Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nữ sinh vật lộn kiếm tiền từ năm 11 tuổi thở phào nhẹ nhõm khi được nhà trường giảm học phí

(DS&PL) -

Được nhà trường giảm 25% học phí, nữ sinh Nguyễn Thị Mai thấy vui và nhẹ nhõm phần nào, nhất là trong thời điểm gia đình đang gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh.

Được nhà trường giảm 25% học phí, nữ sinh Nguyễn Thị Mai thấy vui và nhẹ nhõm phần nào, nhất là trong thời điểm gia đình đang gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh.

Nữ sinh Nguyễn Thị Mai thấy vui và nhẹ nhõm phần nào khi được giảm học phí. Ảnh: Vietnamnet.

Nguyễn Thị Mai hiện đang là sinh viên năm thứ hai, chuyên ngành Kế toán, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM.

Sinh ra tại Tiền Giang, ở tuổi 11, lúc các bạn đồng trang lứa vẫn được cha mẹ bao bọc thì Mai đã phải vật lộn để kiếm sống cùng gia đình.

Trong ký ức, Mai nhớ đó là những ngày vừa học vừa chạy việc ở chợ. Từ cấp 2, Mai đã quen thuộc với việc bưng bê rồi phụ bán hàng khô, hàng cá. Bất kể ngày hè hay Tết nhất, Mai đều làm việc khiến đôi tay chai sần. Đồng tiền gop góp được, cô bé để dành đi học.

Cuộc sống dù khó khăn nhưng Mai vẫn nuôi ước mơ bước chân vào giảng đường đại học. Niềm mong mỏi của Mai là học để sau này làm việc và sinh sống. Ngày mơ ước thành hiện thực, Mai mang trong lòng bao nhiêu lo lắng.

“Ở cấp 2 và cấp 3, học phí và sinh hoạt phí không cao lắm, gia đình em vẫn cáng đáng được. Nhưng cuộc sống ở TP.HCM không đơn giản và chắc chắn sẽ cần phải có nhiều tiền” - nữ sinh chia sẻ với Vietnamnet.

Dù vậy, Mai quyết tâm đến trường một phần vì đam mê lĩnh vực kinh doanh, phần vì cố gắng để thay đổi tương lai bản thân.

Cô nhớ lại năm đầu tiên của đời sinh viên trôi qua không quá khó khăn. Vốn được tôi luyện từ nhỏ, Mai nhận thấy mình có khả năng kinh doanh nên có thể trang trải học phí và phí sinh hoạt. Nhưng một bi kịch ập đến vào những ngày cuối kỳ thi học kỳ.

“Hôm ấy, em đến trường sớm hơn bình thường 30 phút để dò bài. Bỗng điện thoại rung lên, ngay khi đó em đã dự cảm có điều không lành, nhấc máy thì một giọng đầy hoảng hốt báo "ba con mất rồi”" - nữ sinh không kìm được nước mắt và nói, bốn chữ này cô sẽ không bao giờ quên.

Ba mất, Mai suy sụp hoàn toàn. Cuộc sống trước đó vốn đã vất vả, nay ba vừa là điểm tựa lớn và là trụ cột kinh tế của gia đình không còn, nên khó khăn càng nhân lên gấp bội.

Cả nhà bám víu vào mảnh đất nho nhỏ do tổ tiên để lại để trồng ổi, trồng chanh và xoài. Nhưng năm được mùa thì mất giá, năm được giá thì mất mùa khiến đời sống không khấm khá nổi. Đặc biệt tới năm nay, khi dịch Covid-19 ập đến, giá trái cây càng rớt thê thảm.

Mai lo lắng vì năm nay, học phí sẽ cao hơn do đã học sâu vào chuyên môn, chi phí các tín chỉ gần như gấp đôi năm thứ nhất. Nghĩ tới cảnh này, cô thật sự chùn bước.

Nhưng rồi mấy hôm trước, Mai nhận được tin nhà trường sẽ giảm 25% học phí online. Tính tới thời điểm này, trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM là trường duy nhất giảm tới 25% học phí cho sinh viên. Nhiều trường Đại học khác cũng có chính sách này nhưng chỉ  từ 7-20%.

“Em cảm thấy nhẹ nhõm phần nào và vui vì nhà trường đã cảm thông cho sinh viên trong tình trạng dịch bệnh. Không chỉ em mà có rất nhiều bạn khác cũng gặp khó khăn trong kinh tế. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, chúng em đỡ được phần nào chi phí hay phần đấy” - Mai nói.

Trước đó, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn Hà Nội quyết định sẽ hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho những sinh viên khó khăn trong thời gian phòng dịch Covid-19. Sau 2 ngày vận động, số lượng lương thực thực phẩm thiết yếu đã đến tận tay các sinh viên Nhân Văn tại Kí túc xá Mễ Trì vào chiều 11/4.

GS.TS. Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để sinh viên yên tâm phòng dịch và học tập hiệu quả, nhà trường sẽ hỗ trợ lương thực và thực phẩm cho những sinh viên nhà trường đang lưu trú ở Hà Nội gặp khó khăn.

Trong thời gian này trường sẽ hỗ trợ thực phẩm cơ bản như gạo, mì, mắm muối, trứng… đủ dùng vài ngày cho sinh viên, tùy theo từng đợt.

Nguồn hỗ trợ là từ kinh phí của nhà trường, các thầy cô và nhà hảo tâm đóng góp. Dự kiến chương trình hỗ trợ này kéo dài đến khi hết dịch, chia thành nhiều đợt.

Với mong muốn “không để bất kỳ sinh viên nào bị bỏ lại phía sau”, những người đứng đầu nhà trường đã quyết định cùng hành động để hỗ trợ cho sinh viên còn ở lại Hà Nội trong mùa dịch.

Thanh Tùng (T/h)

Tin nổi bật