Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những điểm nghẽn cần tháo gỡ để thị trường ebook có thể bứt phá

(DS&PL) -

Chưa cần nói về các vấn đề khác, chỉ riêng việc nộp lưu chiểu bản cứng xin cấp phép ebook cũng đang gặp khó khăn.


Vài năm trở lại đây, cùng với sự ra đời của “Ngày sách Việt Nam” và hàng loạt hoạt động khuyến khích đọc sách được tổ chức liên tiếp khắp nơi trên cả nước, tỷ lệ người Việt Nam đọc sách và số lượng đầu sách/người đọc mỗi năm cũng có xu hướng gia tăng.

Bên cạnh sách giấy truyền thống, sách điện tử (hay còn gọi là ebook) cũng có sự tăng trưởng mạnh cả về số lượng cung cấp, sự minh bạch trong vấn đề bản quyền và số tiền người dân sẵn sàng chi trả cho ebook mỗi năm.

Nhằm giúp độc giả có thêm thông tin về vấn đề này, PV đã có cuộc trò chuyện với ông Đinh Quang Hoàng - Giám đốc Điều hành Công ty Waka để có thêm những chia sẻ về tình hình sách điện tử trong nước hiện nay.

Giữ vai trò Giám đốc điều hành Công ty Waka - một trong những đơn vị tiên phong trong việc phân phối những đầu sách điện tử có bản quyền tại Việt Nam, theo ông, sự thuận lợi cũng như khó khăn của thị trường Việt Nam trong phát triển sách điện tử là gì?

Theo tôi, Việt Nam có 3 rào cản và 3 điều kiện thuận lợi để phát triển sách điện tử.

Rào cản thứ nhất là hành lang pháp lý chưa đầy đủ. Chẳng hạn như nội dung truyện tương tác. Đây là loại truyện mà người đọc có thể lựa chọn các diễn biến tiếp theo của câu chuyện tại một tình huống đã định trước của tác giả. Ví dụ 1 tình huống X trong truyện, khi người đọc lựa chọn diễn biến A ở Chương 1 thì ở các Chương tiếp sau, nội dung sẽ đi theo hướng A1; nhưng nếu độc giả lựa chọn loại diễn biến B thì các Chương tiếp theo lại là đi theo chiều hướng B1... Chưa  cần nói về các vấn đề khác, chỉ riêng việc nộp lưu chiểu bản cứng xin cấp phép ebook tương tác cũng đang gặp khó khăn và không biết xử lý ra sao. Cả Nhà xuất bản và Cục xuất bản cũng cảm thấy lúng túng trong việc hướng dẫn doanh nghiệp khai thác phải làm như thế nào nên hình thức này còn chưa triển khai được.

Rào cản thứ hai là tâm lý của các đơn vị xuất bản/phát hành. Đa số các đơn vị chưa mặn mà làm ebook vì đầu tư lớn, hành lang pháp lý chưa rõ, công sức bỏ ra nhiều nhưng doanh thu chưa cao. Việc này dẫn đến nguồn cung ebook tốt đã thiếu lại còn hạn chế và không kịp thời. Và người đọc muốn đọc ebook có bản quyền lại không biết tìm ở đâu, đôi khi họ còn phải chạy qua bên các site lậu.

Rào cản ba là về phương thức thanh toán. Với người dùng lứa tuổi học sinh (ví dụ cấp 2) chưa đến tuổi làm chứng minh thư nên cũng không thể làm thẻ ngân hàng hay ví điện tử gì cả. Vậy nên, khi có nhu cầu đọc, dù rất muốn mua sách ebook nhưng các em cũng không biết mua bằng cách nào.

Bên cạnh một số khó khăn trên, theo tôi, hiện Việt Nam cũng có 3 điều kiện thuận lợi để phát triển sách điện tử.

