Táo bón là một dạng rối loạn đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng đi phân không đều, phân khó đi kèm với cảm giác đau và cứng. Táo bón cấp tính có thể gây tắc ruột, thậm chí có thể phải phẫu thuật. Từ trước đến nay, có rất nhiều định nghĩa về táo bón khác nhau, nhưng thông thường ở người lớn, việc không đi đại tiện quá 3 ngày sẽ được xem là bị táo bón còn ở trẻ em, một tuần không thể đi đại tiện 3 lần thì được coi là táo bón.
Táo bón phổ biến nhất trong các bệnh lý về đường tiêu hóa trên thế giới với tỷ lệ 17% dân số toàn cầu, trong đó, chỉ 12% số người tự xác định được bệnh. Táo bón xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở những người trên 65 tuổi với tỷ lệ 30-40%. Phụ nữ có tỷ lệ mắc táo bón cao gấp 3 lần nam giới. Táo bón cũng thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.
Khi bị táo bón, hãy ăn thực phẩm chứa nhiều nước và giàu chất xơ. Sau đây là những thực phẩm tốt nhất giúp "chữa" chứng táo bón:
Đu đủ
Đu đủ giàu chất xơ và chứa enzyme tiêu hóa papain. Nhờ đó, nhu động ruột của đường tiêu hóa chuyển động tốt hơn, giảm nhẹ chứng táo bón.
Đào
Đường trong trái đào thường không được cơ thể hấp thu tốt, do đó khi ăn đào, chất đường này sẽ hỗ trợ vận chuyển các chất thải qua đường tiêu hóa được hiệu quả hơn. Vì thế nước ép đào được coi như thực phẩm chống táo bón vào mùa hè rất tốt.
Táo
Táo cũng là một loại thực phẩm trị táo bón hiệu quả nhờ vào lượng chất xơ khoảng 4,4g trong một quả.
Nho
Chất xơ trong trái nho thực sự rất dồi dào, lên đến 2,6 gam chỉ với 10 quả nho. Để ngăn chặn nguy cơ táo bón, một vài trái nho cho bữa ăn nhẹ là một sự lựa chọn tuyệt vời.
Rau muống
Nếu muốn giảm nhẹ chứng táo bón, hãy ăn rau muống. Trong y học cổ truyền, rau muống được khuyên dùng cho người bị táo bón.
Rau muống giàu chất xơ và chứa nhiều nước, do đó giúp "bôi trơn" nhu động ruột. Với đặc tính nhuận tràng, rau muống và nước rau muống luộc giúp trị táo bón, đầy bụng, khó tiêu.
Ngoài ra rau muống còn giàu sắt, tốt cho người thiếu máu và bổ gan.
Mận khô
Trong y học cổ truyền Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ, loại mận khô màu xanh đen được coi là thực phẩm quý có công dụng chữa bệnh. Đây là vị thuốc trong các bài thuốc y học cổ truyền của xứ sở Ba Tư huyền bí và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong các bữa tiệc hoàng gia thời xa xưa ở Vương quốc Ba Tư hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, mận khô là món ăn nhẹ không thể thiếu dùng để đãi khách.
Mận khô chứa nhiều chất xơ hòa tan và không hòa tan. Uống nước ép mận khô vào buổi sáng hoặc buổi tối có thể góp phần làm mềm nhu động ruột, giảm nhẹ táo bón.
Ngoài công dụng giảm nhẹ táo bón, nước ép mận khô còn làm sạch đường ruột.
Chuối chín
Chuối chín chứa chất xơ hòa tan, do đó giảm nhẹ chứng táo bón.
Tuy nhiên, chuối xanh hoặc chưa chín lại chứa hàm lượng tinh bột kháng cao, do đó gây co cứng nhu động ruột và gây táo bón.
Vì vậy, nếu đang bị táo bón, hãy ăn chuối chín nhưng nhớ tránh xa chuối xanh.
Chuối chín ngoài giảm nhẹ chứng táo bón còn là thực phẩm bổ dưỡng. Trong chuối chứa sắt, vitamin B6, vitamin C và magiê, nhưng không chứa cholesterol.
Chuối cải thiện sức khỏe đường ruột, tốt cho tim, bổ thận và tốt cho người muốn giảm cân. Đặc biệt vận động viên và người tập thể thao nên ăn chuối sau khi tập luyện.
Nha đam
Có thành phần các hợp chất senna và cascara giống như thành phần trong đại hoàng, lô hội (hay nha đam) sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho món salad trong những ngày bạn bị táo bón.
