Thực hiện chiến lược phát triển đa ngành, từ năm 2019, THACO tiếp tục đầu tư quy mô lớn với những thay đổi mang tính chiến lược trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có cơ khí. Từ chỗ chỉ tập trung sản xuất linh kiện cơ khí ô tô, THACO đã phát triển cơ khí trở thành ngành nghề sản xuất kinh doanh độc lập và song song với ô tô, cùng với ô tô đóng vai trò chủ lực và cùng với các ngành nghề khác bổ trợ lẫn nhau để tạo ra giá trị cộng hưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Phát triển cơ khí thành lĩnh vực chủ lực song song với ô tô
Theo ông Phạm Văn Tài - Tổng giám đốc THACO, mở rộng sản xuất cơ khí là hướng đi phù hợp với chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ Chính phủ. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ khí luôn được định hướng giữ vai trò chủ đạo và là ngành công nghiệp nền tảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển nhanh, bền vững, nâng cao tính độc lập, tự chủ; đảm bảo khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp thế giới (theo Quyết định 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035). Đối với THACO, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trên nền tảng cơ khí chế tạo là định hướng chiến lược nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh; tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; đẩy mạnh việc tiếp thu, chuyển giao công nghệ; tạo tiền đề để phát triển các lĩnh vực kinh tế khác; qua đó, thực hiện chiến lược nội địa hóa, tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây cũng là bước đi cụ thể trong lộ trình thực hiện chiến lược phát triển đa ngành của THACO.
Dây chuyền robot hàn |
Từ năm 2018, THACO đã đề ra tầm nhìn là trở thành Tập đoàn công nghiệp đa ngành hàng đầu khu vực ASEAN, góp phần phát triển kinh tế đất nước với 5 lĩnh vực cũng là các ngành kinh tế chiến lược của Việt Nam, đó là: Ô tô và Cơ khí; Nông - Lâm nghiệp; Đầu tư hạ tầng giao thông, khu công nghiệp và đô thị; Thương mại; Logistics. Việc mở rộng sản xuất kinh doanh sang các ngành nghề mới như nông nghiệp, xây dựng đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của lĩnh vực cơ khí chế tạo để sản xuất các thiết bị canh tác, bộ nông cụ, thiết bị chế biến, phương tiện vận chuyển chuyên dụng cho nông nghiệp hay sản xuất nhà thép tiền chế, cấu kiện cơ khí trong xây dựng. Mặt khác, thực tế thị trường hiện nay cho thấy ngành cơ khí Việt Nam trong những năm qua mặc dù có những bước phát triển nhất định nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường. Hiện nay, nhu cầu về sản phẩm cơ khí, nhất là nhóm sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, là rất lớn, đặc biệt là các máy nông cụ như máy gặt, máy cày, máy bừa, máy chế biến nông sản, máy sấy, nghiền,... Việc phát triển thêm các lĩnh vực cơ khí sẽ đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường, đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng.
Dây chuyền sơn tĩnh điện |
Đầu tư vào phát triển cơ khí, THACO đã tận dụng hạ tầng công nghệ sẵn có về cơ khí ô tô để tạo ra các sản phẩm cơ khí liên quan, từ đó từng bước hoàn thiện chuỗi giá trị từ nghiên cứu, phát triển sản phẩm đến sản xuất, phân phối và cung ứng. Sau 16 năm đầu tư tại Chu Lai, THACO đã hình thành Tổ hợp sản xuất và gia công cơ khí phục vụ sản xuất ô tô và linh kiện phụ tùng, đồng thời thực hiện gia công cho các khách hàng như Doosan Vina, General Electric (GE), Makitech (Nhật Bản), Agata, Three Stars và các công ty đến đầu tư tại Chu Lai. Tổng giá trị THACO gia công cho các doanh nghiệp này trong năm 2018 đạt 368 tỷ đồng. Thời gian tới, Tổ hợp Cơ khí được định hướng phát triển trở thành Trung tâm Cơ khí miền Trung, đảm nhận sản xuất, gia công và cung ứng sản phẩm cơ khí cho các doanh nghiệp trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên.
Đầu tư mở rộng sản xuất, liên doanh liên kết, từng bước hoàn thiện chuỗi giá trị
Dựa trên các nền tảng về công nghệ, thiết bị, kinh nghiệm sản xuất và kinh nghiệm quản trị cơ khí và ô tô, từ năm 2018, THACO đã mở rộng sản xuất từ cơ khí cho ô tô sang cơ khí phục vụ các lĩnh vực khác gồm: cơ khí nông lâm nghiệp, cơ khí xây dựng và cơ khí thiết bị công nghiệp với hàng loạt sản phẩm mới như: máy nông nghiệp; bộ thiết bị nông cụ (thiết bị làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch); thiết bị chuyên dụng (thiết bị vận chuyển trên nông trường, thiết bị nhổ cây); dịch vụ cơ giới nông nghiệp và vận chuyển; dịch vụ bảo trì, sửa chữa thiết bị sản xuất; nhà thép tiền chế, cấu kiện cơ khí trong xây dựng và các công trình giao thông, hệ thống MEP (hệ thống thông gió và điều hòa không khí, hệ thống điện, cấp thoát nước, thiết bị vệ sinh); các thiết bị công nghiệp (đồ gá, băng chuyền, xe tự hành,…); gia công cơ khí; dịch vụ tháo kiện; đóng gói; tái chế phế liệu.
