Dù tuổi đã cao nhưng với mong muốn gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hoá của dân tộc, các cựu binh vẫn tiếp tục “truyền lửa” đam mê âm nhạc dân tộc cho thế hệ trẻ của bản làng.
Vừa qua, TTXVN đưa tin về trường hợp cựu chiến binh Lương Xuân Dán (sinh năm 1947, dân tộc Tày, ở thôn Đức Uy, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) - một người lính có niềm đam mê âm nhạc bất tận, không những thuộc nhiều bài Then cổ như Tàng Bốc, Tàng Nặm của người Tày, mà còn am hiểu và chơi tốt 15 loại nhạc cụ khác nhau.
Ông Dán dạy nhạc cho thế hệ trẻ. Ảnh: TTXVN |
Là thương binh hạng 2/4, sống trong ngôi nhà cấp 4 bình dị, vợ chồng ông Dán vẫn cố gắng duy trì cuộc sống, cải thiện thu nhập trên hơn 1,5 ha đất canh tác với nhiều loại cây như bưởi da xanh, vải thiều; nuôi gà, ngan...
Trở về sau chiến tranh, dù đã trải qua 5 lần phẫu thuật, nhưng trong cơ thể người lính già vẫn còn hơn 30 mảnh đạn rocket. Những ngày trái gió trở trời, cơ thể ông thường đau nhức, mệt mỏi… Tuy nhiên, tình yêu của ông Dán với âm nhạc chưa bao giờ vơi cạn.
Ông Dán cho biết, khi bắt đầu tham gia phục vụ tại chiến trường, ông luôn mang lời ca tiếng hát đến với đồng đội. Ông luôn nhiệt tình, chủ động biểu diễn góp vui với tinh thần “tiếng hát át tiếng bom” trên mọi nẻo đường.
Không chỉ hát hay, ông Dán luôn học hỏi, theo dõi các đoàn văn công chiến trường, nhờ đó ông có thể học và chơi được nhiều loại nhạc cụ như đàn Nhị, đàn Tam, đàn Tứ, đàn Bầu, đàn Nguyệt, sáo, Măng đô lin…
Nhận thấy năng khiếu của ông, nhiều lần, đơn vị đã phân công ông đi học các lớp tập huấn âm nhạc do các nghệ sĩ chuyên nghiệp giảng dạy tại Hà Nội.
Không chỉ chơi được nhiều loại nhạc cụ, ông Dán còn sáng tác nhiều ca khúc và bài thơ ấn tượng. Ông đã có những tác phẩm như: “Chào thành phố Tuyên Quang”; “Uống nước nhớ nguồn”; “Quê em ơn Đảng, Bác Hồ”… Tác phẩm “Khúc hát người chiến sĩ thu mua” do ông cải biên và biểu diễn đã giành Huy chương Bạc Hội diễn Bộ Nội thương toàn quốc tại Nghệ An năm 1985.
Những lần ông cùng đoàn văn nghệ của xã Trung Sơn đi tham gia biểu diễn, giao lưu văn nghệ ở tỉnh đều giành được nhiều giải thưởng cao.
Nhiều năm qua, ông Dán luôn mong mỏi được truyền thụ tình yêu âm nhạc của mình cho thế hệ trẻ ở xã. Ông đã tổ chức những lớp học nhỏ tại nhà, dạy miễn phí cho những ai đam mê âm nhạc dân tộc.
Đến nay, khoảng trên 20 học sinh đã và đang theo học lớp của ông. Ông Dán chia sẻ, nếu mình còn sức khỏe, thì mong muốn lớn nhất chính là truyền lại hết kiến thức, tình yêu với âm nhạc cho con cháu.
Hồi cuối năm ngoái, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Trị cũng đưa tin về trường hợp của cựu chiến binh Hồ Văn Sơn (thôn Amo R, xã A Xing, huyện Hướng Hoá) có đam mê đặc biệt với nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình.
Cựu chiến binh Hồ Văn Sơn (ngoài cùng bên trái) dạy nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ người Pa Kô. Ảnh: QuangtriTV |
Âm nhạc truyền thống của người Pa Kô như đã ngấm vào máu thịt của người cựu chiến binh này. Cái khèn, cây đàn ta lư đã theo ông từ những năm tháng chiến tranh ác liệt cho đến ngày hôm nay. Không chỉ hiểu rõ về các loại đàn, ông còn sưu tầm, chơi thành thạo cồng, chiêng, thanh la và thuộc nhiều làn điệu dân ca của người Pa Kô.
Dù tuổi đã cao nhưng với mong muốn giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hoá của dân tộc, ông vẫn phát huy sự nhiệt tình, trách nhiệm, tiếp tục tuyền dạy để nâng cao nhận thức, niềm đam mê âm nhạc dân tộc cho thế hệ trẻ của bản làng.
Ông thường nói cho các bạn trẻ về cái hay, cái đẹp của văn hoá người Pa Kô, sự quý giá của các loại nhạc cụ dân tộc. Và đặc biệt, là ông giới thiệu từng nhạc cụ, hướng dẫn cách chơi cho từng người.
Cựu chiến binh Hồ Văn Sơn là một trong số ít người am hiểu và chơi thành thạo các nhạc cụ của người Pa Kô như: đàn ta lư, khèn, thanh la, chiêng... Qua mỗi buổi truyền dạy, ông luôn cố gắng khơi dậy và thắp lên ngọn lửa đam mê trong thế hệ trẻ của bản làng.
Ông cho biết: “Tôi sợ tôi mất đi, âm nhạc truyền thống của dân tộc mình cũng khó lưu giữ nên tôi mong muốn nhất là truyền lại cho các thế hệ con cháu. Làm thế nào đó để bản sắc của dân tộc vẫn được bảo tồn. Từ đó, thế hệ con cháu lại truyền lại, giữ gìn được bản sắc của người Pa Kô”.
Vũ Đậu (T/h)