VietnamNet thông tin, từ 0h ngày 3/11, Cà Mau chuyển từ cấp độ 1 (vùng xanh) sang cấp độ 2 (vùng vàng) do phát hiện nhiều F0.
Tại TP.Hà Nội, ngày 1/11, ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP ký văn bản đánh giá cấp độ dịch, chuyển từ cấp độ 1 (màu xanh) lên cấp độ 2 (màu vàng). Đặc biệt, xã Tiến Thắng (huyện Mê Linh) và thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) ở cấp độ 3 (màu cam). Trong ngày 1/11, TP.Hà Nội đã ban hành kế hoạch, điều chỉnh một số hoạt động, dịch vụ khi chuyển sang vùng vàng dựa trên nghị quyết 128 của Chính phủ.
Ngày 30/10, UBND TP.Cần Thơ cũng ban hành văn bản về việc đánh giá cấp độ dịch COVID-19. Theo đó, toàn TP từ cấp độ 1 (màu xanh) chuyển sang cấp độ 2 (màu vàng) theo Nghị quyết 128 kể từ 9h ngày 1/11.
Tỉnh Đắk Nông cũng đã chuyển từ cấp độ 1 sang cấp độ 2 trong đánh giá cấp độ dịch. Hiện chỉ còn duy nhất huyện Tuy Đức của tỉnh này ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp).
Những ngày gần đây tỉnh Đắk Lắk ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng cao tại địa phương, trong đó nhiều ca cộng đồng do lượng người dân từ phía Nam về, trong đó nhiều người chưa tuân thủ nghiêm việc cách ly tại nhà. Tỉnh Đắk Lắk đã chuyển từ cấp độ 2 (trung bình) sang cấp độ 3 (nguy cơ cao). Ngoài các biện pháp ứng phó tương ứng, tỉnh Đắk Lắk tăng tốc tiêm bao phủ vắc xin.
Ngày 1/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều có quyết định về đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn. Theo đó, từ 12h ngày 2/11, toàn tỉnh Bạc Liêu thuộc cấp độ 4 (nguy cơ rất cao/vùng đỏ).
Ngoài ra, các tỉnh như: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cà Mau… những ngày qua đều ghi nhận các ca F0 tăng trong cộng đồng. Nhiều tỉnh đã tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch.
Nhiều tỉnh thành, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Hà Nội và vùng lân cận có số mắc COVID-19 tăng. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Nhận định về nguồn lây của các ổ dịch mới phát sinh tăng mạnh thời gian gần đây, ông Phạm Phú Trường Giang - Phó giám đốc phụ trách sở Y tế Cần Thơ cho biết trên Tuổi Trẻ, cho rằng nguồn virus vẫn đang âm ỉ trong cộng đồng, một số người có triệu chứng khi đi khám tầm soát tại cơ sở y tế thì phát hiện bệnh.
"Các ổ dịch tại địa phương và một số công ty thủy sản bùng phát cũng có nguyên nhân xuất phát từ cộng đồng và nguồn lây từ người ở vùng dịch về theo dõi tại nhà. Trong khi đó, công nhân hiện vẫn vừa đi làm vừa về ở tại gia đình, nên nguồn lây từ cộng đồng vào các công ty là rất lớn", ông Giang nói.
Trước số ca mắc COVID-19 cộng đồng gia tăng, ngày 1/11, bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ về việc tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư, quản lý chặt chẽ công dân khi ra, vào địa bàn, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp (như lái xe, phụ xe đường dài, liên tỉnh; người làm việc ngoài tỉnh về địa phương lưu trú, người lưu trú ngoài tỉnh về địa phương làm việc,...) để có biện pháp quản lý phù hợp, khai báo y tế thường xuyên, xét nghiệm định kỳ.
Phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tổ chức đưa đón người dân của địa phương về tỉnh có tổ chức, chu đáo, an toàn, đảm bảo các nguyên tắc về phòng chống dịch COVID-19.
Việt Hương (T/h)