Evergrande Group là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, với khoảng 1.300 dự án tại hơn 280 thành phố của đất nước tỷ dân. Hoạt động của công ty còn có ở nhiều lĩnh vực khác bao gồm quản lý tài sản, xe điện, hàng tiêu dùng và thể thao.
Tuy nhiên, Evergrande Group hiện đang gồng gánh khoản nợ phải trả khổng lồ lên tới khoảng 300 tỷ USD, tương đương 83% tổng tài sản mà không có khả năng thanh toán.
Chủ tịch Evergrande Group Hứa Gia Ấn. Ảnh: Zhihu
Hứa Gia Ấn sinh năm 1959 ở thành phố Chu Khẩu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ông có tuổi thơ cơ cực khi mẹ mất sớm, bố phải ở trong quân ngũ vì chiến tranh và lớn lên hoàn toàn dưới sự chăm sóc của bà ngoại. Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1975, Hứa Gia Ấn bắt đầu với công việc lái máy cày trong làng.
Hai năm sau đó, khi Trung Quốc mở lại kỳ thi tuyển sinh đại học, Hứa Gia Ấn nộp đơn đăng ký tham dự nhưng không thi đậu vì chưa có sự chuẩn bị tốt nhất do thời gian gấp rút. Năm sau, ông thi lại và đỗ vào trường Học viện Gang Thép Vũ Hán.
Sau khi tốt nghiệp năm 1982, Hứa Gia Ấn được bổ nhiệm vào Công ty Gang thép Vũ Dương Hà Nam. Là sinh viên đại học đầu tiên được phân công về nhà máy, cộng với khả năng làm việc mạnh mẽ của Hứa Gia Ấn, ông sớm vươn lên vị trí giám đốc phân xưởng.
Trong thời gian làm việc tại đây Hứa Gia Ấn đã dần chứng tỏ được tài năng quản lý của mình. Ông đã thành lập một trung tâm điều độ để giám sát quá trình xử lý nhiệt và sản xuất tấm dày 24 giờ một ngày, để hợp đồng hàng tháng được hoàn thành đúng thời hạn và nâng cao năng lực sản xuất.
Năm 1992, Hứa Gia Ấn đã đem bán những phế liệu của nhà máy để cải thiện phúc lợi cho nhân viên. Tuy nhiên, công ty không đồng tình với việc làm này và ông đành rời công ty sau 10 năm cống hiến.
Sau khi rời Hà Nam, ông đến thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông), nơi khi đó đi đầu trong công cuộc cải cách và mở cửa. Sau một hành trình dài, Hứa Gia Ấn cuối cùng đã gia nhập Shenzhen Zhongda Group.
Nhờ năng lực cá nhân xuất sắc, Hứa Gia Ấn đã sớm được đề bạt làm giám đốc văn phòng. Năm 1994, Shenzhen Zhongda chuẩn bị mở cửa thị trường bất động sản ở thành phố Quảng Châu, Hứa Gia Ấn đã đưa ba người đến đăng ký với Công ty Bất động sản Pengda Quảng Châu.
Cổng vào của khu đô thị Pearl Island Garden của Evergrande Group. Ảnh: Zhihu
Dự án đầu tiên của họ tại Quảng Châu được gọi là Pearl Island Garden và nó đã thu về 200 triệu nhân dân tệ cho công ty mẹ chỉ trong một dự án. Thật tiếc khi lương của Hứa Gia Ấn khi đó chỉ có 3.000 NDT (hơn 10 triệu đồng theo mệnh giá hiện nay), con số quá ít ỏi so với những gì ông mang lại cho công ty. Hứa Gia Ấn đề nghị sếp tăng lương nhưng đã bị từ chối.
Hứa Gia Ấn rời Shenzhen Zhongda và thành lập thành lập công ty riêng với tên Hengda (Evergrande) vào năm 1996. Công ty của ông khi đó chỉ có 7-8 người. Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm mua bán thành công nên việc vay vốn, thu hồi đất và xây dựng đều diễn ra trong một sớm một chiều.
