Ngày 8/2/2023, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã chủ trì cuộc họp giao ban điều hành SXKD thường kỳ tháng 2 năm 2023 trực tuyến với thủ trưởng các đơn vị trong toàn Tập đoàn về kết quả SXKD tháng 1 kế hoạch tháng 2 năm 2023 và thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp cho kỳ tiếp theo và năm 2023.
Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chủ trì buổi giao ban
Từ đầu năm đến nay, nhìn chung, kinh tế vĩ mô thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng rất chậm. Trong tháng 1, các dự báo kinh tế thế giới đưa ra vẫn chưa lạc quan, bên cạnh có một số tích cực từ sự mở cửa, phục hồi của thị trường Trung Quốc, Ấn Độ và một số thị trường Châu Phi thì chỉ số PMI chưa vượt qua 50 điểm (Chỉ số PMI toàn cầu tháng 01/2023 ở mức 49,1 điểm), cho thấy tình hình sản xuất toàn cầu còn hết sức khó khăn. Năm 2023, được dự báo cũng sẽ có nhiều bất lợi như giá dầu giảm, nhu cầu thị trường thấp, suy thoái kinh tế toàn cầu... Đặc biệt, tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU..., lãi suất, lạm phát vẫn ở mức cao; cuộc chiến Nga - Ukraine chưa kết thúc… dẫn đến xu hướng thu hẹp sản xuất trên thế giới, xuất khẩu suy giảm, giảm nhu cầu tiêu thụ điện, khí... Đây là những rủi ro mà Petrovietnam phải tiếp tục quản trị biến động, xây dựng kế hoạch dự phòng, tận dụng cơ hội để hoàn thành cao nhất kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023. Trong nước, tình hình tăng trưởng kinh tế có xu hướng suy giảm từ quý IV/2022 cho đến tháng 1 năm nay, đặc biệt ảnh hưởng của 2 kỳ nghỉ Tết trong tháng 1, tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội do nhu cầu tiêu thụ giảm, trong đó nhu cầu năng lượng, điện, khí cho sản xuất giảm; nhu cầu tiêu thụ phân bón giảm, xuất khẩu khó khăn.
Các điểm cầu tham dự buổi giao ban
Trong khó khăn chung, nhận thức mục tiêu hết sức thách thức của năm 2023, đặc biệt là tất cả các chỉ tiêu sản lượng bằng hoặc cao hơn so với thực hiện 2022 là áp lực rất lớn, Petrovietnam tập trung quản trị biến động, rủi ro, ảnh hưởng đến thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm. Cùng với việc đưa ra kế hoạch quản trị, giao mục tiêu, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2023 trong toàn Tập đoàn, Petrovietnam đã căn cứ mục tiêu, kế hoạch từng khối, từng lĩnh vực, từng đơn vị có giải pháp quản trị, phân bổ nguồn lực trên cơ sở thực tiễn thị trường, kinh tế vĩ mô, để điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất. Trong tháng 1, các hoạt động SXKD của Tập đoàn diễn ra an toàn, ổn định, là cơ sở hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch. Cụ thể, sản lượng khai thác dầu thô đạt 0,88 triệu tấn, vượt 11,2% kế hoạch; sản xuất điện đạt 1,65 tỷ kWh, vượt 1,8% kế hoạch; sản xuất đạm đạt 159,3 nghìn tấn, vượt 8,9% kế hoạch; sản xuất xăng dầu đạt 586,1 nghìn tấn, vượt 12,6% kế hoạch.
Người lao động Dầu khí hăng say làm việc liên tục trên các giàn khoan
Các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn cũng đạt kết quả khả quan: Tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 69,4 nghìn tỷ đồng, vượt 22% kế hoạch; nộp NSNN toàn Tập đoàn (không bao gồm NSRP) ước đạt 12,1 nghìn tỷ đồng, vượt 42% kế hoạch.
Đặc biệt, vào 8 giờ 2 phút ngày 8/2/2023, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã chính thức đạt mốc sản lượng khai thác 1 tỷ thùng dầu, đánh dấu mốc son mới trong hành trình truyền thống 35 năm của Tổng công ty. Đạt được kết quả này là nỗ lực rất lớn của PVEP vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức; đây cũng là kết quả rất đáng ghi nhận so với nhiều công ty thăm dò, khai thác dầu khí trong khu vực và thế giới.
