Đại học Ngoại thương vừa công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm của ba phương thức: Xét học bạ, xét học bạ kết hợp chứng chỉ quốc tế và xét kết quả thi đánh giá năng lực.
Nhiều ngành Đại học Ngoại thương lấy điểm chuẩn trên 30 điểm. Ảnh minh họa
Các ngành tại trụ sở chính Hà Nội lấy điểm chuẩn cao nhất từ 24 trở lên, trong đó phổ biến mức 26 - 28. Đáng chú ý, những ngành cao nhất lấy điểm chuẩn từ 30 trở lên, gồm: Truyền thông Marketing tích hợp, Marketing số, Kinh tế đối ngoại, Thương mại quốc tế (cùng 30), Logistics và quản lý chuỗi cung ứng định hướng quốc tế (30,5) - cao nhất năm 2022.
Cơ sở TP.HCM cũng có hai ngành nhóm Marketing và Kinh doanh quốc tế lấy điểm chuẩn 30 và 30,5; đều áp dụng với thí sinh xét học bạ và có giải học sinh giỏi.
Ở phương thức tuyển sinh xét học bạ, Đại học Ngoại thương xét học bạ bậc THPT với ba nhóm thí sinh, gồm tham gia kỳ thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt giải ba trở lên kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố; là học sinh trường chuyên. Điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình năm học kỳ (trừ kỳ II lớp 12) của ba môn trong tổ hợp xét tuyển và điểm ưu tiên.
Với phương thức xét tuyển học bạ kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với học bạ hoặc SAT, ACT, điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình năm học kỳ (trừ kỳ II lớp 12) của hai môn (Toán - Lý, Toán - Văn, Toán - Hóa) cùng điểm quy đổi của chứng chỉ ngoại ngữ hoặc chứng chỉ SAT, ACT và điểm ưu tiên.
Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực, cách quy đổi điểm đánh giá năng lực về thang 30 được tính theo công thức: Điểm xét tuyển = 27 + (điểm thi - 100 (hoặc 850) *3/50 (hoặc 350) + điểm ưu tiên.
Thí sinh sẽ sử dụng công thức trừ 100, chia 50 nếu thi đánh giá năng lực tại ĐH Quốc gia Hà Nội, còn trừ 850, chia 350 nếu tham dự kỳ thi của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Bạch Hiền (t/h)