Bất động sản đầu tiên của Hứa Gia Ấn là Jinbi Century Garden được xây dựng vào năm 1998. Nó đã tạo nên một huyền thoại trong giới bất động sản: "Thu hồi đất, báo cáo xây dựng, bắt đầu xây dựng, hoàn thành, bán hết và chuyển đến, tất cả đều gọi gọn trong 1 năm". Bất động sản này sau đó lọt vào danh sách "50 Cộng đồng Đô thị hóa Nổi tiếng hàng đầu của Trung Quốc".
Kể từ những năm 2000 các dự án nhà ở tại các thành phố ở Trung Quốc mọc lên như nấm sau mưa để đáp ứng nhu cầu tăng vọt vì quá trình đô thị hóa. Giá nhà cũng tăng rất mạnh. Tận dụng cơ hội, Evergrande như “diều gặp gió” phát triển vượt bậc..
Evergrande có chi nhánh, hiện diện tại 280 thành phố, với số lượng nhân viên lên tới 200.000 người. Tập đoàn đã hoàn thành 900 dự án xây nhà thương mại, hạ tầng bất động sản.
Tòa nhà trụ sở Evergrande Group. Ảnh: 163
Vào thời kỳ đỉnh cao, năm 2017, tạp chí Forbes đã ước tính tài sản của Hứa Gia Ấn là 45 tỷ USD. Evergrande Group phát triển vượt ra ngoài thị trường bất động sản khi mua lại câu lạc bộ bóng đá Guangzhou FC và mở rộng hoạt động sang những lĩnh vực mới như thực phẩm, giải trí và đặc biệt là nghiên cứu phát triển xe điện.
Đầu tiên, Evergrande đầu tư vào xe điện FF của Faraday Future (Mỹ). Tuy nhiên, sau khi đàm phán thất bại, Evergrande đã đầu tư 14,5 tỷ NDT (2,24 tỷ USD) vào China Grand Auto.
Hứa Gia Ấn đưa ra tầm nhìn sẽ vượt qua Tesla của Mỹ để trở thành hãng xe điện lớn nhất thế giới vào năm 2025 và giá trị thị trường công ty nghiên cứu và phát triển ôtô của Evergrande Group đã tăng vọt lên tới 90 tỷ USD dù vẫn chưa có một chiếc xe nào được ra mắt.
Tuy nhiên, điều này được cho là con dao 2 lưỡi khi các chuyên gia chỉ ra rằng việc Evergrande vay nợ quá nhiều khi phát triển rồi đến lúc bị chính phủ siết chặt quản lý nợ nên mới tạo ra tình hình này. Riêng mảng xe điện đã khiến tập đoàn chịu lỗ 740 triệu USD.
Khi Evergrande đứng trước nguy cơ sụp đổ vì món nợ quá lớn, Hứa Gia Ấn còn bị nhiều đồng minh thân cận quay lưng.
Lưu Loan hùng là ông chủ của Chinese Estates, vốn có mối quan hệ khăng khít với Hứa Gia Ấn khi tham gia với tư cách người mua hoặc người bán trong hầu hết các dự án của Evergrande. Vừa qua đã bán đi 138 triệu cổ phiếu Evergrande với tổng giá trị 64 triệu USD khi hay tin tập đoạn đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Vào tháng 8, Hạ Hải Quân, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Evergrande từ năm 2014, cũng đã bán 14,8 triệu USD cổ phiếu trong lĩnh vực ôtô điện và quản lý tài sản có trong tập đoàn.
Trước mắt, Evergrande Group phải đối mặt với cuộc kiểm tra tính thanh khoản quan trọng vào tuần này khi phải trả 83,5 triệu USD tiền lãi vào ngày 23/9 cho đồng ngoại tệ và 232 triệu tệ (36 triệu USD) cho đồng nội tệ. Sau đó là khoản thanh toán 669 triệu USD lãi vay vào cuối năm nay. Đầu năm sau, khoảng tháng 3, tập đoàn sẽ phải thanh toán tiếp 2 tỷ USD trái phiếu đáo hạn và tiếp đó là 1,45 tỷ USD.
Hoa Vũ (Theo Zhihu)