Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội mới đây đã ban hành quyết định bổ sung kinh phí năm 2021 cho các đơn vị trực thuộc sở để hỗ trợ đối những viên chức hoạt động nghệ thuật bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19. Đây là đợt hỗ trợ nằm trong gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ.
Theo đó, 99 viên chức của 6 nhà hát trực thuộc Sở, bao gồm Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội và Nhà hát Múa rối Thăng Long, đã được nhận khoản hỗ trợ trị giá 3.710.000 đồng/người.
Tuy nhiên, sau khi thông tin này được công bố, nhiều ý kiến cho rằng khoản hỗ trợ này còn nhiều bất cập vì một vài gương mặt diễn viên nổi tiếng, có điều kiện kinh tế tốt như Hồng Đăng, Thanh Hương, Ngọc Quỳnh... lại được đưa tên vào danh sách hỗ trợ.
NSƯT Tấn Minh - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long.
Trao đổi với tạp chí Đời sống & Pháp luật về vấn đề trên, NSƯT Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, nhận xét khoản hỗ trợ các viên chức hoạt động nghệ thuật bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là một hoạt động rất nhân văn.
Cụ thể, anh chia sẻ: "Theo quan điểm của tôi, khoản hỗ trợ này rất nhân văn và tôi cho rằng cũng khá kịp thời. Chỉ tiếc là chưa thật sự hoàn hảo. Thực ra về câu chuyện này, muốn hoàn hảo là phải có sự công bằng".
NSƯT Tấn Minh phân tích viên chức hạng IV là những nghệ sĩ tốt nghiệp Trung cấp, còn viên chức hạng III là những người tốt nghiệp Đại học. Do đó, mức khởi điểm của họ gần như ngang nhau. Tuy nhiên, việc chỉ hỗ trợ cho những viên chức hạng IV đã tạo ra một vài bất cập.
NSƯT Tấn Minh cho rằng không nên phân biệt viên chức hạng III, hạng IV.
Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long chỉ ra có nhiều nghệ sĩ đã hoạt động nghệ thuật trong 20-30 năm, thu nhập của họ cao hơn những người thật sự khó khăn nhưng vẫn chỉ xếp là viên chức hạng IV và được hưởng chế độ trợ cấp trên.
Chia sẻ một vài giải pháp có thể được đưa ra để khắc phục những bất cập trên, NSƯT Tấn Minh cho biết: "Tôi nhấn mạnh một lần nữa rằng việc làm này rất tốt, chỉ có điều mong nó chuẩn và đến được những người khó khăn thật. Có mấy phương án như sau, thứ nhất, quan điểm của tôi là không nên phân biệt hạng III, hạng IV, ai khó khăn thì các đơn vị tự rà soát, trình lên và đề nghị. Thứ hai, cứ bỏ bảng lương ra, ai lương dưới 3 triệu đồng thì mình trợ cấp".
NSƯT Tấn Minh nói thêm: "Rất nhiều tài năng ở thành phố về, họ cống hiến tận tuỵ, làm việc chăm chỉ và rất hiệu quả mà dịch bệnh 2 năm nay họ chẳng làm được gì mà nhà thì phải đi thuê. Mức lương khởi điểm rồi từ bảo hiểm đi thì chưa tới 3 triệu đồng. Quả thật, hiện nay vẫn còn rất nhiều người khó khăn nhưng không được trợ cấp vì họ được xếp hạng III, có bằng Đại học".
Minh Hạnh