Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phạt người tự ý đăng ảnh người khác lên facebook: Cần phải có đơn yêu cầu xử lý

(DS&PL) -

Theo luật sư, dù là yêu cầu bồi thường thiệt hại hay để xử lý vi phạm hành chính thì điều tiên quyết là cần phải có đơn yêu cầu xử lý của người bị xâm phạm quyền hình ảnh

Theo luật sư, dù là yêu cầu bồi thường thiệt hại hay để xử lý vi phạm hành chính thì trong trường hợp này, điều tiên quyết là cần phải có đơn yêu cầu xử lý của người bị xâm phạm quyền hình ảnh.

Từ ngày 15/4, Nghị định 15/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử sẽ có hiệu lực. Nghị định này thay thế cho Nghị định 174/2013 trước đó.

Với Nghị định 15, việc xử lý các thông tin sai lệch, giả mạo trên mạng xã hội rõ ràng hơn. Trong đó, tại Điều 101 quy định những vi phạm về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.

Đặc biệt, điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định nêu rõ, phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi "thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật".

Trường hợp cá nhân có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức. Điều này đồng nghĩa với việc, cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Nghị định 15/2020 thay thế cho Nghị định 174/2013 trước đó. Ảnh minh họa

Đề cập tới vấn đề xâm phạm quyền hình ảnh cá nhân, căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, Luật sư Hoàng Tùng  - Trưởng văn phòng luật Trung Hòa (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) nêu quan điểm:

Thứ nhất, quyền của cá nhân đối với hình ảnh, thông tin được pháp luật ghi nhận. Việc sử dụng hình ảnh, thông tin của người khác cần phải được sự đồng ý của chính chủ.

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:

Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Việc vi phạm quyền hình ảnh cá nhân trong một số lĩnh vực đã có các hình thức xử phạt cụ thể như:

Theo Khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân trong quảng cáo mà không có sự đồng ý của người đó có thể bị xử phạt với mức từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng.

Điều 51. Vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định;

b) Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

Trong lĩnh vực báo chí và xuất bản, hành vi sử dụng hình ảnh của cá nhân không xin phép sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 8 Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Điều 8. Vi phạm quy định về nội dung thông tin

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

...

e) Đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác.

Theo quy định của pháp luật, các trường hợp được phép sử dụng hình ảnh mà không cần xin phép như sau:

2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Hiện nay, Nghị định 15/2020/NĐ-CP được ban hành ngày 3/2/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, chính thức có hiệu lực từ 15/4/2020. Theo Nghị định này, hành vi tự ý sử dụng hình ảnh, thông tin của người khác mà không được sự đồng ý, cho phép của họ sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (đối với cá nhân sẽ bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng)

e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;

g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;

Như vậy, tính từ ngày 15/4/2020 những hành vi tự ý sử dụng hình ảnh, thông tin của người khác trên các phương tiện vô tuyến,… sẽ bị tiến hành xử phạt. Các quy định về xử phạt nêu trên là để ngăn chặn, xử lý và bảo vệ quyền và lợi ích của những người bị người khác tự ý xử dụng hình ảnh của mình. Đây là để đảm bảo tốt hơn nữa quyền về hình ảnh, thông tin của con người.

Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng văn phòng luật Trung Hòa

Thứ hai, Nghị định được ban hành như thực tế đặt ra nhiều khó khăn trong vấn đề xử lý như sau:

Thực tế, thực trạng dùng hình ảnh, thông tin của người khác hiện nay trên mạng xã hội rất nhiều. Việc xác định vấn đề là tự ý sử dụng, hoặc chưa xin phép, hoặc như thế nào là đồng ý cho người khác sử dụng… vẫn còn nhiều tranh cãi.

Ví dụ: A và B yêu nhau, anh A đăng ảnh lên mạng xã hội. Như vấn đề đặt ra trong trường hợp này xác định như thế nào là chị B đồng ý hay không đồng ý. Sau này chia tay, chị B lại đi tố cáo hành vi của anh A là vi phạm quyền hình ảnh của chị. Vậy thì xử lý ra sao?

Hoặc có những trường hợp hình ảnh đã được đăng tải một thời gian, công khai không hề che dấu nhưng sau đó lại bị tố cáo. Thực tế, có thể người đó biết được hành vi đăng hình ảnh đó nhưng không hề có ý kiến gì, hoặc đến một thời gian nào đó mới thực hiện việc tố cáo thì thời gian trước đó có được tính là đã “ngầm đồng ý” hay không?

Tại Điều 32 Bộ luật dân sự cũng quy định:

3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, để xử lý những hành vi vi phạm thì điều tiên quyết là phải có yêu cầu của người có hình ảnh về việc xử lý. Dù là yêu cầu bồi thường thiệt hại hay để xử lý vi phạm hành chính thì cần phải có đơn yêu cầu xử lý của người bị xâm phạm quyền hình ảnh. Điều này là sự tôn trọng quyền cá nhân của người có hình ảnh.

Trước những vướng mắc còn tồn tại, các cơ quan cần có văn bản giải thích hoặc lường trước những hành được xác định là “đã đồng ý” để thuận tiện hơn trong công tác xác định các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, dù vô tình, ngẫu nhiên hay cố ý thì việc sử dụng hình ảnh thông tin của người khác vẫn cần phải xin phép một cách rõ ràng.

Việc xin phép này có thể thực hiện bằng việc gửi tin nhắn, gửi văn bản hoặc trao đổi trực tiếp trước khi thực hiện công khai hình ảnh của người khác. Việc làm này không chỉ là tuân thủ các quy định của pháp luật mà còn rèn cho xã hội một loại văn hóa tôn trọng quyền riêng tư, quyền hình ảnh của người khác, tránh được một số những mối nguy hiểm khác liên quan đến hình ảnh cá nhân.

Vũ Đậu

Tin nổi bật