Cụ thể:

  • Một, tỷ lệ dân số trẻ, lượng học sinh (cấp 1, 2 và 3) + sinh viên chiếm đến 20% dân số
  • Hai, là sự phổ biến của internet. Số người sử dụng và tần suất sử dụng rất cao. Có 66% dân số dùng internet và 94% trong số đó là sử dụng hàng ngày.
  • Ba, thói quen đọc và trả phí đọc trực tuyến đã hình thành. Nhu cầu đọc tăng lên và nhu cầu viết của các tác giả (trong nước) cũng phát triển mạnh.

Theo nhận định của ông, những năm qua, thị trường ebook tại Việt Nam đã phát triển ra sao? Và nguyên do nào khiến Waka tập trung đầu tư vào ebook thay vì sách giấy?

Tôi tạm định nghĩa lại các loại ebook ở Việt Nam như sau:

Ebook loại 1: Loại ebook này là một phiên bản điện tử của sách in. Nghĩa là sách in tồn tại trước, và bản ebook chỉ là một phương thức thể hiện thứ cấp.

Ebook loại 2: Là các nội dung trực tuyến được biểu diễn dưới dạng ebook (chủ yếu hiện nay là văn học trực tuyến và truyện tranh). Trong 1 vài trường hợp, những nội dung hot, phổ biến của ebook loại 2 được xuất bản bản in, nhưng trong trường hợp này, đa số người đọc mua bản in với mục đích sưu tầm chứ không phải chỉ đơn thuần để đọc nội dung.

Ebook loại 3: Là các ebook tương tác. Không chỉ đọc, người dùng còn nghe, xem, cảm nhận, vận động v.v. với nội dung của sách. Tương tác giữa những người đọc với nhau, giữa người đọc với tác giả, dịch giả, theo phương thức mới.

Ở đây, chúng ta chủ yếu bàn về Ebook loại 3, nghĩa là Ebook tương tác.

Với cách chia đó, thì tình hình phát triển ebook ở Việt Nam trong những năm qua có thể khái quát như sau:

Giai đoạn 2009 – 2012: Giai đoạn mở đầu cho sự phát triển của ebook loại 1, tăng trưởng nhanh về số lượng và các đơn vị cung cấp. Tốc độ tăng trưởng cao nhất là cuối 2011, đầu 2012. Có sự xuất hiện của rất nhiều đơn vị cung cấp nền tảng đọc sách điện tử “made in Vietnam”.

Giai đoạn 2013 – 2016: Bắt đầu thoái trào khi vướng bài toán đầu tư và doanh thu cũng như sự thắt chặt về bản quyền hay giấy phép ebook từ cơ quan quản lý. Giai đoạn này đánh dấu sự sụt giảm về số lượng ebook loại 1 bị gỡ khỏi các nền tảng đọc do hết hạn khai thác và không được gia hạn quyền khai thác ebook.

Giai đoạn 2016 – 2018: Rất nhiều đơn vị cung cấp nền tảng đọc lựa chọn rời khỏi thị trường. Một số đơn vị xuất bản thử nghiệm đưa ebook loại 3 vào khai thác nhưng mới chỉ tồn tại ở dạng thí điểm và chưa thực sự phổ biến.

Trong giai đoạn này thì vào khoảng giữa năm 2017 có sự phát triển mạnh mẽ của ebook loại 2 (loại có bản quyền, còn các ebook loại 2 không có bản quyền vẫn tồn tại rất nhiều từ trước đó) với đơn vị tiên phong là Waka. Với sự phát triển này, chiều hướng phát triển sách điện tử có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Số lượng user, thời gian đọc cũng như doanh thu đều tăng trưởng đáng kể.


Giai đoạn 2018 đến nay: Giai đoạn chuẩn bị, quá độ cho những bước phát triển tiếp theo. Thị trường Việt Nam giai đoạn này có những số liệu và các điều kiện khá tương đồng với giai đoạn đầu của các thị trường ebook phát triển.

Có một câu nói rất hay, rằng sách giấy và ebook giống như 2 mặt của 1 đồng tiền, chúng song hành tồn tại cùng nhau, không loại trừ nhau.

Waka lựa chọn phát triển nội dung ebook là căn cứ vào chiến lược phát triển hệ sinh thái tổng thể, phù hợp với nguồn lực cũng như tận dụng được các thế mạnh công nghệ vốn có. Việc phát triển sách giấy với Waka chỉ còn là vấn đề thời gian.

