Mới đây nhiều dấu chân mãnh thú xuất hiện trong vườn dân ở TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) được xác định có thể là của báo hoa mai.
Dấu chân nghi của báo xuất hiện tại rẫy cà phê của người dân ở TP.Bảo Lộc. Ảnh: Thanh Niên. |
Zing.vn đưa tin, chiều ngày 17/12, Chi cục kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm TP Bảo Lộc thông báo đến người dân sinh sống và có rẫy tại các xã gần rừng về việc xuất hiện của hai cá thể nghi là báo hoa mai.
Theo đó, những ngày qua, người dân thôn Nao Srê, xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc, phát hiện nhiều dấu chân thú, nghi là báo hoa mai, trên các rẫy cà phê. Dấu chân loài động vật này để lại nhiều và rõ nhất thuộc khu vực rẫy cà phê của gia đình bà Trần Thị Huệ.
Chia sẻ trên Infonet, ông Nguyễn Tá Chiến - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bảo Lộc cho biết khi xem dấu vết tại hiện trường, nhiều khả năng đây là báo hoa mai - loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB được ưu tiên bảo vệ.
“Qua theo dõi mấy năm nay, có khả năng 2 cá thể báo này cùng đàn với 3 cá thể báo hoa mai đã xuất hiện tại địa bàn xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai, quanh khu vực đèo Bảo Lộc vào tháng 12/2012. Thời điểm đó, tại đây còn lưu lại nhiều dấu vết chân thú. Dấu chân gồm một đệm chân và 4 ngón, một số dấu chân còn có vết móng vuốt và có kích thước khác nhau. Hạt đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tìm hiểu thông tin từ các người dân đã nhìn thấy 2 cá thể động vật này. Giả thuyết được đạt đây là 2 cá thể mẹ con, cá thể mẹ cao khoảng 80cm và cá thể con cao khoảng 30cm, có lông nền màu vàng với các vằn màu đen, đầu giống loài mèo” - ông Chiến cho biết.
Hai cá thể xuất hiện tại Lâm Đồng có thể là báo hoa mai. Ảnh minh họa |
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết đã gửi văn bản đến Hạt Kiểm lâm TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) yêu cầu phối hợp với UBND các xã trên địa bàn tổ chức thông báo cho các hộ dân sinh sống và sản xuất nương rẫy gần rừng biết thông tin về 2 cá thể báo xuất hiện tại địa phương để người dân cảnh giác, chủ động bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản; thực hiện giải pháp xua đuổi nếu 2 cá thể báo xuất hiện trong vườn, rẫy của các hộ dân.
Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã và biết các quy định của pháp luật về việc xử lý trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm xâm hại hoặc đe dọa tính mạng, tài sản của con người.
Thanh Tùng (T/h)