(ĐSPL) - TAND tỉnh Bình Thuận đã thống nhất áp dụng hình thức phê bình, rút kinh nghiệm đối với HĐXX sơ thẩm kết án oan ông Nén và gửi văn bản về TAND Tối cao để báo cáo.
Ngày 4/3, TAND tỉnh Bình Thuận vừa có cuộc họp kiểm điểm đối với hai thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân trong HĐXX sơ thẩm xử vụ hủy hoại tài sản, giết người, cướp tài sản đối với ông Huỳnh Văn Nén vào ngày 31/8/2000 (vụ bà Lê Thị Bông bị sát hại).
Đây là vụ án mà ông Nén bị HĐXX kết án chung thân, dẫn đến ông phải ngồi tù oan suốt 17 năm trời ròng rã.
Ông Nén trong buổi xin lỗi ông hồi tháng 12/2015. |
Được biết phiên tòa sơ thẩm kết án chung thân ông Nén lúc đó có năm người, gồm hai thẩm phán và ba hội thẩm nhưng một hội thẩm đã qua đời. Vì vậy, TAND tỉnh Bình Thuận chỉ tiến hành họp kiểm điểm với bốn người còn lại. Cụ thể, những người bị kiểm điểm gồm Thẩm phán Nguyễn Thanh Tâm, chủ tọa phiên tòa (hiện là phó chánh Tòa Hình sự TAND tỉnh Bình Thuận); Thẩm phán Nguyễn Thị Lộc và hai hội thẩm.
Tại buổi họp, TAND tỉnh Bình Thuận cho rằng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ông Huỳnh Văn Nén đã khai nhận toàn bộ hành vi như kết luận điều tra và cáo trạng quy kết; ông Nén không kêu oan mà luôn tự nhận mình là thủ phạm. Cạnh đó, khi bản án hình sự sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật, ngày 4/7/2001, TAND Tối cao cũng đã có văn bản do bà Đặng Thị Thanh - Phó Chánh tòa Hình sự lúc ấy - ký trả lời khiếu nại của ông Huỳnh Văn Truyện (cha ông Nén). Văn bản này cũng khẳng định: “TAND Tối cao xét thấy không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án hình sự sơ thẩm nói trên”.
Việc TAND tỉnh Bình Thuận chỉ áp dụng hình thức phê bình, rút kinh nghiệm HĐXX trong khi ngày 3/3 vừa qua ông Nén đã được Cục Điều tra VKSND Tối cao mời đến và nộp đơn tố cáo 14 người tham gia tố tụng làm oan cho ông trong hai vụ án khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.
Theo báo Vietnamnet, trong đơn bổ sung ngày 3/3 gửi Cơ quan điều tra VKSND Tối cao, ông Nén đã đề nghị xem xét xử lý trách nhiệm đối với 14 cán bộ trong các cơ quan tố tụng của tỉnh Bình Thuận như: công an, TAND, Viện KSND...đã gây oan sai cho ông cũng như các thành viên gia đình trong 2 vụ án, gồm “kỳ án vườn Điều” xảy ra năm 1993 và vụ án “bà Lê Thị Bông” xảy ra năm 1998.
Ông Huỳnh Văn Nén được xem là “người tù thế kỷ” khi bị các cơ quan tố tụng điều tra, truy tố, xét xử ở Bình Thuận kết án oan cả hai vụ án giết người. Trong đó, vụ “Vườn điều” ông bị kết án năm năm, vụ bà Lê Thị Bông bị sát hại bị kết án chung thân. Và sau khi thụ án hơn 17 năm ông Nén mới được trả tự do, minh oan và hiện ông đang yêu cầu cơ quan tố tụng bồi thường oan.
NINH LAN (Tổng hợp)
[mecloud]Sz3RA1rjkU[/mecloud]