Để đảm bảo tiến độ, các địa phương bắt đầu triển khai công tác chấm thi, giữa bối cảnh dịch Covid-19 đang phức tạp trở lại, phải thực hiện song song nhiệm vụ chấm thi và phòng chống dịch.
Đảm bảo nhiệm vụ kép
Trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp trở lại, để tiến trình chấm thi tốt nghiệp đảm bảo an toàn, đúng quy chế, Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ lưu ý, do năm nay có một số điểm mới nên cán bộ giáo viên cần nắm thật chắc quy chế chấm thi, đảm bảo nguyên tắc chấm 2 vòng độc lập và thống nhất cao trong quá trình chấm. Ngoài ra, công tác phòng dịch cần được lưu tâm đặc biệt tại
khu vực chấm thi.
Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, ông Nguyễn Văn Phê - Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên - cho biết: “Năm nay, trên địa bàn tỉnh có tổng 12.826 thí sinh đăng ký dự thi. Chúng tôi mới triển khai chấm thi bắt đầu từ ngày 14/8, công tác chấm thi vừa đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế, vừa tuân thủ những quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Mỗi cán bộ, giáo viên khi đến địa điểm chấm thi, đều phải đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn bằng xà phòng, sát khuẩn khô và tuân thủ đeo khẩu trang. Trong bối cảnh năm nay, kể cả thí sinh lẫn cán bộ làm thi đều phải tập “sống chung với lũ” như thế này”.
“Vì các năm trước, số lượng giáo viên trong mỗi phòng chấm thi tự luận cũng chỉ khoảng 18 người, vẫn đảm bảo điều kiện giãn cách, nên năm nay, chúng tôi cũng không cần phải thay đổi số lượng. Theo dự kiến, ban chấm thi sẽ thực hiện nhiệm vụ đến ngày 20/8, sau đó, hoàn thành các thủ tục, gửi kết quả về bộ GD&ĐT” - ông chia sẻ.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chấm thi |
Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam, địa phương cũng xác định tinh thần thực hiện nhiệm vụ kép trong bối cảnh hiện nay: “Vì không thể nói trước khi nào mới hết dịch, nên chúng tôi quán triệt tinh thần cho toàn đội ngũ cán bộ, giáo viên luôn đề cao cảnh giác!”.
“Ngay trong ngày thi đầu tiên (ngày 9/8), công tác chuẩn bị cho chấm thi đã hoàn thành; sang đến ngày thi thứ hai (ngày10/8), trong buổi chiều, bài thi đã được chuyển về và được đưa vào khu vực làm phách. Các khâu này được thực hiện rất sát sao, đội ngũ làm phách được kiểm soát kỹ lưỡng, cách ly triệt để, trong khu vực làm phách cũng được đặt máy phá sóng và kiểm tra an ninh thật cẩn thận... Chúng tôi bắt đầu chấm thi từ ngày 12/8 và dự kiến với tiến độ như hiện nay thì việc chấm thi sẽ hoàn thành vào ngày 18/8. Năm nay, Sở điều động 284 giáo viên chấm bài tự luận và thực hiện hết sức nghiêm túc. Lực lượng cán bộ, giáo viên thì vẫn tương ứng để đảm bảo với số lượng bài thi, nhưng số lượng giáo viên trong mỗi phòng chấm thì phải giảm để đảm bảo giãn cách” - ông Hà Thanh Quốc cho hay.
“Đặc biệt, Quảng Nam kiên quyết không điều động bất cứ cán bộ chấm thi nào trong diện nguy cơ, hoặc có dấu hiệu ốm, sốt, từ triệu chứng cảm thông thường. Đã xác định sẽ tổ chức đợt thi thứ hai thì không cần phải băn khoăn, rà soát kỹ lưỡng, toàn diện, những người đi chấm thi là phải hoàn toàn khỏe mạnh, đảm bảo sức khỏe ngay từ đầu, không thể để đến khi có biểu hiện ho, sốt mới cách ly...” - vị Giám đốc Sở nhấn
mạnh.
Phân loại cán bộ chấm thi
Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, công tác chấm thi tự luận có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình diễn biến dịch. Ông Đỗ Văn Phu - Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ngãi - cho biết: “Chúng tôi mới bắt đầu chấm bài thi tự luận từ ngày 15/8; còn bài trắc nghiệm thì đã quét từ trước và dự kiến trong khoảng 2 ngày nữa, sẽ hoàn thành toàn bộ việc quét bài thi. Tổng thí sinh đăng ký dự thi trong ngày 8-10/8 là 11.565, còn lại các thí sinh sẽ tham dự kỳ thi đợt 2. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, chúng tôi đã điều chỉnh số lượng giáo viên chấm thi trong mỗi phòng để đảm bảo giãn cách, từ 24 giáo viên rút xuống dưới 20 giáo viên trong một phòng, và thực hiện nghiêm ngặt việc đeo khẩu trang”.
“Vừa rồi, có một số giáo viên thuộc diện nghi ngờ tiếp xúc thì sở GD&ĐT đã tách riêng, lực lượng này sẽ phụ trách chấm bài phúc khảo” - ông Đỗ Văn Phu thông tin thêm.
Đắk Lắk cũng là một trong những địa phương có đông thí sinh tham dự kỳ thi đợt 2. Ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk - cho biết: “Chúng tôi chính thức chấm thi đồng thời cả tự luận và trắc nghiệm từ ngày 13/8. Năm nay, bên cạnh việc chấm thi nghiêm túc, khách quan, minh bạch, thì việc đảm bảo phòng chống dịch cũng được quán triệt nghiêm ngặt đến cán bộ chấm thi. Sau khi có thông tin hơn 5.000 thí sinh phải tham gia thi tốt nghiệp THPT đợt 2, chúng tôi cũng có sự điều chỉnh về đội ngũ cán bộ giáo viên chấm thi cho phù hợp, giảm số lượng giáo viên để vẫn đảm bảo đủ lực lượng chấm bài vừa đảm bảo giãn cách”.
Tại hội đồng thi sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, 160 giáo viên chấm tự luận đang đóng vai trò là người quyết định vận mệnh bài thi tự luận của 18.700 thí sinh. Ông Cao Xuân Hùng - Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Nam Định - cho biết: “Mỗi phòng thi phân chia từ 15 - 20 giáo viên chấm tự luận để đảm bảo giãn cách. Mặc dù những ngày qua, trên địa bàn chưa xuất hiện thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng, nhưng sở GD&ĐT vẫn luôn nhắc nhở đội ngũ cán bộ giáo viên vừa làm nhiệm vụ nghiêm túc, khách quan, minh bạch, vừa tăng cường cảnh giác hơn, vì sức khỏe là quan trọng nhất”.
Sẵn sàng phòng cách ly cho cán bộ chấm thi Phó Giám đốc sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang, cho biết, cán bộ chấm thi thực hiện nghiêm theo đúng quy chế và các hướng dẫn của bộ GD&ĐT. Khu vực chấm thi được đảm bảo an ninh, có lắp đặt camera giám sát 24/24h tại các địa điểm quy định. Khẩu trang, nước sát khuẩn, xà phòng, nhiệt kế điện tử... cũng được trang bị đầy đủ, phục vụ cán bộ chấm thi để đảm bảo yêu cầu phòng dịch. Năm nay, Sở đã điều động 516 cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi và chia thành 24 tổ chấm ở 24 phòng. Tại khu vực chấm thi, bố trí 1 phòng dự phòng để cách ly nếu có cán bộ chấm thi nào có biểu hiện ho, sốt, khó thở..." |
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Hai (131)