Ẩn mình sau dãy Himalaya hùng vĩ, Bhutan vẫn thường được nhắc đến như một "vương quốc của sự hạnh phúc”, dù nền kinh tế được xếp vào hạng thấp nhất thế giới.
Bhutan là quốc gia nằm trong lục địa Nam Á, nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy Bhutan có nền kinh tế được xếp vào hạng thấp nhất trên thế giới, thậm chí nghèo đói và mù chữ vẫn còn phổ biến nhưng những người dân nơi đây lại có cuộc sống hạnh phúc nhất thế giới.
Một cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng nhờ vào phong cảnh tuyệt đẹp cùng ý thức, lòng tự tôn dân tộc đã khiến cho người dân ở đất nước này luôn cảm thấy hạnh phúc, thoải mái khi sinh sống tại đây.
Cho tới trước năm 1974, nhiều người không biết đến cái tên Bhutan
Người ta luôn nghĩ tới cái tên Bhutan khi nói về các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Ảnh: Getty |
Đất nước nhỏ bé này nằm lọt thỏm giữa vùng rừng núi trập trùng của dãy Himalaya.
Trước năm 1974, Bhutan là một quốc gia nội bất xuất ngoại bất nhập, khi mà người nước ngoài không được phép nhập cảnh vào còn người trong nước thì không có điều kiện xuất cảnh - không khác gì lắm với vương quốc tưởng tượng Wakanda.
Và nếu như Wakanda có một nền văn minh cực thịnh thì Bhutan lại phủ ngập trong màu xanh của thiên nhiên, ngay cả thủ đô Thimphu là đô thị lớn nhất cả nước cũng chìm trong màu xanh của thiên nhiên.
Hơn 30 năm sau, Bhutan vẫn chọn cách đứng bên lề của văn minh nhân loại. Là quốc gia cuối cùng trên thế giới có... sóng vô tuyến truyền hình vào năm 1999, cho tới thời khắc mà cả nhân loại hoảng loạn với sự kiện thảm họa công nghệ Y2K thì người dân Bhutan mới bắt đầu biết tới chiếc TV, và đó không thể coi là một sự thiếu thốn nếu như trước đó bạn chưa từng có được nó.
Người dân Bhutan trân trọng thứ mà họ được tận hưởng chứ không so đo xét đoán với thế giới bên ngoài, kể cả là khi họ đã biết có một thế giới khác ở bên ngoài kia.
Bhutan là đất nước của Phật giáo
Những tấm áo cà sa đỏ thắm dường như có thể được bắt gặp ở bất cứ đâu tại Bhutan. Ảnh: Bright Side |
Ở Bhutan, những tu viện Phật giáo nằm ở khắp nơi, ẩn mình trong làn khói hương trầm mặc. Những bóng áo cà sa đỏ và những khung cửa được chạm trổ cầu kỳ của các mái chùa luôn là khung cảnh hấp dẫn khiến bất cứ khách du lịch nào cũng muốn một lần tìm về nơi đây để gột rửa mọi vướng bận trong lòng, để được lắng nghe tiếng chuông chiều mà mọi mái chùa cùng đánh, để được các giáo lý bình yên của nhà Phật soi sáng tâm can. Vì lí do đó, cũng không quá ngạc nhiên khi phần lớn người Bhutan theo đạo Phật.
Họ luôn giữ trong đầu quan điểm: cần phải loại bỏ ba thứ độc hại là ngu dốt, tham lam và sự tức giận. Ví như khi cảm thấy tức giận với một hành động của con cái hay vợ chồng, họ lại nghĩ đến lý tưởng này của Phật giáo, điều đó làm dịu lại tình hình.
Gần 50% đàn ông ở Bhutan là thầy tu và họ sống ở các tu viện. Tại đây, công việc của họ hàng ngày là dọn dẹp, đọc kinh và rót nước thiêng cho du khách trong và ngoài nước. Đây chính là một lý do Bhutan kém phát triển khi mà 1/4 dân số không tham gia vào việc tạo ra của cải vật chất cho đất nước.
"Viện phí là cái gì thế? Bhutan không có!"