Trong hệ thống các đơn vị phân phối những đầu sách có bản quyền thì thư viện sách điện tử Waka gần như được nhắc tới nhiều nhất. Vậy ông có thể chia sẻ là trong quá trình phát triển, Waka đã làm cách nào để có thể dần thay đổi văn hóa đọc của độc giả Việt?

Không dám nói rằng Waka đã thay đổi văn hoá đọc của độc giả Việt, mà trong quá trình phát triển của mình, Waka luôn tập trung nâng cao thói quen đọc sách của độc giả. Nhu cầu đọc vẫn luôn luôn tồn tại, chỉ khác là người dùng sẽ sử dụng những phương thức mới để thực hiện nhu cầu của mình.

Do đó, Waka tập trung vào việc giúp người dùng giải quyết những vấn đề vướng mắc nội tại trong quá trình tìm và đọc.

Đồng thời, thông qua ứng dụng công nghệ, Waka đưa ra những “thách thức” phù hợp với từng người dùng, giúp họ chinh phục những mốc mới trong quá trình nâng cao thời gian đọc, qua đó truyền thêm cảm hứng và lan toả niềm yêu thích đọc sách cho người dùng cuối.

Chương trình “Thử thách đọc sách” trên ứng dụng Waka là 1 trong những ví dụ tiêu biểu về cách làm này.

Phải cạnh tranh với hàng ngàn website cung cấp ebook không bản quyền trên thị trường, Waka đã đối mặt với những khó khăn nào?

Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả các nước phát triển cũng phải đối mặt với tình trạng ebook lậu.

Do đó, ngoài việc bền bỉ thực hiện các quy trình rà soát và report các liên kết (url) vi phạm nội dung của mình, các đơn vị khai thác ebook bản quyền còn phải phát triển các công nghệ, kỹ thuật mã hoá, đặt ra các hạn chế để chống sao chép dù đôi khi việc này làm cho trải nghiệm ứng dụng (app) của họ bị nặng nề hơn và giảm ưu thế cạnh tranh. Còn lại thì chấp nhận “sống chung với lũ”.

Nhìn lại chặng đường phát triển của Waka, ông đánh giá Waka đã gặt hái được những thành tựu gì nổi bật?

Chính thức ra mắt từ 10/2014, đến nay Waka đã có 3,2 triệu users, (lượt cài đặt ứng dụng là 3.5 triệu) với hơn 13.000 tựa sách có bản quyền, hợp tác với trên 50 đơn vị xuất bản (gồm các Nhà xuất bản và nhà phát hành trong nước, đối tác chiến lược của các công ty văn học mạng nước ngoài, các đơn vị xuất bản nước ngoài), hơn 1.000 tác giả (trong và ngoài nước), có 1,2 triệu user active hàng tháng với tổng số phút đọc là 45 triệu (/tháng).

Hiện tại, Waka đã khẳng định được vị thế Nhà xuất bản điện tử của mình cũng như hình thành được hệ sinh thái để chuẩn bị cho những bước phát triển tiếp theo.

Trong tương lai gần, Waka kỳ vọng danh sách độc giả sẽ là bao nhiêu?

Về số lượng độc giả, Waka dự kiến đạt 10 triệu thành viên sử dụng hệ sinh thái xuất bản của mình, trong đó có 1,1 triệu là thành viên VIP (paid-user) ở mảng ebook vào năm 2022.

Waka Platform history

2009: Ra mắt Ứng dụng đọc sách điện tử đầu tiên tại Việt Nam (Mbook)

2011: Cung cấp Anybook cho Viettel, trở thành ứng dụng sách điện tử có doanh thu cao nhất sau 1 năm

2014: Ra mắt Waka - nền tảng xuất bản điện tử đầu tiên

2016: Trở thành thư viện sách điện tử lớn nhất với 1,5 triệu người dùng

2018: 3.2 triệu users, đạt tới điểm hoà vốn (break-even)

Vũ Đậu

Tin nổi bật