Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Những chuyện ít biết xung quanh đồng tiền Việt Nam (bài cuối): 75 năm chân dung Hồ Chí Minh trong đồng tiền Việt Nam

(DS&PL) -

Người Việt được cầm tiền rất sớm, trong bữa tiệc đầy tháng, thế nào cũng có người nhét tờ bạc vào tay đứa trẻ.

Người Việt được cầm tiền rất sớm, trong bữa tiệc đầy tháng, thế nào cũng có người nhét tờ bạc vào tay đứa trẻ. Trong khi mắt nó đang ngiu ngiu thì mẹ nó đã nhét tờ bạc vào túi một cách gọn gàng. Và cũng như các dân tộc khác trên thế giới, người Việt cứ mở mắt ra là nghĩ tiền, tuy nhiên họ lại biết rất ít chuyện về tờ giấy bạc làm họ lao tâm khổ tứ.

Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã dựng tượng, in ấn tranh ảnh trong đó có cả in trên tiền những người có công khai canh lập ấp, thay đổi vận mệnh dân tộc, danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc để bầy tỏ lòng kính trọng. Kính trọng khác với sùng bái.

Họa sĩ Hồ Trọng Minh, người vẽ mẫu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên mệnh giá 10.000 đồng tiền polymer nói rằng, thế giới chỉ có hai nhân vật được đưa vào tiền lúc còn sống là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nữ hoàng Anh Elizabeth II.

Tuy nhiên khác với Elizabeth II nổi tiếng trong Khối thịnh vượng chung và trên thế giới từ khi còn là cô bé thì Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc in lên tiền Việt Nam dân chủ cộng hòa mới chỉ giữ chức Chủ tịch nước được 4 tháng.

Và trước ngày 2/9/1945, rất ít người Việt Nam biết mặt Người. Những họa sĩ đầu tiên vẽ đồng tiền cho nước Việt Nam mới cũng là những họa sĩ đầu tiên vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là họa sĩ Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến, sau đó là rất nhiều họa sĩ khác.

Nhưng có chuyện mà đến rất ít người biết là nước Việt Nam mới ở vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, ở miền Bắc quân Pháp vẫn còn mười mấy vạn, vũ khí đầy đủ, hỗn quân của Trung Hoa dân quốc hoành hành.

Chân dung Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1946 - 1951.

Mật thám Pháp dò la hàng ngày, hỗn quân Tàu Tưởng theo dõi động tĩnh của Việt Minh, đám phản động theo chân Tàu Tưởng về nước tìm cách bắt Chủ tịch Hồ Chí Minh vì thế tính mạng các họa sĩ vẽ tiền vô cùng nguy hiểm, vẽ chân dung Bác trên tiền lại càng nguy hiểm hơn, nếu bị phát hiện các họa sỹ sẽ bị thủ tiêu.

Nhưng yêu nước, khát vọng dân tộc được độc lập khiến các họa sỹ bất chấp hiểm nguy tính mạng. Và cũng nhờ các nhà tư sản yêu nước Ngô Tử Hạ, Đỗ Đình Thiện hỗ trợ in ấn, đồng tiền có chân dung Hồ Chí Minh đã được phát hành.

Khi đó người Việt Nam gọi là Giấy bạc Cụ Hồ hay Tiền Cụ Hồ, một cách gọi gần gũi, thân thương. Trong năm 1946 nhà tư sản Đỗ Đình Thiện còn theo Cụ Hồ sang Pháp đàm phán với Chính phủ Pháp để đuổi quân Tầu Tưởng về nước.

Pháp tái chiếm Việt Nam. Ngày 19/12/1946, Hồ Chủ Tịch đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Trong vùng Pháp kiểm soát, họ cấm lưu hành giấy bạc Cụ Hồ.

Nhưng khôn mấy cũng không bằng dân, dọa nạt mấy dân cũng không sợ, người Việt Nam tin tưởng Hồ Chí Minh sẽ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi mang lại độc lập, tự do thực sự cho dân tộc. Lòng tin trở thành khế ước không thành văn với cách mạng.

Bạc Đông Dương:

Kẻ thương người ghét,

Bạc Cụ Hồ: người nhét kẻ thu,

Ra tay ta chống quân thù,

Dù cho bay có đốt hết,

Thì bạc chiến khu lại ...về!

Tính từ bộ tiền năm 1946, các đồng tiền kháng chiến Nam Bộ cho đến bộ tiền polymer, hầu hết chân dung Bác đều nhìn thẳng chỉ có hai mẫu nghiêng.

