu; Nghi thức làm cốm tại trích đoạn nghi lễ Then của tỉnh Lào Cai; Nghi lễ "Mở cửa rừng" của tỉnh Phú Thọ… đã được tái hiện lại một cách rất hấp dẫn, sinh động.
Minh Thu