Để thực hiện chiến lược mở rộng sản xuất cơ khí, bên cạnh các nhà máy, công ty hiện hữu là Tổ hợp Cơ khí, Nhà máy Gia công thép, Nhà máy khuôn, Công ty Cơ điện, THACO thành lập mới Nhà máy Máy nông nghiệp công suất 3.000 máy/năm và các công ty: Cơ khí & Giải pháp nông - lâm nghiệp, Cơ khí Xây dựng, Thiết bị công nghiệp thông qua hình thức liên doanh, liên kết với các đối tác có kinh nghiệm, năng lực để hợp tác sản xuất kinh doanh, nhận chuyển giao công nghệ, mua các sáng chế của nông dân và các tổ chức, doanh nghiệp để phát triển sản phẩm. Các công ty có chức năng thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường và phát triển khách hàng, lắp đặt và bảo trì sản phẩm cơ khí nông - lâm nghiệp, cơ khí xây dựng, thiết bị công nghiệp. Tháng 3/2019, THACO đã khởi công 2 dự án: KCN Nông - Lâm nghiệp và KCN Cơ khí & Ô tô mở rộng. Đây được xem là sự đầu tư chiến lược để phát triển các ngành cơ khí xây dựng, cơ khí nông nghiệp, thu hút mời gọi đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm cung cấp các linh kiện tại chỗ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và giảm giá thành sản phẩm.
Liên doanh, liên kết là giải pháp chiến lược của THACO để mở rộng sang các lĩnh vực cơ khí mới. Cụ thể, trong lĩnh vực cơ khí nông - lâm nghiệp, THACO đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp nông lâm nghiệp, cung cấp các giải pháp cơ giới đồng bộ cho cây ăn trái và cây công nghiệp. Trong cơ khí xây dựng, tập đoàn sẽ liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, nhà thầu có uy tín để mở rộng thị trường kinh doanh sản phẩm cơ khí xây dựng và cơ khí công trình giao thông. Đối với cơ khí thiết bị công nghiệp, sẽ hợp tác với các đối tác để cung cấp giải pháp và thiết bị công nghiệp cho các ngành nghề: ô tô, xe máy, chế biến nông lâm sản, thương mại - dịch vụ.
Đặc biệt về cơ khí nông - lâm nghiệp, THACO đã có cách làm khác biệt hướng đến tạo ra những giá trị mới cho nông nghiệp thông qua phương thức quản lý công nghiệp. Mục tiêu đặt ra là từng bước làm chủ công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, phù hợp với địa hình và điều kiện canh tác từng vùng miền. Hiện nay, THACO đang cung cấp các giải pháp về cơ giới hóa nông nghiệp cho các nông trường của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại Lào và Campuchia. Đồng thời, mở rộng hợp tác với các đối tác để sản xuất kinh doanh máy và thiết bị nông nghiệp; nghiên cứu và phát triển đa dạng các sản phẩm máy và thiết bị phục vụ các khâu canh tác, chăm sóc, thu hoạch lúa, cây ăn trái, cao su và cung cấp các dịch vụ cơ giới khác.
Để phát triển cơ khí phục vụ các ngành nghề mới, hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm được chú trọng với việc thành lập Trung tâm thử nghiệm; Trung tâm Thiết kế kỹ thuật và dây chuyền công nghệ sản xuất tại Chu Lai. Đồng thời, THACO tuyển dụng chuyên gia trong và ngoài nước, kỹ sư có năng lực và kinh nghiệm về cơ để nâng cao năng lực thiết kế; đưa kỹ sư qua các nông trường tại Campuchia và Lào để trực tiếp nghiên cứu các giải pháp cơ giới hóa đồng bộ cho cây ăn trái và cây công nghiệp; liên kết với các đối tác có kinh nghiệm về thiết kế hệ thống điều khiển để chuyển giao công nghệ; hoàn thiện các giải pháp thiết bị công nghiệp cho ô tô để triển khai cho các ngành nghề khác như chế biến nông lâm sản và thương mại dịch vụ.
Theo chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trọng tâm phát triển là cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, ô tô, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện và công nghiệp hỗ trợ. Với việc mở rộng và phát triển cơ khí thành một ngành chủ lực, trong đó tập trung vào cơ khí nông - lâm nghiệp, cơ khí xây dựng và cơ khí thiết bị công nghiệp, THACO đã có hướng đi phù hợp với chiến lược phát triển của Chính phủ, góp phần phát triển ngành cơ khí của đất nước, đồng thời từng bước tạo ra hệ sinh thái công nghiệp đa ngành với các lĩnh vực phát triển bổ trợ cho nhau, mang tính tích hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Thu Hà