Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, toàn ngành thiệt hại 1.260 tỷ đồng, mất 41.600 bộ sách giáo khoa cùng với thiết bị dạy học, đồ dùng học tập khác của học sinh bị nước cuốn trôi, ướt hỏng.
Nụ cười lấp lánh niềm hy vọng ngày đến trường
“Nhà con bị ngập và sách vở trôi hết, ông bà của con phải đi làm kiếm tiền để mua lại ạ” - đó là những gì còn đọng lại trong trí nhớ của Phúc Lâm, bạn học sinh lớp 3 tại trường tiểu học Văn Lang, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Nhà em là một trong những hộ gia đình bị ngập nặng nhất, sách vở và đồ dùng học tập bị cuốn trôi. Dù quay lại trường trong hoàn cảnh thiếu thốn, em bày tỏ việc được đến trường vui hơn nhiều so với tự học ở nhà.
H. Anh là cô học trò nhỏ nhắn lớp 7 đang theo học tại trường THCS Tả Phìn, huyện Tả Phìn, tỉnh Lào Cai. Bão về làm sạt lở, trôi hết toàn bộ tài sản trong nhà cùng với sách vở của em. Em cũng như các bạn trong lớp gặp nhiều khó khăn khi không theo kịp bài giảng trong điều kiện thiếu sách giáo khoa và đồ dùng học tập. “Dù thiếu sách, thiếu vở nhưng em rất vui khi được quay lại trường để học tiếp để sau này giúp đỡ bố mẹ” - đôi mắt cô học trò H. Anh lấp lánh niềm hy vọng.
Học sinh vùng cao hân hoan trong ngày vui trở lại trường học. (Ảnh: Tập Đoàn Giáo dục Đại Trường Phát)
Tâm tư của “người lái đò”
Nghề giáo vùng cao đã gặp phải không ít hạn chế nay càng chồng chất khó khăn khi cơn bão Yagi càn quét. Công tác chống bão trước và sau đã được thầy cô chuẩn bị kỹ càng nhưng không tránh khỏi tổn thất nặng nề. Đặc biệt, tình trạng thiếu sách giáo khoa và các dụng cụ học tập thiết yếu khiến việc truyền tải kiến thức cho các em học sinh gặp nhiều thử thách.
Nhằm nhanh chóng đưa việc học về đúng quỹ đạo, các thầy cô vùng bão nỗ lực hết sức mình và huy động sự giúp đỡ từ các đơn vị, ban ngành để đồng hành cùng các em học sinh.
“Cơn bão số 3 khiến nhà trường chịu tổn thất nặng nề. Các em học sinh bị thiếu thốn những vật dụng cơ bản như sách giáo khoa chiếm quá nửa toàn trường. Công việc giảng dạy của thầy cô gặp khó khăn”, cô Lê Thị Bích Hạnh - hiệu trưởng trường tiểu học Văn Lang, Phú Thọ cho biết. Sách giáo khoa là công cụ học tập chính của các em học sinh, đồng thời là phương tiện giúp trao đổi thông tin và kiến thức giữa thầy và trò. Vì thế, việc thiếu sách giáo khoa khiến quá trình học tập của học sinh bị gián đoạn, khó nắm vững kiến thức và không theo kịp chương trình học tại lớp.
Niềm vui của các em học sinh vùng bão được nhận sách giáo khoa. (Ảnh: Tập Đoàn Giáo dục Đại Trường Phát)
Mong muốn của những người thầy cô là các em học sinh theo học kịp chương trình và có động lực ngày ngày đến trường dẫu quá trình dạy học gặp không ít khó khăn. Đồng thời, những sẻ chia và đồng hành từ cộng đồng sẽ đảm bảo không em học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
Tiếp sức tri thức, trao sách yêu thương
Những cuốn sách giáo khoa không chỉ là tài liệu học tập đơn thuần mà còn là chìa khóa mở cánh cổng tri thức cho học sinh. Sau cơn bão lũ, sách giáo khoa lại càng đáng quý và giúp các em học sinh nhanh chóng bắt nhịp với việc học tập. Việc đáp ứng nhu cầu cơ bản về sách giáo khoa trở nên cấp bách.
Thấu hiểu được hoàn cảnh của các em học sinh vùng bão, Tập đoàn Giáo dục Đại Trường Phát đã triển khai và hoàn thành chuyến đi thực tế trao tận tay 10.000 sách giáo khoa và dụng cụ học tập cho các em học sinh tại 9 tỉnh chịu thiệt hại nặng nề gồm Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng, Bắc Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Lào Cai, Thanh Hoá. Với vai trò là nhà xuất bản sách, Đại Trường Phát đã huy động những nguồn lực hiện có như sách, đồ dùng học tập, tài nguyên trực tuyến tại kho học liệu số EduHome nhằm động viên và tiếp thêm tinh thần học tập cho các em học sinh vùng bão.
“Sự giúp đỡ doanh nghiệp chính là động lực, động viên tinh thần rất lớn đối với trực tiếp các em học sinh và nhà trường vượt qua giai đoạn khó khăn”, hiệu trưởng tiểu học Văn Lang bày tỏ.
Thông qua dự án “Chung tay vì cộng đồng”, mỗi quyển sách được Đại Trường Phát trao đi với niềm tin rằng mỗi em học sinh đều xứng đáng có cơ hội phát triển, dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Cùng với sự hỗ trợ từ các thầy cô giáo và sự đồng hành của Bộ Giáo dục, Đại Trường Phát càng thêm nỗ lực thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chủ động tiên phong và sát cánh cùng cộng đồng với những dự án trong tương lai.