Người đời không chỉ quan tâm nhiều đến sự túc trí đa mưu, liệu sự như thần của Gia Cát Lượng mà còn dành nhiều sự tò mò đối với người bạn đời của ông, nữ sĩ Hoàng Nguyệt Anh.
Gia Cát Lượng (191 - 234), tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, quê tại huyện Dương Đô, quận Lang Nha (nay thuộc huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông). Ông là một nhà chính trị, quân sự, chiến lược, ngoại giao kiệt xuất thời Tam quốc. Ông được hậu thế nhắc tới với một niềm kính tôn tột bậc không chỉ bởi trí tuệ và tài năng lỗi lạc, mà còn vì lòng trung nghĩa sắt son.
Tương truyền, vợ của Gia Cát Lượng là Hoàng Nguyệt Anh có dung mạo xấu xí, ''ma chê quỷ hơn''. Trong sách "Tương Dương ký" có ghi chép về người vợ của Gia Cát Lượng và dung mạo của bà như sau:
"Ở miền Nhữ Năm có một danh sĩ là Hoàng Thừa Ngạn, tính tình thanh cao, khoát đoạt và thành thực.
Ngạn đến bảo với Lượng rằng: “Nghe anh kén vợ, tôi có đứa con gái xấu xí, đầu vàng, da đen, nhưng tài năng có thể phối hợp với anh được". Lượng bằng lòng tức thì Ngạn đem con gái đến cho.
Chính vì vậy, người đời truyền tai nhau rằng, Hoàng Nguyệt Anh - người phụ nữ mà Gia Cát Lượng lấy về làm vợ có dung mạo vô cùng xấu xí, thậm chí bị xem là ''ma chê quỷ hờn".
Sử cũ miêu tả: Gia cát Lượng cao chừng 7 xích, tay cầm quạt lâu, đầu chít khăn, phong lưu, phóng khoáng. Tuy nhiên, vị “Ngọa Long tiên sinh” tài trí hơn người này lại đồng ý thành thân cùng Hoàng Nguyệt Anh – một phụ nữ nổi tiếng xấu xí lúc bấy giờ.
Sinh thời, Hoàng Nguyệt Anh từng được mệnh danh là một trong năm người phụ nữ tài năng nhưng xấu nhất trong lịch sử Trung Hoa (Ngũ xú Trung Hoa). Ngoại hình thua thiệt, nhưng bản thân Nguyệt Anh lại vô cùng giỏi giang, đức hạnh.
Bà được miêu tả là người “năng lý năng ngoại” (giỏi lo toan việc trong nhà lẫn việc bên ngoài). Không những giúp chồng sắp xếp ổn thỏa việc gia sự, Nguyệt Anh còn hỗ trợ rất nhiều cho sự nghiệp của Gia Cát Lượng.
Có nhiều giai thoại còn khẳng định rằng chủ nhân của sáng kiến “Mộc ngưu lưu mã” chính là vị phu nhân túc trí này. Đây cũng là lý do vợ của Khổng Minh tuy “xấu người”, nhưng trăm ngàn năm qua vẫn được hậu thế ca tụng.
Một số tư liệu lịch sử từng khẳng định: Sau khi lấy Hoàng Nguyệt Anh, Gia Cát Lượng vẫn nạp thiếp. Theo quan niệm của đàn ông Trung Hoa thời phong kiến, lấy vợ cả là để quán xuyến nhà cửa, lo việc đối nội, chăm sóc con cái, gia đình nhà chồng. Vợ cả có thể trông không đẹp nhưng cần thiết đoan trang, đại khí, xuất thân hiển hách, xứng đôi với nhà chồng.
Vợ lẽ hay thiếp thuộc về loại "lấy sắc thờ người", dùng để mua vui khuây khỏa cho chủ gia nên cần phải xinh đẹp.
Sở dĩ Nguyệt Anh đen đúa, mặt đầy mụn nhọt, trông rất khó coi nhưng Gia Cát Lượng lại vui vẻ trước mối hôn sự này bởi Hoàng Đức Công, Tư Mã Huy và Hoàng Thừa Ngạn đều là những danh sĩ nổi tiếng đương thời, cũng là phụ tá đắc lực của Lưu Biểu.
Bản thân vợ của Ngạn còn là chị em với một trong các phu nhân của Lưu Biểu, nên gia tộc họ Hoàng có tầm ảnh hưởng không nhỏ tại Kinh Châu.
Nay có Bàng Đức Công, Tư Mã Huy làm chủ, Gia Cát Lượng nghiễm nhiên trở thành con rể của nhà danh gia. Cơ hội “một bước lên trời” này khiến Khổng Minh không phải lo lắng về chuyện thanh danh, tiền đồ phía trước.
Gia Cát Lượng thông minh hơn người, biết rõ cái lợi trong cuộc hôn nhân này còn gấp trăm lần cái thiệt, vì thế mà không khỏi vui mừng.
Quả nhiên sau đó, Bàng Đức Công, Bàng Thống, Tư Mã Huy và Hoàng Thừa Ngạn cật lực tiến cử Khổng Minh. Tuy rằng lúc đó, Gia Cát Lượng vẫn đang ẩn cư tại Long Trung, nhưng danh hiệu “Ngọa Long tiên sinh” đã vang khắp thiên hạ.
Sự tình sau đó ai cũng đều biết rõ. Lưu Bị ba lần đến lều tranh mời Gia Cát Lượng xuống núi. Khổng Minh theo phò Lưu Bị, cùng tranh thiên hạ cho nhà Thục Hán.
Tương truyền, không chỉ có gia thế hiển hách có thể giúp ích cho sự nghiệp của Gia Cát Lượng khi ông còn đang ở ẩn, Hoàng Nguyệt Anh còn là một cô nương xuất chúng, tài nghệ phi thường, am tường hội hoạ lại biết cả võ nghệ.
Vì ham mê võ nghệ, Hoàng Nguyệt Anh, với cái tên cúng cơm A Sửu, theo học danh sư trên núi. Sau khi hoàn thành việc học võ, bà được vị sư phụ tặng cho chiếc quạt lông vũ, cùng với hai chữ “minh”, “lượng” và dặn dò: “tên hai chữ này chính là đức lang quân như ý của con”.
Sau này, khi Gia Cát Lượng tìm đến cầu hôn, Hoàng Nguyệt Anh đã tặng ông chiếc quạt lông đó coi như kỷ vật, đồng thời lý giải nguyên nhân: “Vừa nãy thiếp nhìn thấy tiên sinh và cha cùng đàm luận chuyện thiên hạ, hùng tâm tráng chí quả là rất lớn. Nhưng mà, thiếp phát hiện rằng khi ngài nói tới Tào Tháo và Tôn Quyền thì chân mày lại hiện rõ ưu tư, lo lắng. Thiếp tặng ngài chiếc quạt này là để ngài che mặt những lúc như vậy”.
Khổng Minh hiểu ra, vội tạ Nguyệt Anh, trong lòng cảm thấy hết sức vừa ý. Ông coi đây quả thực là vị hôn thê lý tưởng cho mình.
Sách Khổng Minh đại truyện có ghi rõ, thừa tướng Gia Cát sau khi xuất sơn, mọi việc ở nhà đều được Gia Cát phu nhận chu toàn, vợ chồng tương kính, chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn hay xung đột gì. Nếu không nhờ có bà, Khổng Minh tiên sinh chưa chắc đã có thể toàn tâm phò trợ cho chủ tướng Lưu Bị.
Minh Khôi (T/h)