Lý giải về chuyện đó họa sĩ Trần Tiến nói rằng, vẽ chân dung ở góc độ 3/4 hay 4/5 khuôn mặt dễ mô tả hình khối hơn vẽ chính diện, mặt khác nếu máy móc in cũ kỹ, công nghệ lạc hậu, giấy không đủ tiêu chuẩn thì vẽ chân dung chính diện khi in ra sẽ xấu.

Họa sĩ Nguyễn Xuân Tăng, người vẽ chân dung Bác trong 4 mệnh giá tiền polymer gồm: Tờ 20.000 đồng, 50.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng chia sẻ, vẽ chân dung chính diện của Bác là thách thức với các họa sĩ vẽ mẫu tiền.

Chân dung Bác trong tiền polymer là kết quả khi ông đi tu nghiệp ở Liên Xô năm 1989, ông vẽ đi vẽ lại và nhờ sự góp ý của các thầy, chân dung Bác mới hoàn chỉnh. Theo ông Tăng, thách thức là ở chỗ khuôn mặt người châu Á không có điểm nhấn như người châu Âu.

Sống mũi người châu Âu cao, hố mắt sâu và râu đàn ông như rễ bèo vì thế dễ vẽ. Với Bác, khó nhất là vẽ tóc và râu vì tóc và râu Bác rất thưa nên chải nét không hề dễ dàng. Nhưng khó nhất là vẽ môi, vẽ làm sao khóe môi Bác như đang cười. Còn mắt Bác phải sáng nhưng lại hiền từ, độ lượng.

Tuy nhiên, từ mẫu đến khi ra tiền luôn có khoảng cách. Bây giờ công nghệ chế bản hiện đại nên khoảng cách giữa mẫu và bản in rất gần nhau. Lợi thế nhưng cũng bất lợi, cái yếu bị lộ ra không thể chối cãi nếu khả năng chuyên môn của họa sĩ có hạn.

Xưa các họa sĩ vẽ chân dung Bác bộ tiền 1946 theo kỹ thuật truyền thống lại bí mật, in ấn cũng bí mật nên bản khắc kim loại có lỗi cũng không có điều kiện để sửa.

Rồi thời kỳ đó, công nghệ hạn chế, giấy in chỉ là loại giấy gói hàng của Nhà máy giấy Đáp Cầu. Song rất tiếc, đến nay không còn những mẫu vẽ của bộ tiền 1946 để so với đồng tiền đã in.

Từ bộ tiền năm 1951 cho đến trước năm 1991, các mệnh giá lớn hầu hết đều in ở nước ngoài, vì thế khi mẫu chân dung Bác chuyển cho họ thì họa sỹ của họ có trách nhiệm khắc lên bản kim loại.

May mắn được cùng họ chỉnh sửa thì chân dung Bác hoàn chỉnh hơn, còn không thì phải chấp nhận. Họa sĩ Nguyễn Xuân Tăng nói rằng, trong một số mệnh giá in ở nước ngoài, chân dung Bác cũng có khiếm khuyết, nhìn mắt thường không thấy nhưng soi kính lúp sẽ phát hiện được.

Chân dung Bác dù vẽ đẹp cũng chưa đủ, còn phải kích thước ra sao, đặt ở vị trí nào cho nổi bật song lại phải hài hòa, thống nhất với hình khối khác trên diện tích nhỏ bé của đồng tiền cũng là vấn đề của họa sĩ.

Nếu xếp các bộ tiền gần nhau theo thứ tự thời gian sẽ thấy chân dung Bác khác nhau. Điều này cũng dễ hiểu vì ảnh Bác dùng làm mẫu cho các họa sĩ được chụp vào những thời điểm khác nhau mà nhiếp ảnh chỉ là một lát cắt thời gian.

Tuy nhiên chân dung Bác qua các thời kỳ đều có giá trị thẩm mỹ riêng, Hình ảnh Bác lo lắng cho vận mệnh quốc gia, Bác tự tin, Bác ung dung tự tại và Bác như ông tiên trong bộ tiền polymer.

Ở bộ tiền polymer, mắt Bác sáng mà bao dung, trán Bác cao lộ rõ sự thông tuệ, tóc vuốt ngược tỏ rõ sự đàng hoàng của bậc chính nhân quân tử. Nhìn chân dung Bác trong bộ tiền polymer ở các góc độ, xa hay gần đều thấy Bác như một ông tiên. Ông tiên trong tín ngưỡng Việt Nam là bất tử, đó là thành công của bộ tiền.

Kể từ ngày 31/1/1946, ngày phát hành tiền giấy đầu tiên của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa cho đến nay là 75 năm, 75 năm qua chân dung Người in trên tiền giấy đã trở thành biểu tượng của đồng tiền Việt Nam.

Nguyễn Ngọc Tiến

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 3 (3)

Tin nổi bật