“Nếu họ giao F-16 và nghĩ rằng điều này sẽ làm thay đổi tình hình trên chiến trường. Chúng tôi sẽ tiêu diệt những máy bay này giống như cách chúng tôi đã phá hủy xe tăng, xe bọc thép và các thiết bị khác, bao gồm cả hệ thống tên lửa phóng loạt”, hãng thông tấn Tass dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin nói trong cuộc gặp mới nhất với các phi công quân sự ở vùng Tver.
Ông Putin nói thêm rằng trong trường hợp những tiêm kích F-16 do phi công Ukraine điều khiển được đặt ở các nước thứ ba, chúng sẽ là mục tiêu hợp pháp của hàng không Nga. “Tất nhiên, nếu chúng được sử dụng từ sân bay của các nước thứ ba, chúng sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của chúng tôi cho dù ở bất cứ đâu”, ông nói.
Chủ nhận Điện Kremlin đồng thời lưu ý rằng Nga nhận thức rõ rằng máy bay chiến đâu do Mỹ sản xuất có khả năng mang vũ khí hạt nhân và điều này sẽ được tính đến trong các hoạt động chiến đấu. Mosocw từng nhiều lần cảnh báo phương Tây rằng việc triển khai các máy bay phản lực có khả năng hạt nhân sẽ là sự leo thang không thể chấp nhận được trong cuộc xung đột.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sky News
Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Kiev đã nhiều lần kêu gọi Mỹ và các đồng minh phương Tây nhanh chóng cung cấp máy bay chiến đấu F-16 với lý do những tiêm kích này kết hợp cùng tên lửa tầm xa có thể giúp thay đổi cục diện chiến sự.
Đến tháng 8 năm ngoái, Mỹ cuối cùng đã ủy quyền cho các đồng minh cung cấp các tiêm kích F-16 cho Ukraine. Một nhóm gồm 14 quốc gia đã cam kết cung cấp tiêm kích này đồng thời hỗ trợ huấn luyện cho phi công Ukraine.
Trong tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren tiết lộ rằng phương Tây sẽ giao lô máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên cho Ukraine trong vòng vài tháng tới và số lượng nhiều hơn vào cuối năm nay.
Bà Ollongren nhấn mạnh Đan Mạch sẽ là quốc gia phương Tây đầu tiên cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine vào mùa hè 2024, sau đó là Hà Lan vào cuối năm. Đây sẽ là một phần của sự hỗ trợ quy mô lớn, nhằm mục đích tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine trong bối cảnh xung đột với Nga tiếp tục kéo dài.
Tháng 2 vừa qua, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cũng thông tin rằng Ukraine sẽ có quyền tự vệ, bao gồm cả khả năng tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp của Nga bên ngoài lãnh thổ bằng máy bay chiến đấu F-16 nhận từ các đồng minh phương Tây.
Ông Stoltenberg nhắc lại rằng tất cả các đồng minh của Ukraine đều muốn việc chuyển giao F-16 diễn ra càng sớm càng tốt. Song, hiệu quả của việc triển khai tiên kích này sẽ mạnh mẽ hơn nếu các phi công được đào tạo bài bản và đội bảo trì cũng như các nhân viên hỗ trợ khác được chuẩn bị tốt.
Phương Uyên (Theo Tass và RT)