Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Phát hiện nhiều động vật hoang dã mắc vi rút SARS-CoV-2

  • Mộc Trà
(DS&PL) -

Theo Tổ chức Thú y thế giới (WOAH), đã có 29 loài động vật hoang dã bị lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trong môi trường sinh sống.

Nhiều cá thể động vật hoang dã mắc SARS-CoV-2

Ngày 15/3, tại hội thảo tổng kết chương trình “Giám sát SARS-CoV-2 trên động vật hoang dã tại một số khu vực có sự tương tác giữa con người, động vật và môi trường theo phương pháp tiếp cận Một sức khỏe tại Việt Nam” do Tổ chức Wildlife Conservation Society, Văn phòng Việt Nam (WCS Việt Nam) và Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức, WCS Việt Nam đã lựa chọn một số địa điểm có nguy cơ cao để thực hiện giám sát SARS-CoV-2 và Corona bao gồm khu vực có dơi tự nhiên, các cơ sở nuôi và cứu hộ động vật hoang dã.

Giám sát đã thu thập được 2.856 mẫu từ 964 cá thể động vật bao gồm dơi, cầy, hươu, nai, chó nhà, tê tê, lợn rừng, dúi, nhím và một số loài động vật ăn thịt được cứu hộ khác.

Các kết quả xét nghiệm cuối cùng cho thấy sự có mặt của kháng thể kháng SARS-CoV-2 trên hai cá thể chó nhà nuôi trong cơ sở nuôi cầy và hươu, nai ở Nghệ An và một chủng Betacoronavi rút trên một cá thể dơi thuộc loài dơi chó Ấn Độ tại Vườn quốc gia Pù Mát, tỉnh Nghệ An.

Theo Tổ chức Thú y thế giới (WOAH), đã có 29 loài động vật hoang dã bị lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trong môi trường sinh sống của chúng.

Việt Nam cũng phát hiện 1 trường hợp Hà mã tại Vườn thú Hà Nội mắc và chết do nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trong năm 2022. Bên cạnh đó, nghiên cứu của WCS Việt Nam đã phát hiện vi rút corona có mối liên hệ di truyền với chủng vi rút SARS-CoV-2 trên cá thể tê tê tịch thu từ những vụ buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam.

Việt Nam từng phát hiện cá thể Hà mã mắc và chết do nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Ảnh minh hoạ

Đại diện rừng quốc gia Cúc Phương cho biết, trong công tác cứu hộ đơn vị phát hiện cá thể cầy vàng nhiễm vi rút SARS-CoV-2. “Khi phát hiện cầy vàng mắc bệnh, địa phương đã yêu cầu chúng tôi tiêu huỷ ngay lập tức để tránh lây lan dịch bệnh. Nhưng việc tiêu huỷ động vật hoang dã rất khó khăn, vì đây là những động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao. Số lượng ngoài tự nhiên vô cùng ít. Chính vì thế chúng tôi đã thuyết phục và chống đối chưa thực hiện yêu cầu của địa phương. Cuối cùng đã bảo tồn được cá thể”, đại diện rừng Cúc Phương cho hay.

Giám sát vì sức khoẻ con người

Tiến sĩ Casey Barton Behravesh, Giám đốc Văn phòng Một Sức khỏe của CDC chia sẻ: “Việc giám sát SARS-CoV-2 theo cách tiếp cận sức khỏe là cần thiết để theo dõi các biến thể và đột biến của vi rút, cũng như để tìm hiểu cách thức lây truyền của vi rút SARS-CoV-2 giữa người và động vật.

Các hoạt động được thực hiện thông qua chương trình giám sát này không chỉ tăng cường công tác giám sát động vật hoang dã ở Việt Nam mà còn hướng tới xây dựng hướng dẫn giám sát để hỗ trợ thúc đẩy việc thực hành chính sách Một sức khỏe trên khắp cả nước. Những nỗ lực của WCS Việt Nam trong việc thu hút sự tham gia của các cơ quan liên quan trong lĩnh vực động vật hoang dã, con người và môi trường là rất đáng khen ngợi và là một ví dụ điển hình cho các quốc gia khác đang mong muốn thúc đẩy các hoạt động liên quan đến việc lấy mẫu động vật hoang dã theo cách tiếp cận Một sức khỏe.”

TS Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT

TS Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: “Việt Nam chia sẻ mối quan tâm chung của toàn thế giới về việc xây dựng hệ thống giám sát quốc gia đối với các bệnh trên động vật hoang dã. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy rõ sự thiếu hụt các hoạt động giám sát SARS-CoV-2 và các corona khác trên động vật hoang dã tại các khu vực có sự tương tác giữa con người, động vật và môi trường và tại các mắt xích của chuỗi cung ứng có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh tại Việt Nam”.

Bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng Đại diện WCS Việt Nam, chia sẻ: "Mục tiêu chính của chúng tôi là nâng cao năng lực giám sát SARS-CoV-2 tại các khu vực có sự tương tác giữa con người, động vật, và môi trường tại Việt Nam. Chương trình giám sát đã nhận được sự hợp tác, phối hợp của nhiều cơ đơn vị thuộc lĩnh vực Thú y, các cơ quan kiểm lâm và các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã.

Bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng Đại diện WCS Việt Nam

Với phương pháp tiếp cận Một sức khỏe tập trung vào hợp tác và phối hợp về thời gian và các nguồn lực khác giữa các cơ quan thuộc các ngành y tế, thú y, kiểm lâm và môi trường ở cấp tỉnh, tuy còn một số hạn chế, nhưng vẫn đóng vai trò rất quan trọng để tối ưu hóa hiệu quả công tác giám sát trong từng lĩnh vực và xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các hệ thống giám sát của mỗi ngành.”

Theo Cục Thú y, để chủ động phòng, chống lây lan và ứng phó với vi rút SARS-CoV-2 đối với động vật hoang dã nhiễm vi rút:

- Cần cách ly động vật được xác định dương tính với SARS-CoV-2 ra khu điều trị, chăm sóc riêng.

- Người chăm sóc, điều trị hàng ngày phải mặc bảo hộ.

- Cách 7 ngày sẽ lấy mẫu 1 lần (mẫu dịch ngoáy mũi, miệng hoặc phân tươi) để xét nghiệm SARS-CoV-2.

- Đến khi kết quả xét nghiệm âm tính SARS- CoV-2 thì đưa con vật về khu chuồng nuôi bình thường.

Mộc Trà

Tin nổi bật