Lò làm đậu phụ... cần gì phải rộng?
Để có thể đột nhập tường tận vào lò sản xuất đậu phụ trong một khu chợ có đường liên xã tại Hà Đông, chúng tôi phải đóng vai một người muốn đi nhập đậu phụ về bán lẻ cho gia đình. Gần 7 giờ sáng, như kế hoạch đã hẹn, chúng tôi có mặt trước cửa lò sản xuất đậu phụ này. Vì mới là đầu giờ sáng nên vợ chồng chủ lò vô cùng bận rộn để chuẩn bị liên tiếp co những mẻ đậu ra lò kịp bán sớm mai cho người dân nơi đây.
Lò làm đậu phụ nhà anh chị N ở Hà Đông |
Chủ lò sản xuất đậu phụ này là anh chị N năm nay chừng hơn 40 tuổi. Qua hỏi chuyện chúng tôi được biết, anh chị N là người quê ở Bắc Ninh. Là người tỉnh lẻ, nhưng đã gần chục năm nay, anh chị N thuê địa điểm này để sản xuất đậu phụ phục vụ cho dân vùng quanh đây và bán cho những công ty, trường học, hàng ăn trên địa bàn.
Giới thiệu về đậu phụ do nhà mình sản xuất, chị N – chủ lò đậu quảng cáo: “Các anh chị cứ yên tâm khi lấy đậu ở đây. Đậu nhà chị nổi tiếng ngon ở đây ai cũng chuộng. Giá lại rẻ nữa. Bìa đậu như này mà chúng tôi bán lẻ với giá 2000 đồng/chiếc. Nếu chú lấy về bán, chúng tôi sẽ có giá hữu nghị".
Như sợ người đi nhập đậu phụ về bán lẻ chưa tin tưởng, chị N cho biết thêm: "Nhà tôi có nhiều mối lấy đậu lắm. Một ngày, nhà tôi phải cử một người chuyên giao cho các nhà bán lẻ đậu ở các chợ, các ngõ. Những quán bia, quán cơm, công ty, trường học quanh địa bàn này cũng chỉ tin tưởng đặt mua ở nhà tôi vì đậu nhà tôi vừa mềm, ngậy lại thơm ngon”.
Theo lời chủ lò sản xuất làm đậu phụ này, một ngày anh chị phải sản xuất gần tạ yến đậu để giao trên địa bàn và phục vụ cho việc bán lẻ ngay tại chợ. Thấy anh chị N sản xuất 1 khối lượng lớn như vậy mà trong không gian kiot quá chật chội, tôi hỏi: "Nhà chị có lò ở đâu nữa không? Nhìn cái gian này bé và tối quá".
Nhận rõ sự ái ngại của tôi, chị N giải thích thêm: “Chú không tin à? Hàng ngày để sản xuất cho kịp đậu giao các nơi và phục vụ bà con tại chợ này, vợ chồng tôi toàn phải dậy từ 2 giờ sáng để làm cho kịp. Với lại lò làm đậu cần gì phải rộng rãi cho mất 1 khoản tiền thuê trọ đắt đỏ ra”.
Chị chủ lò sản xuất đậu cũng cho biết thêm, hiện nay không phải chỉ gia đình chị mới thuê nơi sản xuất chật hẹp như này mà hầu hết những hộ sản xuất đậu phụ ở Bắc Ninh khi đến bất cứ nơi nào làm đậu cũng đều thế. Như nhà chị N, căn nhà cấp 4 này chỉ khoảng hơn 4m2 nhưng được cơi làm 2 tầng. Tầng 1 và mặt tiền là nơi anh chị sản xuất đậu phụ và bày bán. Tầng 2 là gác xép được cơi ra để chị và các con ngủ nghỉ sinh hoạt hàng ngày.
“Quanh năm, nhà tôi vẫn làm đậu phụ và sống trên cái lồng chim này đây có sao đâu. Chỉ thấy hơi nóng và nồng nặc mùi than tí thôi. Làm đậu mà, chỉ cần chỗ kinh doanh theo kiểu thủ công, nhỏ lẻ. Với lại, chỉ cần có mặt tiền để bán đậu đắt khách chứ cần gì chú ý đến nơi sản xuất đậu. Miễn sao, đậu khi pha chế phải ngon, ngậy và mềm là được” - Chị N giải thích thêm.
“Hậu trường” lò làm đậu phụ nhếch nhác
Trong cái lò đậu chưa đầy 5m2 chật hẹp, nhếch nhác này, anh chị N bày la liệt đủ thứ dụng cụ để phục vụ các công đoạn làm đậu. Nào xô, chậu, thùng nhựa, cối xay… Song mọi vật dụng này đều cáu bẩn, đen xì vì không được chủ nhà cọ rửa thường xuyên.
|
Đặc biệt, nền nhà của lò sản xuất đậu phụ này lúc nào cũng ướt nhèm nước. Bã đậu và nước đậu tràn, vung vãi khắp nơi. Còn anh chị N - người trực tiếp làm đậu thì lúc nào cũng phải đi ủng cao su làm hàng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, gian hàng sản xuất đậu này có không gian tối tăm chật chội với đủ các loại mùi bốc lên nồng nặc. Mùi nước chua, mùi đỗ tương ngâm qua đêm, mùi đậu, mùi cống rãnh gần chợ.
Chúng tôi còn tận mắt thấy con gái ông chủ lò ra phụ giúp bố mẹ. Dù chiếc gáo nhựa đã vứt xuống đất rồi nhưng khi làm tào phớ, cô gái trẻ này vẫn tiện tay vục luôn vào chậu nước đậu để múc ra làm hàng.
Bên cạnh đó, nhà anh chị N chỉ có 3 người làm đậu nên mỗi sáng, mọi việc xoay như chong chóng. Nhất là khi chị N đến giờ đi giao hàng cho các mối, 2 bố con anh N phải làm hết mọi việc bằng tay trần. Lúc thì họ thoăn thoắt cho ra bàn đậu mẻ đậu mới. Lúc lại tay trần vừa đóng nước đậu, tào phớ. Lúc lại xúc than cho vào lò… Lúc lại đứng bán hàng lấy đậu cho khách. Điều đáng nói là tất cả các công việc này được họ làm bằng tay không mà không thấy sử dụng bao tay để đảm bảo vệ sinh.
Vừa làm đậu phụ, chủ lò tranh thủ làm luôn cả tào phớ kiếm thêm |
Phân trần về điều này, chồng chị N nói: “Làm sao đi bao tay được, làm bận như thế, một mình lại phải làm bao công đoạn nên không có thời gian mà dừng lại. Với lại, đi bao tay sao mà làm được đậu chứ. Làm cái gì cũng chỉ khuất mắt trông coi thôi chú ơi".
Chỉ vào những vật dụng làm hàng, chủ lò cũng bảo: “Nhìn chúng cáu bẩn thế thôi nhưng có sao đâu. Ngày nào chúng tôi khi làm xong cũng rửa xong chỉ rửa qua thôi vì sáng mai lại lấy ra làm rồi. Chưa thấy ai kêu ca về việc đậu nhà tôi thế này thế nọ cả. Các chú có lấy được thì lấy không thì thôi. Cứ đi tham khảo thoải mái giá cả chú nhé. Chứ làm đậu phụ, lò nhà ai chả giống nhà ai”.