Nếu chỉ vì tiền, Vingroup không dại gì làm ôtô
Trong phần hỏi đáp tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Vingroup (VIC) sáng 17/5, chủ đề hầu hết các câu hỏi được cổ đông đặt ra đều xoay quanh câu chuyện đầu tư vào xe điện và sự phát triển của VinFast.
VnExpress đưa tin, một cổ đông nêu ý kiến: "Tại sao VinFast lại chuyển từ sản xuất xe xăng sang xe điện, liệu trong tương lai tập đoàn có dừng sản xuất giống như đã làm với mảng điện thoại, xe xăng trước đây?".
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup. Ảnh: Vingroup
Chủ tọa phiên họp, cũng là người trực tiếp trả lời câu hỏi của các cổ đông là Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng.
"Rất nhiều người hỏi tôi tại sao Vingroup làm VinFast, sản xuất ô tô quá khó, chưa kể Vingroup bắt đầu với con số 0", ông Vượng mở đầu phần chia sẻ về lý do Vingroup thành lập VinFast.
Theo ông, lý do bắt đầu của dự án này không xuất phát từ mục đích kinh doanh, mà do muốn đóng góp cho xã hội.
"Nếu vì kiếm tiền, ban lãnh đạo Vingroup không dại gì lao vào một một lĩnh vực khó như sản xuất ô tô, nếu dễ đã không đến lượt", ông Vượng nói.
Vị Chủ tịch Vingroup cho hay, Vingroup quyết định làm VinFast vì lòng yêu nước, không hề có toan tính. Khi chúng ta đã thành đạt thì phải có trách nhiệm đóng góp cho đất nước, xây dựng một thương hiệu công nghệ cao, đẳng cấp và có sức ảnh hưởng trên thị trường quốc tế.
Bắt đầu với lý do không xuất phát từ việc kinh doanh kiếm tiền, nhưng ông thừa nhận, "cách mạng xanh" đã mở ra cơ hội lớn cho dự án này.
Kỳ vọng định giá VinFast định vượt 23 tỷ USD
Theo Tri thức trực tuyến, một cổ đông khác lại đặt câu hỏi: "Khi nào thì VinFast có lãi? Đâu là lĩnh vực khó, liệu có phải là kênh đầu tư mạo hiểm hay không?".
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng trả lời: “Khi sản lượng tăng cao, chúng tôi sẽ tối ưu chi phí và dần có lãi. Thu hồi vốn có 2 hình thức, vừa từ sản xuất kinh doanh, hai là huy động thêm vốn. Nếu định giá 23 tỷ USD sau khi niêm yết với mức đầu tư 8 tỷ thì chi phí đó không phải quá lớn. Đợi khi thị trường sầm uất trở lại, có đầy đủ dải sản phẩm, kinh doanh có lãi thì sẽ sớm mang lại niềm vui về tài chính cho mọi người”.
Liên quan đến huy động vốn tại Mỹ, quá trình niêm yết VinFast lên sàn chứng khoán New York đã tiến hành được một nửa, chỉ còn một số thủ tục nữa là hoàn thành. Với định giá 23 tỷ USD, ông Vượng kỳ vọng giá trị sẽ cao hơn và khẳng định thu hồi vốn sẽ không phải vấn đề do thị trường chứng khoán Mỹ có thanh khoản lớn, thông tin trên báo Lao động.
Chủ tịch Vingroup nhấn mạnh VinFast niêm yết thành công thì đây sẽ là hãng xe thuần điện lớn thứ 3 thế giới.
Nói về giá cổ phiếu VIC, ông Phạm Nhật Vượng đánh giá giá trị đang rất thấp so với giá trị thật và đặt niềm tin rằng theo thời gian thị giá của VIC sẽ quay trở lại. Ông nói với cổ đổng rằng "chưa mất gì khi chưa bán. Chỉ thực sự mất khi đã bán".
"Vingroup là chủ các công ty lớn. Các lực lượng, hệ sinh thái của VIC đều dồn lực vào phát triển các công ty con. Nếu giá trị cổ phiếu của VIC không tăng có thể do thị trường, thời cuộc, tin đồn, nhiều nhà đầu tư không vui và tháo chạy. Chúng tôi chẳng thấy lý do nào cả, bản thân tôi có bán đồng nào đâu", Chủ tịch Vingroup nói.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, ban lãnh đạo Vingroup đặt mục tiêu doanh thu thuần 190.000 tỷ đồng, tăng 87% so với năm 2022, trong khi kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm khoảng 2.000 tỷ đồng, giảm 44 tỷ so với năm trước, theo báo Tuổi trẻ.
Vân Anh (T/h)