Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phó Giám đốc nổi điên, lao xe ô tô vào công ty của vợ làm 4 người thương vong bị xử lý thế nào?

(DS&PL) -

Giận vợ, Phó Giám đốc Cty TNHH xây dựng Thành Đức (trụ sở tại huyện Tiên Lãng) điều khiển ô tô lao thẳng vào 1 doanh nghiệp làm 4 người thương vong có thể phải đối mặt với nhiều tội danh.

Ngày 24/6, CQĐT Công an huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng đã tạm giữ hình sự đối với Phạm Văn Thanh (45 tuổi, trú ở huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng), là Phó Giám đốc Cty TNHH xây dựng Thành Đức (trụ sở tại huyện Tiên Lãng), về hành vi điều khiển ô tô lao thẳng vào một doanh nghiệp, khiến 4 người thương vong.

Hiện trường vụ tai nạn.

Bước đầu xác định, vào khoảng 19h ngày 23/6, Phạm Văn Thanh điều khiển ô tô loại 4 chỗ BKS: 15A – 29677 lao thẳng vào cổng Công ty Phúc Thuận (trụ sở tại xã Đoàn Lập, huyện Tiên Lãng).

Lúc này, tại khu vực cổng Công ty Phúc Thuận có nhiều công nhân đang tan ca, chuẩn bị ra về. Hành vi nguy hiểm của Thanh khiến 3 nữ công nhân bị thương. Sau đó, Thanh còn xuống xe tấn công 1 nam công nhân, khiến anh này bất tỉnh. Sau đó, tiếp tục lên xe ô tô lao thẳng vào khu vực chứa sản phẩm của Công ty Phúc Thuận, khiến kho chứa sản phẩm cùng chiếc xe ô tô bốc cháy dữ dội. Đêm cùng ngày, 1 nữ công nhân đã tử vong do thương tích quá nặng.

Tại cơ quan Công an, Phạm Văn Thanh khai nhận do mâu thuẫn tình cảm với vợ là Phạm Thị S. (SN 1978), là công nhân Công ty Phúc Thuận nên đi uống rượu, bia từ trưa đến 19h cùng ngày rồi đi tìm vợ để... “giải quyết mâu thuẫn”.

Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật
(Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh).

Trao đổi với PV, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh) nhận định: Với tính chất nghiêm trọng của vụ việc như báo đài đăng tải, cơ quan chức năng sẽ điều tra nguyên nhân gây ra tai nạn. Giả sử, người tài xế tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thì sẽ bị xử lý theo điều 260 Tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ. Tuy nhiên, tại cơ quan Công an, Phạm Văn Thanh khai nhận do mâu thuẫn tình cảm với vợ là Phạm Thị S. (SN 1978), là công nhân Công ty Phúc Thuận, nên đi uống rượu, bia từ trưa đến 19h cùng ngày rồi đi tìm vợ để... “giải quyết mâu thuẫn”. Và đường nội bộ Công ty Phúc Thuận không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ vừa nêu trên nên sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này.

Tuy nhiên, với các thông tin ban đầu cho thấy người này đã sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ để giải quyết mâu thuẫn là có đầy đủ cấu thành của tội Giết người, dẫu người này bị say sỉn.

“Với hành vi xuống xe để tấn công nam thanh niên thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích trong trường hợp có cấu thành tương ứng với tội danh này. Trường hợp Thanh tiếp tục lên xe ô tô lao thẳng vào khu vực chứa sản phẩm của Công ty Phúc Thuận, khiến kho chứa sản phẩm cùng chiếc xe ô tô bốc cháy dữ dội thì có dấu hiệu của Tội hủy hoại tài sản”, Luật sư Bình nói.

Cùng nêu quan điểm về vụ việc nêu trên, Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) phân tích: Theo thông tin trên các phương tiện truyền thông, rõ ràng, ông Thanh đã thực hiện liên tiếp các hành vi vi phạm pháp luật. Các hành vi của ông Thanh có dấu hiệu tội phạm được quy định tại Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh sau: Tội cố ý gây thương tích, tội giết người, tội vô ý làm chết người, tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).

Theo thông tin báo, có bốn người bị thương tích, trong đó có 3 người (một người bị chết sau đó) do ông Thanh có hành vi lao xe vào cổng Công ty Phúc Thuận gây ra, một người bị ông Thanh đánh bất tỉnh.

Luật sư Hiền nhận định: Rõ ràng, các hành vi liên tiếp này của ông Thanh có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với hậu quả là làm chết người.

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà gây hậu quả chết người thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm (điểm a khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017)”.

Trong trường hợp nếu có căn cứ cho rằng hành vi lao xe vào cổng Công ty và hành vi đánh một nam công nhân bất tỉnh của ông Thanh là hành vi cố ý, mong muốn, có mục đích tước đoạt tính mạng của những người này mà thực tế là có một người đã bị chết (hậu quả đã xảy ra) thì ông Thanh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân, cao nhất là tử hình.

“Còn trong trường hợp ý chí chủ quan, hành vi cụ thể của ông Thanh không phải/không thể hiện việc tông xe vào cổng để làm chết người và việc chết người đó nằm ngoài mong muốn, ý thức chủ quan của ông Thành thì hành vi của ông Thanh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội vô ý làm chết người”, Luật sư Hiền phát biểu.

Theo đó, tội vô ý làm chết người được quy định tại Điều 128 Bộ Luật hình sự 2015 như sau: “người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Ngoài ra, ông Thanh còn có hành vi: “sau khi tấn công một nam công nhân bất tỉnh, ông lại tiếp tục lên xe ô tô lao vào kho chứa sản phẩm của Công ty.”

Như vậy, dưới góc nhìn pháp lý, hành vi của ông này có dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại Điều 178 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017: “người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.” Nếu gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên có thể bị phạt tù từ 10 đến 20 năm.

“Tùy thuộc vào cơ quan tiến hành tố tụng qua quá trình điều tra, truy tố và xét xử thì các hành vi của ông Thanh có thể cấu thành các tội phạm khác nhau được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Nếu vụ án được đưa ra xét xử và hành vi của ông Thanh cấu thành nhiều tội danh khác thì Tòa án sẽ tổng hợp hình phạt để quyết định một hình phạt chung”, Luật sư Hiền cho hay.

T.V

Tin nổi bật