Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những xã viên cảm tử rà phá thủy lôi trong hai cuộc kháng chiến

(DS&PL) -

(ĐSPL) - HTX Sông Hương đã biết bao lần cảm tử, hy sinh sức người, sức của to lớn để đảm bảo cho vũ khí, đạn dược, hàng hóa của hậu phương, chuyển ra chiến trường một cách an toàn.

(ĐSPL) - Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bà con xã viên Hợp tác xã (HTX) Sông Hương, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã biết bao lần cảm tử, hy sinh sức người, sức của to lớn để đảm bảo cho vũ khí, đạn dược, hàng hóa của hậu phương, chuyển ra chiến trường một cách an toàn, hiệu quả. Những kỳ tích của HTX Sông Hương đã đi vào huyền thoại như một trang sử sáng ngời, góp phần giúp cho tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung hoàn thành tốt nhiệm vụ trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Có một hợp tác xã như thế…

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh là một trong những địa phương bị địch đánh phá ác liệt. Với tinh thần cách mạng tiến công, Đảng bộ Hợp tác xã Sông Hương đã lãnh đạo quần chúng vượt mọi khó khăn, kịp thời rà soát bom mìn, thủy lôi của địch... Đồng thời, sửa chữa thuyền bè, bảo đảm vận chuyển nhanh chóng, bảo vệ tốt tài sản của Nhà nước, che chở người, xe cộ, thuyền bè khi cập bến.

Hồi đó, để vận chuyển hàng hóa, đạn dược chủ yếu phải qua bằng đường sông. Nhưng dưới sự lãnh đạo của tỉnh, huyện, HTX Sông Hương đã tổ chức quần chúng thực hiện tốt công tác giao thông vận tải bằng đường thủy một cách xuất sắc. Phục vụ cho công tác vận chuyển hàng hóa ra chiến trường, chủ yếu là các đảng viên và tầng lớp thanh niên ưu tú của HTX Sông Hương.

Trò chuyện với chúng tôi, Ông Trần Minh Quế (74 tuổi), nguyên Chủ nhiệm HTX Sông Hương (giai đoạn 1968 - 1972) cho biết, HTX Sông Hương không chỉ giúp bộ đội vận chuyển hàng hóa, đạn dược... trong kháng chiến chống mỹ, mà ngay từ hồi chiến tranh chống Pháp, người dân nơi đây đã tích cực vận chuyển hàng hóa cho bộ đội ở các chiến trường Tây Bắc, đã không ít người phải hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ. “Hồi kháng chiến chống Pháp, có 5 chiếc thuyền với 15 lao động đã vận chuyển 15 tấn hàng hóa, đạn dược từ Bến Thủy đi dọc theo kênh nhà Lê để phục vụ cho chiến dịch Tây Bắc, có 3 người đã hy sinh tại khu vực Cẩm Phả. Trong chiến dịch Na Phê (Lào) đã có 10 thuyền chở hơn 30 tấn vũ khí, nhu yếu phẩm cho bộ đội từ Bến Thủy lên đến Kim Cương”, ông Quế kể lại.

Ông Trần Minh Quế (trái) kể lại những kì tích của HTX trong 2 cuộc kháng chiến.

Tiền thân của HTX Sông Hương là những người lao động vận tải hàng hóa trên sông nước, lưu thông hàng hóa từ miền xuôi lên miền ngược và ngược lại trên sông Ngàn Phố, sông Ngàn Sâu, sông La phục vụ đời sống dân sinh, đồng thời tham gia vận tải đánh giặc.

Tháng 10/1959, HTX Sông Hương được thành lập tại làng Sông Hương, xã Sơn Phố (nay là thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn). Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, sau khi thành lập HTX Sông Hương, một mặt vận chuyển lương thực, thực phẩm từ các địa phương khác về cung cấp cho huyện Hương Sơn. Mặt khác, vận chuyển gỗ từ lâm trường Hương Sơn theo sông Ngàn Phố, sông Ngàn Sâu, sông La ra Vinh (Nghệ An) để làm tà vẹt xây dựng đường tàu hỏa. Tham gia vận chuyển vũ khí đạn dược, lương thực, thực phẩm ra phà Bến Thủy để đưa vào Nam phục vụ chiến đấu.

Hồi đó, khi HTX mới ra đời đã lấy chùa Tượng Sơn làm trụ sở chính, đồng thời là nơi sửa chữa và làm mới tàu thuyền. Năm 1963,  Khi chiến tranh đang diễn ra ác liệt, HTX Sông Hương đã dùng 70 chiếc thuyền kết thành cầu phao bắc qua sông Ngàn Phố, đoạn từ Sơn Trung đi Sơn Giang (huyện Hương Sơn) phục vụ bộ đội hành quân bắt biệt kích Mỹ nhảy dù.         

Có những hy sinh thầm lặng

Cũng theo lời kể của ông Trần Minh Quế, trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, HTX Sông Hương đã thành lập lực lượng tiên phong trực tiếp đi làm nhiệm vụ dưới làn mưa bom bão đạn để vận chuyển gạo, vũ khí vào chiến trường miền Nam phục vụ chiến đấu. Không những thế, HTX còn thành lập đội thanh niên “ba sẵn sàng” với 35 đoàn viên, thanh niên để đảm nhiệm những công việc nguy hiểm nhất. Lễ xuất quân trở thành lễ “cảm tử” , với khẩu hiệu: “Thà hy sinh, quyết bảo vệ phương tiện, hàng hóa đến đích quy định”. Trog suốt cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước, HTX Sông Hương đã hy sinh 14 người trên mặt trận giao thông vận tải, và 19 người thương binh.

