Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những ngày tươi đẹp của Facebook đã qua, liệu gã khổng lồ có lâm cảnh "sớm nở, tối tàn"?

(DS&PL) -

Một loạt tài liệu bị rò rỉ liên quan tới Facebook do hãng tin Wall Street Journal đăng tải cho thấy những ngày tươi đẹp của ông lớn công nghệ đã qua đi.

Loạt bài đăng mới mang tên "Hồ sơ Facebook", do hãng tin Wall Street Journal đăng tải dựa trên những thông tin nội bộ bị rò rỉ của Facebook, đã phơi bày nhiều "mặt trái" trong ông lớn công nghệ này. Trong đó, Facebook được cho là đã biết những tác động tiêu cực của Instagram đối với thiếu nữ và việc nền tảng này là nơi lan truyền nhiều thông tin sai lệch về vaccine ngừa COVID-19 nhất. Những điều này cho thấy những ngày tươi đẹp nhất của Facebook đã qua.

"Facebook chỉ dành cho người già"

Theo New York Times, Facebook hiện đang gặp nhiều rất rắc rối, không chỉ là vấn đề về tài chính, pháp lý hay sự phẫn nộ của các nghị sĩ đối với ông chủ Mark Zuckerberg mà công ty đang dần suy yếu, một sự suy yếu chậm rãi và ổn định giống như những gì được ghi nhận ở các công ty sắp sụp đổ. 

Những vấn đề như một đám mây đen phủ bóng lên Facebook sau những tháng tươi đẹp, ảnh hưởng đến những ưu tiên của quản lý và quyết định về sản phẩm, đồng thời dẫn đến những nỗ lực ngày càng tuyệt vọng để tìm ra lối thoát cho công ty. Kiểu suy giảm này không phải lúc nào cũng thể hiện ra bên ngoài nhưng những người trong cuộc có thể dễ dàng nhận thấy. 

Facebook đang đối mặt với nhiều rắc rối cùng lúc. Ảnh: Getty

Các tài liệu nội bộ, do cựu giám đốc Facebook Frances Haugen chia sẻ với Wall Street Journal, tiết một công ty lo ngại họ đang mất vị thế và ảnh hưởng. Trong đó, Facebook đã lên chiến lược tiếp cận trẻ em, coi trẻ sơ sinh là "đối tượng tiềm năng có giá trị nhưng chưa được khai thác". Trong một phần thuyết trình, các nhà nghiên cứu của Facebook thậm chí còn đặt câu hỏi làm sao để "tận dụng các buổi gặp gỡ chơi đùa của trẻ để thúc đẩy tăng trưởng của ứng ụng trong nhóm này". 

New York Times đặt câu hỏi: Liệu một nền tảng mạng xã hội tự tin, đang lớn mạnh có cần phải tận dụng "các cuộc chơi" hay xây dựng những chiến lược quảng bá công phu nhằm vào nhóm đối tượng là trẻ 10 tuổi hay không? 

Trên thực tế, sự khao khát của Facebook với nhóm đối tượng trẻ tuổi không phải nhằm mục đích chiếm lĩnh và mở rộng thị trường mà vì họ không muốn trở nên "lỗi thời". Những năm gần đây, tỷ lệ người trẻ tuổi sử dụng Facebook tại Mỹ đang giảm dần và dự kiến sẽ còn giảm mạnh hơn trong những năm tới. Các nhà nghiên cứu nội bộ ước tính tới năm 2023, tỷ lệ người dùng Facebook hàng ngày sẽ giảm tới 45%. 

Instagram đang mất dần thị phần. Ảnh: Sky News

Bên cạnh đó, Instagram hiện cũng đang mất dần thị phần vào tay các đối thủ mới nổi như TikTok và người dùng trẻ tuổi cũng ít đăng tải nội dung mới lên nền tảng này hơn trước. Tài liệu nội bộ công ty tiết lộ một cậu bé 11 tuổi đã đưa ra bình luận "cay đắng" khi tuyên bố: "Facebook chỉ dành cho người già".

Hai vấn đề chính của Facebook 

Phân tích về các rắc rối của Facebook, New York Times đã chỉ ra 2 vấn đề chính: Facebook có quá nhiều người dùng nhưng lại ít người đáp ứng được nhu cầu của công ty, ví dụ như những người có thể kiến tạo văn hóa, tạo ra xu hướng và được các nhà quảng cáo săn đón.

"Hồ sơ Facebook" đã đưa ra bằng chứng về cả 2 vấn đề trên. Trong đó, một phần tài liệu đã xem xét những nỗ lực bất thành của công ty nhằm ngăn chặn hoạt động tội phạm và vi phạm nhân quyền ở thế giới đang phát triển, một vấn đề trở nên trầm trọng hơn do thói quen mở rộng sang các quốc gia của Facebook. Nhưng vấn đề này hoàn toàn có thể khắc phục hoặc cải thiện nếu công ty có đủ nhân lực và sự đầu tư. 

Facebook đang dần suy yếu nhưng họ vẫn là công ty có tầm ảnh hưởng lớn trong lịch sử. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, vấn đề thứ 2 nghiêm trọng hơn, khi những người tạo xu hướng đồng loạt từ bỏ một nền tảng, điều này sẽ giết chết nền tảng đó. Và đây dường như là điều mà các giám đốc điều hành Facebook lo ngại nhất. 

Trong bài viết thứ 3 của mình về vấn đề này, Wall Street Journal cho biết Facebook từng quyết định thay đổi thuật toán ở bản tin vào năm 2018 để nhấn mạnh "các tương tác xã hội có ý nghĩa". Sự thay đổi thuật toán thời điểm ấy được cho là để thúc đẩy những cuộc trò chuyện lành mạnh.

Tuy nhiên, theo hồ sơ nội bộ, thực tế, đó là một nỗ lực để đảo ngược sự sụt giảm mức độ tương tác của người dùng trong nhiều năm. Lượt thích, lượt chia sẻ và nhận xét trên nền tảng đã giảm đi nhanh chóng cũng như một chỉ số được gọi là "chương trình phát sóng ban đầu". 

Các giám đốc điều hành đã cố gắng khắc phục sự sụt giảm này bằng cách điều chỉnh lại thuật toán của bảng tin để quảng cáo nội dung thu hút được nhiều bình luận và phản ứng của cộng đồng mạng. Các nội dung đó hoá ra chính là "những nội dung dễ gây phẫn nộ". 

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để tuyên bố Facebook đã "chết". Giá cổ phiếu của công ty đã tăng gần 30% trong năm qua, do doanh thu quảng cáo tăng mạnh và việc sử dụng một số sản phẩm trong thời kỳ đại dịch tăng vọt. Facebook vẫn đang phát triển ở các quốc gia bên ngoài Mỹ và có thể thành công ở đó ngay cả khi công ty gặp khó khăn trong nước. Bên cạnh đó, công ty đã đầu tư rất nhiều vào các sáng kiến ​​mới hơn, như các sản phẩm thực tế ảo và tăng cường, có thể giúp lật ngược tình thế nếu thành công.

Có thể đúng là Facebook đang dần suy yếu nhưng họ vẫn là một trong những công ty có ảnh hưởng nhất trong lịch sử, với khả năng định hình chính trị và văn hóa trên toàn cầu.

Minh Hạnh (Theo New York Times)

Tin nổi bật