Mới đây, Công ty TNHH MTV Bóng đá Than Quảng Ninh – đơn vị quản lý CLB Than Quảng Ninh đã thông báo tạm dừng hoạt động để chờ tỉnh Quảng Ninh nhận lại đội bóng. Được biết, văn bản thanh lý hợp đồng đang được gửi đến các cầu thủ cũng như thành viên đội bóng.
Ông Phạm Thanh Hùng (áo đỏ) trong một trận đấu của Than Quảng Ninh.
Cách đây vài ngày, các cầu thủ Than Quảng Ninh đã đồng loạt gửi đơn đến lãnh đạo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Ninh, Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Quảng Ninh, VFF, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) để "cầu cứu" về việc các khoản nợ giữa đội bóng và cầu thủ lại chưa được thanh toán.
Tổng số tiền nợ của các cầu thủ lên đến 60 - 70 tỷ đồng gồm lương, tiền lót tay và chưa biết khi nào hay ai sẽ đứng ra thanh toán.
Được biết, "ông bầu" đứng sau CLB này là Phạm Thanh Hùng - vị đại gia vẫn được giới mộ điệu đất mỏ gọi với cái tên Hùng "xoăn".
Năm 2014, ông chính thức tiếp quản đội bóng từ Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV). Đổi lại, Hà Giang Gold Corp của ông được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp phép sử dụng lượng bã sàng, đá xít thải của TKV để sản xuất, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ theo hướng ưu tiên phục vụ nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất gạch, vật liệu xây dựng và các đơn vị có nhu cầu trên địa bàn.
Đại gia Phạm Thanh Hùng được biết đến là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Khai thác khoáng sản vàng Hà Giang (Hà Giang Gold Corp).
Hà Giang Gold Corp được thành lập từ tháng 9/2009, hiện đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại xã Việt Hồng, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.
Sau 5 năm hoạt động, tính đến ngày 11/4/2014, Hà Giang Gold Corp có quy mô vốn điều lệ 18 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm: CTCP Cơ điện Việt Nam, CTCP Công nghiệp mỏ xây dựng Đông Bắc (Đông Bắc CMI), CTCP ĐTTM và KT Khoáng sản Việt Lào, Công ty TNHH SXXD Vận Thiên và Công ty TNHH Vĩnh Đạt.
Trong đó, Đông Bắc CMI là cổ đông lớn nhất tại Hà Giang Gold Corp với tỉ lệ sở hữu 35% vốn điều lệ.
Doanh nghiệp này được thành lập từ tháng 6/2008, do vợ chồng doanh nhân Phạm Thanh Hùng – Lương Thị Thảo nắm tỉ lệ sở hữu chi phối.
4 năm trở lại đây, doanh thu của Đông Bắc CMI có xu hướng giảm và báo lỗ liên tiếp trong hai năm 2016, 2017, lần lượt là âm 16,9 và âm 18,7 tỷ đồng. Đến năm 2019, công ty này ghi nhận doanh thu 12,22 tỷ đồng và lãi vỏn vẹn 68 triệu đồng.
Bạch Hiền (t/h)