Bà Nguyễn Thị Lục (82 tuổi), một trong những thành viên tham gia trực tiếp trong quá trình vận tải hàng hóa của HTX Sông Hương kể lại: “Lúc đó tôi khoảng 36 tuổi, tôi đã đã cùng chồng tham gia vận chuyển vũ khí cho bộ đội. Có những lần cả hai vợ chồng chở chiếc thuyền trọng tải hơn 8 tấn, với sức chứa 32 thùng đạn từ cầu Bến Thủy về đến Chù Lệ mà phải trải qua biết bao nhiêu khó khăn vất vả. Trong một lần trực tiếp chở vũ khí, gạo và nhu yếu phẩm cho bộ đội, người chồng của tôi  không may đã hy sinh sau đó”.

Vào giữa năm Mậu Thân 1968, khi bến phà Linh Cảm đoạn đi Hương Sơn, Hương Khê bị ách tắc do địch rải bom từ trường, thủy lôi dưới đáy sông và ngày đêm cho máy bay quần lượn tại đây, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn khi đó là ông Đinh Phùng Liện ra lệnh phải vận chuyển 50 tấn gạo từ xã Đức Phong (Đức Thọ, Hà Tĩnh) về huyện Hương Sơn phục vụ Đoàn 22 và trại thương binh Khe Cò. Vì bom từ trường thủy lôi chưa xác định được vị trí nên ông Đoàn Sinh Châu, Phó chủ nhiệm HTX báo cáo tình hình nguy hiểm xin hoãn lại một thời gian, nhưng ông Đinh Phùng Liện khẳng định: “Việc đánh địch không thể hoãn, phải họp chi bộ bàn biện pháp thực hiện, nếu không thực hiện được thì chi bộ không có tính chiến đấu, giải tán chi bộ đi”.

Hai hôm sau, HTX đã tiến hành họp tại Khe núi ở xã Sơn Tân thành lập đội cảm tử gồm đa số là đảng viên như: ông Phan Trọng Cự, Nguyễn Khang, Trần Quốc Dũng, Trần Minh Quế, Hoàng Sáng, Dương Hồng... Những đồng chí này tình nguyện đi kiểm tra bom nổ chậm, từ trường thủy lôi dưới sông để cắm tiêu làm kí hiệu cho thuyền đi qua trong đêm. Trước khi vận chuyển hàng hóa, vũ khí nếu quân Mỹ thả bom nổ chậm, thủy lôi... thì phải có một đội cảm tử xung phong đi đầu để tìm kiếm bom mìn, rồi cắm cọc tiêu báo hiệu cho các thuyền không qua khu vực nguy hiểm.

Hồi đó, ông Phan Trọng Cự ở Đội 1, xã Sơn Hà đã được chọn làm đội trưởng với 9 thuyền. Xuất quân từ bến Sông Hương, khi qua ngã ba Linh Cảm, cầu Nầm, cầu Bến Thủy, phà Địa Lợi Hương Khê, trời đã tối nhưng các ông Phan Trọng Cự, Trần Minh Quế, Trần Quốc Dũng, Hoàng Sáng lội dưới nước lấy chân dò dưới đáy sông xem có bom từ trường, thủy lôi không rồi dẫn đường cho các thuyền đi sau. Trong chuyến đi này, máy bay Mỹ quần lượn đánh bom làm ông Trần Huy Liệu hy sinh và 3 người khác bị thương tại ngã ba Linh Cảm, nhưng đội thuyền vẫn chở được 40 tấn gạo từ Đức Phong về Hương Sơn phục vụ kháng chiến.

Việc vận chuyển đạn dược, hàng hóa không được dùng thuyền to, vì thuyền to đa số làm bằng chất liệu kim loại, sẽ dễ gây nổ khi tiếp xúc với từ trường của bom nổ chậm, thủy lôi. Bà con HTX Sông Hường đành phải vận chuyển bằng thuyền nan làm bằng chất liệu tre, nứa... Năm 1968, thực hiện lệnh của Bộ trưởng bộ giao thông vận tải Phan Trọng Tuệ, HTX đã tiếp nhận 40 chiệc thuyền nan để phục vụ cho công tác vận chuyển hàng hóa, đạn dược trên các tuyến sông như sông La, sông Linh Cảm, cửa rào, Hương sơn...

Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, HTX Sông Hương đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba, Bộ Giao thông vận tải tặng 4 Bằng khen, tỉnh Hà Tĩnh tặng 6 Bằng khen. HTX có 14 liệt sĩ, 19 thương binh và 428 cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương các loại. Đến năm 1991, HTX Sông Hương tạm ngừng hoạt dộng vì sự thay đổi cơ chế của nhà nước chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường. Từ cuối năm 2012, HTX hoạt động trở lại với 5 ngành nghề khác nhau, nhưng vận tải vẫn là chủ yếu.

Ông Trần Văn Bích, chủ nhiệm HTX Sông Hương nhiệm kì 2014 cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đã hoàn thành thủ tục để đề nghị cấp trên phong tặng Anh hùng LLVT nhân dân cho HTX Sông Hương”. Với những thành tích to lớn trong công cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước, HTX Sông Hương xứng đáng là đơn vị có tinh thần chiến đấu bất khuất, kiên cường.

Tin nổi bật