(ĐSPL) - Mới đây, Thượng viện Philippines công bố thông tin, sẽ điều tra vụ buôn lậu tài nguyên thiên nhiên quy mô lớn cho Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.
Giới chức Philippines đã mạnh mẽ lên án hành động này. Tuy nhiên, thái độ thực sự của Philippines ra sao, khi lúc thì “cứng rắn” lúc lại tưởng như “mềm mại” trước yêu sách của Trung Quốc?
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu ngày 24/8. - Ảnh: Reuters. |
Trung Quốc lấy cát Philippines xây đảo trái phép ở Biển Đông?
Vừa qua, tờ Rappler (Philippines) công bố thông tin điều tra do Thượng viện Philippines tiến hành về việc Trung Quốc khai thác trái phép đất, đá, cát đen của nước này để xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Các hoạt động này được cho là đã diễn ra trước khi Manila thắng vụ kiện lịch sử về cái gọi là “đường lưỡi bò” phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Cụ thể, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yassay Jr hôm 24/8 báo cáo trước Thượng viện: “Có bằng chứng cho thấy, cát đen thuộc lãnh thổ Philippines có thể đã bị Trung Quốc khai thác trái phép với quy mô lớn nhằm thực hiện các hoạt động cải tạo, bồi lấp đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông”.
Ông Yassay cho biết, thông tin này được thu thập bởi phát hiện của tình báo quốc tế, các cơ quan an ninh và lực lượng đặc nhiệm Philippines trên Biển Đông. Cáo buộc trên đưa ra với nội dung, Trung Quốc đã nhiều lần nỗ lực điều tàu chở cát đen cùng thiết bị đến nhiều khu vực trên Biển Đông để thực hiện hoạt động bồi lấp gần bãi cạn Scarborough, nhưng bị phía Mỹ ngăn chặn.
Tuy nhiên, thông tin cụ thể về địa điểm và thời gian Trung Quốc tiến hành khai thác trái phép vẫn chưa được tiết lộ. Đây là lần đầu tiên, Philippines lên tiếng về hoạt động mà nước này gọi là “cướp đất” của Trung Quốc.
Mặc dù chưa có kết luận chính thức về cuộc điều tra cáo buộc hành động này của Trung Quốc, Ngoại trưởng Yassay kêu gọi Thượng viện Philippines mở cuộc điều tra kỹ càng về vấn đề trên. Bộ Ngoại giao Philippines bày tỏ quan điểm, hoạt động này sẽ "vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và quyền chủ quyền" của nước này.
Ông Yassay nhấn mạnh thêm: “Nếu cáo buộc trên được xác nhận, Philippines chắc chắn sẽ có hành động về vấn đề này. Chúng ta có quyền bảo vệ lãnh thổ của mình trước mọi sự xâm nhập bất hợp pháp”.
Tờ Phil Star dẫn báo cáo của Thượng nghị sỹ Panfilo Lacson hé lộ thông tin đã có các hoạt động khai thác “san phẳng nhiều núi đồi” ở tỉnh Zambales, Philippines. Báo cáo nhấn mạnh về các hoạt động buôn lậu đất, đá vào Biển Đông.
Ông Lacson cho rằng việc này có nguy cơ làm tổn hại đến môi trường, đe doạ nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ Philippines. Không những vậy, Thượng nghị sỹ Lacson cực lực lên án và nhận định, hành vi bất hợp pháp trên còn nhạo báng pháp luật Philippines.
Nội dung báo cáo dẫn thông tin từ Thống đốc tỉnh Zambales, ông Amor Deloso cho biết: “Đất đá khu vực này đã được vận chuyển cho phía Trung Quốc để xây dựng gần 3.500 ha đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông”.
Mới năm ngoái, giới thanh tra Philippines phát hiện những sai phạm của cựu Thống đốc tỉnh Zambales khi ký giấy phép khai thác khoáng sản và nhiều hoạt động khai thác phi pháp nguồn tài nguyên đất nước cho một công ty. Song song với báo cáo mới nhất, Chính phủ Philippines đã chỉ đạo thành lập một lực lượng đặc biệt điều tra xác thực thông tin vụ “san phẳng núi đồi” ở Zambales.
Thước đo “phản ứng” của Bắc Kinh
Trước những diễn biến nóng lên từng ngày trong mối quan hệ của Trung Quốc và Philippines, thái độ và quan điểm của hai bên luôn thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.
Mới đây, Philippines cử cựu Tổng thống Fidel Ramos, một người có mối quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh, sang đàm phán với bà Phó Oánh, cựu Thứ trưởng Ngoại giao và hiện là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc.
Reuters đưa ra bình luận: “Chuyến đi của cựu Tổng thống Ramos tới Hồng Kông như một nỗ lực của Philippines nhằm giảm thiểu những căng thẳng giữa hai nước trong các tranh chấp hàng hải tại Biển Đông”.
Tuy nhiên, đến ngày 24/8, Tổng thống Philippines bất ngờ cảnh báo Trung Quốc, “sẽ đổ máu” nếu Bắc Kinh toan tính xâm phạm chủ quyền của Philippines bằng quân sự.
“Hiện tại giữa hai nước vẫn chưa có một quyết định thống nhất về phán quyết của PCA, nhưng sẽ đến lúc chúng ta cần phải có một sự “thống nhất với nhau”. Tôi khẳng định, nếu các bạn (Trung Quốc) tiến vào đây, nhất định sẽ có một cuộc giao tranh đẫm máu. Chúng tôi sẽ không dễ dàng nhượng bộ, các binh sỹ của chúng tôi, thậm chí là tôi sẽ sẵn sàng hy sinh thân mình”, Tổng thống Philippines thể hiện thái độ cứng rắn của mình đối với Bắc Kinh.
Hai ngày sau đó (26/8), tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Bộ tư lệnh Miền Đông Mindanao, miền Nam Philippines, ông Duterte tiếp tục làm rõ quan điểm của mình đối với những tranh chấp lãnh thổ của Philippines.
Người đứng đầu đất nước “vạn đảo” khẳng định, Philippines sẽ dựa theo phán quyết của PCA trong mọi cuộc đàm phán với Trung Quốc về tranh chấp trên Biển Đông.
Trong một diễn biến liên quan, tờ nhật báo Inqirer của Philippines dẫn nhận định của Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio, ông Carpio đã chỉ ra những gì Manila có thể làm để khẳng định quyền của nước này trên Biển Đông, nếu Trung Quốc tiếp tục cố tình xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Bình luận về tình hình này. PGS.TS Nguyễn Thị Quế, nguyên Viện trưởng viện Quan hệ Quốc tế thông tin: “Ở một khía cạnh nào đó, có thể thấy, những phát ngôn về Biển Đông và mối quan hệ với Trung Quốc của Tổng thống Philippines Duterte không nhất quán. Nhưng thực tế, nếu quan sát cẩn thận, thì lại thấy, lời nói của ông Duterte khi mềm mỏng, khi cứng rắn, nhưng vẫn thống nhất. Quan điểm Philippines vẫn là cố gắng đàm phán hòa bình với Trung Quốc trong giới hạn có thể. Manila có thể “chiều” theo ý Bắc Kinh, không chủ động nêu phán quyết của PCA tại các diễn đàn quốc tế, nhưng Philippines cũng sẽ sẵn sàng phản kháng, nếu đàm phán hòa bình thất bại. Những động thái của Manila vừa qua như một thước đo “phản ứng” của Bắc Kinh”.
ANH HÀ (Theo Reuters, Philstar, Inquirer)
Video tin tức được xem nhiều:
[mecloud]u1zxjsed70[/mecloud]