Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những ngành nghề "khát" lao động sau dịch Covid-19

(DS&PL) -

Theo đánh giá của chuyên gia, thị trường lao động thời gian tới sẽ có thay đổi, các chỉ tiêu, vị trí, nhu cầu tuyển dụng sẽ tiếp tục gia tăng...

Hiện tại, Việt Nam đang kiểm soát dịch Covid-19 rất tốt, cùng việc nới lỏng giãn cách xã hội khiến cho nhu cầu tuyển dụng tại các doanh nghiệp đang có những chuyển biến tích cực. Theo đánh giá của chuyên gia, thị trường lao động thời gian tới sẽ có thay đổi, các chỉ tiêu, vị trí, nhu cầu tuyển dụng sẽ tiếp tục gia tăng, nhiều công việc mới phát sinh và kèm theo đó là xu hướng chuyển đổi nghề nghiệp.

Nhu cầu tuyển dụng chắc chắn gia tăng

Theo kết quả khảo sát, điều tra tình hình lao động việc làm 4 tháng đầu năm 2020 của Tổng cục Thống kê (bộ KH&ĐT) ghi nhận: Đến giữa tháng 4/2020, cả nước có gần 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, nghỉ luân phiên.

Trong đó, số lao động chịu ảnh hưởng trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 1,2 triệu người; ngành bán buôn, bán lẻ khoảng 1,1 triệu người; ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống khoảng 740 nghìn người.

Các vị trí việc làm liên quan đến thương mại điện tử, cơ khí,... được doanh nghiệp tuyển dụng nhiều sau dịch.

Anh Nguyễn Hùng Dũng (SN 1993, quê Hà Tĩnh), lên Hà Nội làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long được 2 năm nay. Bên trong phòng trọ anh thuê tại thôn Bầu (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) chẳng có gì đáng giá. Thời điểm địch Covid-19 ập đến cũng anh bị mất việc do công ty cắt giảm việc làm. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, anh Dũng vẫn chưa tìm được công việc mới khi các công ty đang dè chừng chưa mở rộng kinh doanh, tuyển dụng.

Chị Nguyễn Thị Tình (quê Hải Phòng) làm nhân viên kế toán tại một công ty du lịch ở Hà Nội mới mức lương 9 triệu đồng cũng bị mất việc khi dịch bệnh làm ngành du lịch tê liệt. Dịch Covid-19, công ty thông báo cho nghỉ vô thời hạn, chị Tình rơi vào cảnh thất nghiệp. Trước tình hình vô cùng khó khăn của ngành du lịch, chị Tình cũng không biết chính xác thời gian mình có thể trở lại với công việc.

Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: Trong 2 tuần gần đây, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp bắt đầu gia tăng trở lại. Tính đến cuối tháng 4, có hơn 1.000 doanh nghiệp đăng ký nhu cầu tìm nhân sự qua sàn giao dịch việc làm, chỉ giảm khoảng 20% so với tháng cuối năm 2019.

Theo đánh giá của ông Thảo, chỉ cần dịch bệnh được kiểm soát thì ngay lập tức, các doanh nghiệp sẽ bung ra sản xuất để phát triển. Điều này vừa giúp khai thông thị trường lao động, vừa gỡ nút thắt trong việc hỗ trợ lao động thất nghiệp, giúp họ quay lại thị trường lao động.

“Mối quan hệ trong lao động sau dịch Covid-19 sẽ có những thay đổi nhất định, các hình thức sản xuất hiện đại sẽ có chỗ đứng. Điều này cũng góp phần tạo ra một cuộc cách mạng, giúp tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần gia tăng năng suất lao động. Cùng với đó, sẽ thúc đẩy sự chuyển dịch lao động theo chiều hướng tiến bộ, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa hơn” - ông Thảo nhận định.

“Cú hích” thay đổi thị trường lao động

Bà Nguyễn Phương Mai - Giám đốc điều hành công ty Tư vấn tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao tại Việt Nam Navigos Search nhận định: Một khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu tuyển dụng sẽ bùng nổ vì các doanh nghiệp sẽ cần nhân vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Do đó, các doanh nghiệp nên xúc tiến hoạt động tuyển dụng trong thời gian này vì nguồn cung lao động đang dồi dào hơn và ứng viên khi nhận việc sẽ có nhiều thời gian để hòa nhập với công ty và chuẩn bị cho kế hoạch phát triển sau khi dịch bệnh qua đi” - bà Mai đánh giá.

Theo bà Mai, thị trường lao động thời gian tới sẽ có thay đổi, các chỉ tiêu, vị trí, nhu cầu tuyển dụng sẽ tiếp tục gia tăng. Trong 1.600 doanh nghiệp được trung tâm khảo sát vào cuối tháng 4/2020 thì có khoảng 1.000 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với chỉ tiêu khoảng 13.000 việc làm. Các vị trí cần tuyển dụng chủ yếu là công nhân sản xuất, kỹ sư cơ khí, chế tạo, may mặc.

Bên cạnh đó, ngành thương mại điện tử, vị trí cấp cao của lĩnh vực bất động sản, ngành năng lượng cũng được dự báo có nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh trong thời gian tới.

Bà Lê Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (bộ LĐTB&XH) cho hay, dịch Covid-19 chính là “cú hích” thay đổi thị trường lao động. Tuy nhiên, vì phục hồi kinh tế phải cần thời gian nên xu hướng lao động sẽ tăng nhưng không phải cơ hội cho tất cả mọi người

“Nhu cầu tuyển dụng các ngành cung ứng dịch vụ kết nối qua mạng, thương mại điện tử, sản phẩm dệt may, thiết bị y tế, dược phẩm chắc chắn sẽ tăng” - bà Hương nhận định.

Để đáp ứng nhu cầu lao động của thị trường vốn có sự cạnh tranh, người lao động bắt buộc phải đào sâu về chuyên môn nghiệp vụ, nâng tầm chất lượng. Ngoài việc học lý thuyết, phải mạnh dạn, tự tìm cơ hội để được tham gia trải nghiệm, thực tập, cọ xát thực tế nhiều hơn ở trong và ngoài nước.

"Để hỗ trợ những người bị mất việc do dịch Covid-19 tìm việc làm mới, phía Cục đã chỉ đạo hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm đẩy mạnh giao dịch việc ngay trong tháng 5/2020, tăng cường các phiên giao dịch việc làm trực tiếp và các chương trình kết nối cung cầu lao động. Cùng với đó đẩy mạnh hoạt động trên các trang điện tử để kích cầu người tìm việc-việc tìm người", ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng cục Việc làm (bộ LĐTB&XH).

THU HUYỀN

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 7 (19)

Tin nổi bật