Bhutan hiện là quốc gia hạnh phúc nhất châu Á. Ảnh: Getty |
Lo sợ về một ngày đau ốm, bệnh tật trong tương lai? Điều này sẽ không xảy ra với người dân Bhutan, khi mỗi người dân đều có quyền miễn viện phí. Ngoài ra, họ còn được tự lựa chọn cách chữa trị mình muốn, tuy rằng cách chữa trị truyền thống được ưa chuộng hơn cả.
Bên cạnh đó, bạn sẽ không tìm thấy người vô gia cư ở Bhutan. Không một ai phải sống trên hè phố ở đất nước Bhutan, trừ những người muốn thử cảm giác lạ. Nếu một ai đó mất đi nhà cửa, điều họ cần làm chỉ là đến gặp nhà vua - người sẽ lập tức cấp cho họ một mảnh đất để xây nhà, trồng rau.
Người Bhutan không quan tâm đến TV và internet, thậm chí đến năm 1999 người dân Bhutan mới được tiếp cận với truyền hình. Họ cho rằng, tiếp cận nhiều với internet, thấy những người giàu, đi xe hơi và có nhiều tiền, sẽ dấy lên trong lòng sự ghen tị, không còn thỏa mãn với cuộc sống của mình nữa.
Người dân Bhutan chẳng phải lăn tăn suy nghĩ, buồn phiền rằng mình không có chiếc iPhone mới nhất bởi đơn giản với họ, được sống đã là điều mãn nguyện rồi.
Đất nước không "đô thị hóa", không "hiện đại hóa"
Bhutan có phong cảnh núi non tuyệt đẹp. Ảnh: Getty |
Bhutan tuy nghèo nàn, nhưng tại đây vẫn có những kiến trúc, phong tục tập quán cổ xưa và quan trọng nhất là thiên nhiên vẫn được bảo tồn một cách nghiêm túc.
Môi trường, hay thiên nhiên nói chung, là một yếu tố quan trọng đối với người dân Bhutan, khi tới một nửa diện tích nơi đây được bao phủ bởi màu xanh của rừng núi. Người Bhutan nhìn chung rất yêu thiên nhiên, nên việc phá rừng bị lên án rất mạnh mẽ. Đồng thời, động vật và môi trường cũng được bảo vệ nghiêm ngặt.
Chính phủ quốc gia này còn ban hành chính sách đặt mục tiêu loại bỏ các chất hóa học nhân tạo trong sản xuất nông nghiệp với mục đích tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn với sức khỏe cộng đồng. Việc nhập khẩu các loại phân bón hóa học cũng chính thức bị cấm ở đất nước này.
Người Bhutan luôn đi bộ qua đường ở nơi có vạch kẻ ngang, không vứt rác bừa bãi dù đó là sự kiện ca nhạc ngoài trời hay sân vận động. Ôtô luôn nhường đường cho người đi bộ và quan trọng nhất là họ ý thức được mình đang lái xe nên thường đi chậm về phía bên trái (người Bhutan đi bên trái) và sẵn sàng nhường nếu có xe muốn vượt. Họ không bấm còi inh ỏi khi tắc đường hay phóng quá tốc độ.
Trong khi đàn ông Bhutan thường mặc những tấm áo choàng nặng trịch, dài tới gối, phụ nữ Bhutan lại mặc trang phục váy truyền thống dài đến chân. Ảnh: CNN |
Chế độ nghỉ ngơi của người dân nơi đây cũng rất điều độ, chuẩn mực. Một cuộc khảo sát đã cho thấy 2/3 dân số ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm và việc này khiến họ có một sức khỏe rất tốt và cảm thấy thư thái hơn mỗi ngày. Để bảo vệ sức khỏe người dân, chính phủ Bhutan là nước đầu tiên trên thế giới cấm hút và bán thuốc lá một cách rất triệt để (từ năm 2004).
Và bản thân chính phủ Bhutan cũng thực hiện chủ trương không đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thay vào đó là duy trì cuộc sống thanh bình, chậm rãi của người dân. Như đã nói ở phần đầu, Bhutan là đất nước không "đô thị hóa", không "hiện đại hóa", mà chủ yếu đầu tư vào chất lượng cuộc sống và các giá trị tinh thần.
Mộc Miên (T/h)