Trung tâm xử lý khí Cà Mau vận hành liên tục
Sau khi nghe báo cáo về tình hình hoạt động SXKD của các đơn vị, các Phó Tổng giám đốc phụ trách các lĩnh vực hoạt động, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng đã trao đổi, chỉ đạo: các giải pháp cho mục tiêu sản lượng rất thách thức của năm 2023; các vấn đề đẩy mạnh các thủ tục, thúc đẩy đầu tư, triển khai các dự án mới để gia tăng sản lượng; tiếp tục thúc đẩy công tác tái cấu trúc, phân công các nguồn lực trong toàn Tập đoàn để tránh chồng chéo, kết nối, tận dụng hiệu quả các nguồn lực; tăng cường phát triển hệ thống, mở rộng thị phần; ổn định nguồn cung xăng dầu; xây dựng hệ sinh thái để phát triển năng lượng tái tạo ngoài khơi; hình thành dịch vụ kinh doanh hạ tầng; nâng cao giá trị các sản phẩm, kinh doanh xuất nhập khẩu; tăng cường quản lý dự án, dòng tiền và công nợ;.…
Dự án Bir Seba – Algeria góp phần nâng cao sản lượng khai thác dầu thô
Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng biểu dương những cố gắng nỗ lực của đội ngũ gần 60 ngàn người lao động trong toàn Tập đoàn để Petrovietnam hoàn thành năm 2022 đạt hiệu quả cao, xác lập nhiều kỷ lục mới, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao. Tổng Giám đốc Tập đoàn cũng đánh giá cao các đơn vị đã nhanh chóng bắt nhịp công việc, duy trì hoạt động SXKD của Tập đoàn an toàn ổn định ngay từ đầu năm 2023, tạo đà cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.
Với các dự báo năm 2023 đã được xem xét, đánh giá, thảo luận trong nhiều cuộc họp của Tập đoàn, cùng đặc thù của tình hình kinh tế - chính trị thế giới với nhiều ẩn số, biến động, tốc độ nhanh, khó dự báo, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đề nghị tiếp tục tập trung, tăng cường công tác quản trị trước các thách thức, biến động của thị trường nhằm đảm bảo các mục tiêu lớn.
Dây chuyền sản xuất NPK Phú Mỹ ổn định sản xuất
Tổng Giám đốc đặc biệt nhấn mạnh các mục tiêu quan trọng trong năm 2023 của Tập đoàn là thúc đẩy xử lý các vướng mắc, khó khăn, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện các hành lang pháp lý, chính sách pháp luật, thể chế nhằm tạo điều kiện triển khai hoạt động của Tập đoàn hiệu quả, an toàn.
Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm về SXKD đã được Tập đoàn giao, các đơn vị so sánh, đánh giá với mục tiêu của đơn vị, cập nhật diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, đánh giá dư địa, động lực tăng trưởng để tập trung cho các mục tiêu đề ra, phát huy tối đa lợi thế sản xuất, mở rộng quy mô, quản trị tài chính, kinh doanh, xây dựng phương hướng kinh doanh, mở rộng thị trường; Tập trung quản trị công tác đầu tư và chuỗi liên kết; chú trọng các dự án trọng điểm, đặc biệt là mục tiêu tiến độ và phát huy nội lực trong ngành; Thúc đẩy công tác liên quan đến dịch chuyển năng lượng và xây dựng hệ sinh thái cho tái tạo kinh doanh ở vùng dịch chuyển; Tiếp tục đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số, quản lý tổng thể nguồn lực doanh nghiệp, kết nối các đơn vị thông qua các nền tảng; thực hiện tái cấu trúc, hoàn chỉnh công tác liên quan đến tài chính; tích cực duy trì cuộc họp giao ban khối, xử lý hiệu quả, tập trung các vấn đề tồn đọng ở từng lĩnh vực;…
Tàu dịch vụ hoạt động dịp Tết tại mỏ Bạch Hổ
Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng đề nghị, ngay từ buổi họp giao ban CEO đầu tiên của năm, lãnh đạo các đơn vị phải thể hiện quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đột phá để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch quản trị, hoạt động SXKD của đơn vị nói riêng và của Tập đoàn nói chung, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023.
Thu Hà