Chứng kiến những học sinh nghèo vất vả đi bộ dưới cái nắng oi bức, ông chủ khách sạn đã nảy sinh ý tưởng "hồi sinh" những chiếc xe đạp cũ để tặng cho các em.
Anh Trần Quyết Thắng. Ảnh: Vietnamnet |
Nếu gặp anh Trần Quyết Thắng hơn một tháng trước, chắc nhiều người sẽ không nhận ra anh bây giờ. Anh quản lý khách sạn gia đình, da trắng đến nỗi bạn bè hay gọi là "mỹ nam", nhưng giờ ai thấy cũng kêu "đen nhẻm, bụi bặm".
Chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, việc kinh doanh khách sạn bị ngưng lại, không thể đến các câu lạc bộ thể thao luyện tập, anh Thắng cùng nhóm bạn chuyển sang đạp xe đạp.
Chiều chiều rong ruổi đạp trên đồng quê, vào các ngõ xóm, Thắng phát hiện có nhiều chiếc xe đạp bị vứt bỏ. Trong khi đó, anh vẫn chứng kiến những đứa trẻ đi bộ đến trường bất kể nắng mưa. "Mình chợt nghĩ nếu số xe đạp này được sửa chữa và trở thành phương tiện cho các em đi học thì tốt biết mấy", Thắng nói.
Ông chủ khách sạn sau đó tìm xin xe đạp người ta không dùng nữa, rồi bắt tay sửa sang. Chiếc xe đầu tiên anh Thắng xin được là xe trẻ con 4 bánh. Anh Thắng mang về tháo tung ra, lau chùi, sơn sửa một cách tỉ mỉ. Mặc dù hình thức chiếc xe đã được anh tân trang như mới nhưng khi đạp thử thì bánh xe bị kẹt, không thể di chuyển. Thất bại ngay từ lần đầu tiên song không vì thế mà ông chủ khách sạn nản lòng, anh đem chiếc xe ra quán nhờ thợ sửa lại. Bản thân anh cũng ngồi lì ở đó để “học lỏm”.
Lúc đó, anh hiểu ra, sửa một chiếc xe phải mất rất nhiều công đoạn, đòi hỏi người sửa phải tỉ mỉ, chính xác từng chi tiết. Làm một mình không xuể, anh quyết định kêu gọi bạn bè cùng tham gia và thành lập nhóm “Rebike For Kids”.
Ông Thắngthừa nhận, "hồi sinh" những chiếc xe không phải thú vui mà là việc nặng nhọc thực sự, đòi hỏi phải có sức khoẻ, sự tập trung, kiên nhẫn trong thời gian dài. Thường những chiếc xe ở phố bỏ xó lâu ngày sẽ không mất quá nhiều thời gian. Nhưng xe lấy từ các làng quê đa phần đều là xe không thể sử dụng nữa, nên sẽ mất 1-2 ngày. May mắn công việc kinh doanh khách sạn gia đình suôn sẻ, nên anh có nhiều thời gian làm việc mình thấy có ý nghĩa.
Sau hơn 3 tháng, anh Thắng cùng nhóm bạn đã phục hồi được 200 chiếc xe và hiện 70 chiếc đã được trao tặng cho học sinh nghèo và người dân có hoàn cảnh khó khăn. Anh cũng đặt ra mục tiêu là làm 1.000 chiếc xe trong 1 năm để tặng học sinh nghèo trên toàn quốc.
Anh Thắng sửa sang lại một chiếc xe hỏng xin được. Ảnh: Vnexpress |
Trong những chiếc xe đã tặng, Thắng ấn tượng nhất em Phan Bảo Khánh, 8 tuổi, trường Tiểu học thị trấn Phố Châu. Chập tối ngày 15/5, Khánh thập thò ngoài cổng nhà anh Thắng. Em đi bộ hơn 1 km tới để xin một chiếc xe đạp. Bố mẹ em đã mất. Em cùng anh trai ở với ông bà. Bà già yếu, còn ông bị ung thư. Anh trai học lớp 9 vừa bỏ học và em cũng đang có ý định này.
Nhóm Thắng đã tặng hai chiếc xe cho hai anh em Khánh và một số đồ dùng học tập. Từ bữa đó đến nay, Bảo Khánh không còn phải đi bộ tới trường. Sau buổi học, em chở mẹt hoa quả trong vườn đi dọc chợ bán để phụ giúp ông bà.
Đến nay, mô hình hồi sinh xe cũ của anh Thắng đã được lan tỏa ra 5 tỉnh thành là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Lào Cai, Nghệ An. Nhiều người ở các địa phương khác nhau đọc được tin đã tự liên hệ với nhóm của anh để tặng những chiếc xe đạp cũ, cũng có người ủng hộ tiền hay các phụ tùng xe đạp để thay thế.
Hoa Vũ (T/h)