Ngày 30/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết: "Chúng tôi đã chứng minh khả năng đáp ứng của mình đối với các tiêu chuẩn của liên minh. Chúng tôi thực hiện bước đi mang tính quyết định với việc ký đơn xin nhanh chóng gia nhập NATO".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa), Thủ tướng Denys Shmyhal và Chủ tịch Quốc hội Ruslan Stefanchuk cùng chụp ảnh với văn bản yêu cầu nhanh chóng trở thành thành viên của liên minh quân sự NATO tại Kiev, Ukraine ngày 30/9 - Ảnh: Reuters.
Tuyên bố được ông Zelensky đưa ra sau khi Tổng thống Vladimir Putin thông báo Nga sáp nhập 4 tỉnh Donetsk, Lugasnk, Zaporizhzhia và Kherson ở miền Đông và miền Nam Ukraine.
Đơn xin gia nhập NATO của Kiev ngoài chữ ký của Tổng thống Zelensky còn có chữ ký của Chủ tịch Quốc hội Ukraine Ruslan Stefanchuk và Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal.
Để gia nhập NATO, Ukraine phải trải qua quá trình xét duyệt, với sự đồng thuận từ toàn bộ thành viên liên minh này. Hồi tháng 7, NATO đã khởi động quá trình xét duyệt cho Phần Lan và Thụy Điển, sau thời gian dài đàm phán và đi đến đồng thuận với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia trước đây phản đối mạnh mẽ việc kết nạp hai nước Bắc Âu.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay quyết định kết nạp Ukraine sẽ cần đến sự đồng thuận của tất cả thành viên trong khối.
“Mọi nền dân chủ ở châu Âu đều có quyền nộp đơn xin gia nhập NATO và các đồng minh NATO tôn trọng quyền đó. Cánh cửa NATO luôn rộng mở. Điều đó đã được chứng minh trong vài năm qua", ông Stoltenberg phát biểu tại buổi họp báo hôm 30/9.
Các nước Estonia, Latvia và Lithuania cho biết hoàn toàn ủng hộ quyết định nộp đơn xin gia nhập của Ukraine và chào đón nước này gia nhập NATO càng sớm càng tốt.
Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Urmas Reinsalu, Bộ trưởng Ngoại giao Latvia Edgars Rinkēvičs và nhà đồng cấp Lithuania Gabrielius Landsbergis đã đăng tải những bài viết trên Twitter với thông điệp “Ukraine sẽ giúp liên minh của chúng ta vững mạnh”.
Giới chức Nga nhiều lần nói rằng viễn cảnh Ukraine gia nhập liên minh quân sự lớn nhất thế giới NATO sẽ là một trong những “lằn ranh đỏ”, điều sẽ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh và lợi ích chiến lược của Nga.
Theo điều 5 Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương của liên minh quân sự NATO, bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một/một số thành viên của liên minh này đều bị coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh, và tất cả thành viên còn lại sẽ hỗ trợ ngay cho thành viên bị tấn công.
Mộc Miên (T/h)