Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phát triển kinh tế huyện Ba Vì nhanh, bền vững

(DS&PL) -

Để kinh tế phát triển nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, trở thành huyện nông thôn mới trước năm 2025... Ðảng bộ huyện Ba Vì (Hà Nội) xác định, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới đồng bộ...

Thực hiện hiệu quả chủ trương trên, công tác rà soát, lập, điều chỉnh các loại quy hoạch, giải phóng mặt bằng, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là những giải pháp quan trọng. Huyện Ba Vì khai thác lợi thế cảnh quan đưa du lịch, dịch vụ trở thành kinh tế chủ lực trong giai đoạn 2020-2025.

Đồng chí Đỗ Mạnh Hưng Chủ tịch UBND Huyện Ba Vì cho biết, xác định công tác quy hoạch có vai trò quan trọng, luôn đi trước một bước, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện sẽ tập trung lập, hoàn thiện, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch bảo đảm chất lượng, đúng quy định, theo định hướng, mục tiêu phát triển của huyện và thành phố. Trong đó, trọng tâm là điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng huyện, quy hoạch du lịch, quy hoạch giao thông, quy hoạch cấp nước sạch nông thôn, quy hoạch lâm nghiệp. Bên cạnh đó, huyện sẽ đề xuất thành phố cho phép triển khai lập quy hoạch phân khu 5 tỷ lệ 1/2.000 (khu vực sườn phía Tây núi Ba Vì gồm 3 xã: Minh Quang, Khánh Thượng, Ba Vì); quy hoạch phân khu 6 tỷ lệ 1/2.000 (khu vực sườn phía Đông núi Ba Vì, gồm 2 xã: Vân Hòa và Yên Bài); quy hoạch phân khu hồ Suối Hai...

 

Cùng với nhiệm vụ trên, huyện Ba Vì sẽ tăng cường công tác quản lý quy hoạch trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư có năng lực vào các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội theo đúng quy hoạch... Đồng thời, huyện chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ công tác giải phóng mặt bằng; chú trọng phối hợp giữa các đơn vị, địa phương trong việc xác minh nguồn gốc đất; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng; bổ sung, hoàn thiện quy trình giải phóng mặt bằng bảo đảm đúng quy định. Cùng với đó là tăng cường vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cũng như vai trò giám sát của nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng, quyết tâm không để xảy ra vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng các dự án theo kế hoạch được giao. Mặt khác, Ba Vì đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn theo hướng đồng bộ.

Đưa dịch vụ, du lịch thành kinh tế chủ lực

Du lịch, dịch vụ là lĩnh vực rất giàu tiềm năng nhưng nhiều năm qua địa phương vẫn chưa khai thác hiệu quả. Để khai thác lợi thế này, Đảng bộ huyện Ba Vì đề ra mục tiêu đưa dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực với mục tiêu đến năm 2025 sẽ đón 4,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt 500-550 tỷ đồng... Để đạt mục tiêu này, huyện sẽ tăng cường khai thác tiềm năng và lợi thế các điểm du lịch trên địa bàn, tôn tạo phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, khuyến khích mở rộng quy mô, đa dạng và hiện đại hóa các cơ sở kinh doanh du lịch. Cùng với đó là thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông vào các khu, điểm du lịch; đề xuất thành phố thu hút đầu tư, phát triển khu du lịch Suối Hai, Cụm di tích lịch sử quốc gia Đền Hạ - Trung - Thượng thành khu du lịch trọng điểm của huyện và Thủ đô; đồng thời phối hợp các đơn vị du lịch quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch Ba Vì, liên kết các tuyến điểm du lịch trong huyện với các điểm du lịch của thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Mặt khác, huyện sẽ tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ tổ chức quản lý của các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ nhằm thu hút du khách tham quan du lịch Ba Vì...

Để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ huyện, huyện Ba Vì cũng xác định, cán bộ là gốc của mọi công việc. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy vai trò “đầu tàu” của đội ngũ cán bộ các cấp... Cụ thể, huyện Ba Vì sẽ chú trọng thực hiện hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển kinh tế của huyện và đáp ứng nhu cầu thực tiễn đời sống; đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ về số lượng và bảo đảm về tiêu chuẩn, chất lượng; thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp cán bộ; chú trọng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ... Mặt khác, Ba Vì sẽ đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Chủ tịch UBND Huyện Ba Vì đỗ Mạnh Hưng cho biết trong nhiệm kỳ (2020-2025), Đảng bộ huyện Ba Vì sẽ dồn lực cho 3 khâu đột phá: Tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài huyện để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, thực hiện có hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng đô thị, nông thôn theo hướng đồng bộ; tập trung cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao năng lực và ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ...

Đảng bộ huyện Ba Vì đề ra mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ đưa dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực. Để hoàn thành mục tiêu trên, huyện sẽ khuyến khích đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị tại thị trấn Tây Đằng và đô thị Tản Viên Sơn; đồng thời đẩy mạnh đầu tư cải tạo nâng cấp, xây dựng mới hệ thống chợ nông thôn theo hướng chuẩn của Bộ Công Thương và bảo đảm các tiêu chí nông thôn mới; xây dựng mới chợ Nhông, chợ trung tâm Tây Đằng, chợ Mơ, chợ Ba Trại, chợ Dầy; xây dựng chợ đầu mối theo quy hoạch phục vụ việc tiêu thụ sản phẩm và du lịch tại khu vực các xã gần tỉnh lộ 414, quốc lộ 32.
Bên cạnh đó, huyện Ba Vì tiếp tục tăng cường khai thác tiềm năng và lợi thế các điểm du lịch trên địa bàn, tôn tạo phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, khuyến khích mở rộng quy mô, đa dạng và hiện đại hóa các cơ sở kinh doanh du lịch; thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông vào các khu, điểm du lịch; triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ quy hoạch phân khu, quản lý đất đai...

Minh Huyền

 

Tin nổi bật