(ĐS&PL) Từ năm 2018 đến nay, tỉnh Sơn La đã tổ chức định kỳ các sự kiện Tuần hàng nông sản tại Trung tâm xúc tiến Thương mại nông nghiệp với các sản phẩm nông sản, đặc sản thế mạnh của tỉnh.
Khai mạc Tuần lễ nông sản Sơn La tại Hà Nội - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Từ đây, các nông sản của tỉnh Sơn La đã được người tiêu dùng thành phố Hà Nội, các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu nông sản biết tới. Cũng qua đó, các cấp, ngành, các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ sản xuất đã tiếp thu được nhiều thông tin về nhu cầu của thị trường để điều chỉnh sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản.
Mới nhất, ngày 22/5, tại Khu Hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại, số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sơn La phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lễ khai trương Tuần lễ mận và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2019.
Tuần lễ mận và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2019 sẽ diễn ra từ đến 22/5/2019 đến 26/5/2019.
Ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, tỉnh Sơn La, đặc biệt là huyện Mộc Châu đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ trong việc chuyển đổi sản xuất gắn với từng thị trường.
Sơn La đã xác định được những sản phẩm chủ lực để xây dựng quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu. Đây cũng là địa phương có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào phát triển nông nghiệp. Cục cũng sẽ đồng hành cùng tỉnh trong việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân cần tiếp tục phát huy tính chủ động, tiếp cận thị trường.
Diện tích cây ăn quả của tỉnh Sơn La đạt trên 58.800 ha. Sản lượng các loại quả năm 2018 trên 218.000 tấn. Diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GAP gần 550 ha. Đến nay, Sơn La đã có 17 sản phẩm nông sản, thực phẩm có thương hiệu; năm 2019 tỉnh tiếp tục xây dựng 7 thương hiệu. Riêng mận, Sơn La có trên 8.700 ha đang cho thu hoạch, sản lượng dự kiến trên 50.700 tấn. Chất lượng trái mận Sơn La được đánh giá cao, có đặc trưng riêng về mẫu mã và hương vị.
Mận Sơn La được đánh giá cao, có đặc trưng riêng về mẫu mã và hương vị - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Theo ông Vũ Đức Thuận, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Sơn La, thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh đã chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích đất canh tác; xây dựng và hình thành các vùng nguyên liệu tập trung có lợi thế của tỉnh như rau quả, cây ăn quả phục vụ công nghiệp chế biến, xuất khẩu và cung ứng cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Ông Thuận cũng cho biết, tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai định hướng xây dựng vùng nguyên liệu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, quy trình sản xuất an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các tỉnh bạn đẩy mạnh hoạt động kết nối thị trường, quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.
Tỉnh phấn đấu giá trị xuất khẩu nông sản năm 2019 đạt trên 150 triệu USD, tăng 30% so với năm 2018. Các sản phẩm nông sản xuất khẩu chính là xoài 5.000 tấn, nhãn 8.100 tấn, chanh leo 2.000 tấn, thanh long 300 tấn...
Nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng hoàn thiện các chuỗi sản xuất nông sản bền vững. Theo đó tỉnh đã mời gọi, thu hút các tập đoàn kinh tế, danh nghiệp liên kết với các hợp tác xã đầu tư nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu; đưa sản phẩm nông sản sạch, nông sản an toàn vào chuỗi tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trong nước và xuất khẩu.
Theo ông Vũ Đức Thuận, Sơn La tiếp tục cam kết tạo môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhất là các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Tỉnh tiếp tục hoàn thiện hơn nữa quy trình sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ để nâng cao chất lượng nông sản cung cấp những sản phẩm tốt, an toàn tới người tiêu dùng.
Đỗ Hương/Chính Phủ