Rau khoai lang
Nhắc đến điều trị táo bón không thể không nhắc đến rau khoai lang. Tác dụng nhuận tràng của rau khoai lang được xếp vào hàng đầu. nếu bạn đang bị táo bón, một đĩa rau khoai lang luộc sẽ giúp bạn đi đại tiện thoải mái hơn nhiều.
Bí ngòi
Trong 100g bí ngòi chứa thành phần thủy phân lên tới 94g, là món ăn giải nhiệt tốt nhất. Giàu vitamin A, hàm lượng calo thấp, các vitamin và khoáng chất khác cũng rất dồi dào. Ngoài ra, bí ngòi cũng chứa một lượng kali, magiê với tỷ lệ cao; cellulose, hemicellulose, lignin và pectin cũng khá phong phú. Những chất này không thể tiêu hóa enzyme thủy phân, nhưng lại có tác dụng thúc đẩy nhu động ruột, có lợi cho quá trình đào thải phân ra ngoài. Bí ngòi nên nấu chín kỹ để có tác dụng tối ưu hơn. Nếu cần thiết có thể nấu cùng với cháo, súp để tăng hiệu quả nhuận tràng.
Thanh long
Thanh long là một loại quả họ xương rồng và rất giàu dinh dưỡng như chất chống oxy hóa, các loại vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, thanh long còn giúp nhuận tràng nhờ tác dụng làm sạch hệ tiêu hóa. Các sợi xơ nhỏ trong quả thanh long góp phần giúp quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi hơn. Ăn thanh long là giải pháp hữu hiệu trong việc điều trị táo bón.
Bắp cải
Việc ăn nhiều bắp cải có thể giúp thúc đẩy hệ tiêu hóa và ngăn ngừa nguy cơ táo bón. Do hàm lượng vitamin, chất xơ thô và độ ẩm trong bắp cải thường rất cao nên có thể thúc đẩy nhu động ruột làm việc nhanh, từ đó giúp mềm phân rắn trong cơ thể.
Giá đỗ
Trong giá đỗ còn chứa lượng vitamin C rất cao, giúp giải nhiệt, lợi tiểu, nhuận tràng tuyệt vời. Các chất béo, carbohydrate, một số yếu tố vi lượng thiết yếu rất có lợi cho cơ thể, ăn nhiều có thể phòng bệnh ung thư đường ruột. Ngoài ra, những người hay bị nhiệt miệng, ăn giá cũng có thể cải thiện tình trạng mọc nhọt, viêm trong miệng. Bên cạnh đó, giá còn có tác dụng cải thiện trí nhớ. Lưu ý, để giữ lại nhiều dinh dưỡng nhất, bạn chỉ nên nấu giá chín tới, không nên nấu quá kỹ.
Sữa chua
Sữa chua chính là nguồn dưỡng chất rất tốt cho đường ruột và hệ tiêu hóa của bạn.Đặc biệt là khi bạn bị táo bón thì việc hấp thu lợi khuẩn sẽ giúp đường ruột của bạn hoạt động nhịp nhàng hơn. Trên thực tế, lợi khuẩn chính là nhóm vi khuẩn tốt cho sức khỏe giúp nuôi dưỡng hệ vi sinh đường ruột. Trong ruột người có chứa đến hàng tỷ vi khuẩn và nếu có nhiều hại khuẩn hoạt động mạnh thì có thể dẫn đến chứng khó tiêu, chướng bụng và cả táo bón. Nên việc ăn sữa chua là rất tốt cho hệ tiêu hóa cũng như giúp nhuận tràng. Ăn một hộp sữa chua mỗi ngày với các loại trái cây tươi có thể giúp cung cấp lợi khuẩn cho đường ruột, giúp phục hồi đường tiêu hóa của bạn bằng các lợi khuẩn.
Ngoài ra một phương án cực tiết kiệm nhưng vô cùng công hiệu để xoa dịu sự khó chịu do táo bón mà chẳng mấy ai nhớ đến là nước. Phần lớn cơ thể chúng ta là nước, việc bổ sung nước có vai trò thanh lọc, làm sạch ruột và hỗ trợ ruột non tiêu hóa thức ăn tốt. Theo khuyến cáo thì với nam giới nên uống ít nhất 3,7 lít và nữ giới là 2,7 lít mỗi ngày (có thể tính trung bình khoảng 6 – 8 cốc nước). Tuy vậy, lượng nước còn có thể thay đổi tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người, cũng như thời tiết nóng hay lạnh. Việc thiếu nước dễ khiến cho phân bị khô, cứng dẫn đến tình trạng táo bón, vì vậy bổ sung đủ nước sẽ làm phân mềm nên dễ dàng đào thải ra ngoài.
Thùy Dung (T/h)