Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nhà Trắng và loạt câu hỏi về việc "ai sai" trong cuộc khủng hoảng tại Afghanistan

(DS&PL) -

Dù Mỹ đã hoàn tất kế hoạch rút quân về nước nhưng những thành viên trong nội các của Tổng thống Joe Biden vẫn phải đối mặt với câu hỏi "ai sai" trước sự hỗn loạn tại Afghanistan.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Phát biểu về những thất bại của Mỹ sau khi rút quân khỏi Afghanistan, Ngoại trưởng Antony Blinken từng cho biết: "Việc đánh giá nội bộ, xem xét những thứ đã xảy ra từ khi bắt đầu tới lúc kết thúc và các điểm cần cải thiện, chúng ta có thể làm tốt hơn, chúng ta có thể tìm ra lỗ hổng hoặc điểm yếu và khắc phục chúng".

Tuy nhiên, những quan chức chính quyền và thành viên Quốc hội Mỹ không đợi tới khi quá trình "phân tích" hoàn tất và đã bắt đầu chĩa mũi nhọn lẫn nhau về sự sụp đổ của Afghanistan. Trong đó, Nhà Trắng đã công khai đổ lỗi cho nhiều yếu tố bên ngoài, bao gồm thỏa thuận tháng 2/2020 của cựu Tổng thống Donald Trump với Taliban và chính lực lượng an ninh Afghanistan, những người mà Tổng thống Joe Biden và các phụ tá của ông cho rằng đã từ chối chiến đấu cho đất nước của họ.

Ngoài ra, các quan chức chính quyền đương nhiệm Mỹ nói rằng cộng đồng tình báo cần nhận trách nhiệm trong sự việc này vì đã không thể dự đoán chính xác sự sụp đổ nhanh chóng của Afghanistan. Tuy nhiên, điều này đã khiến Nhà Trắng vấp phải sự chỉ trích các quan chức tình báo và các nhà lập pháp 2 đảng. Họ lên án việc các quan chức chính quyền Tổng thống Biden cố gắng lôi tình báo làm "bia đỡ đạn". 

Ngoại trưởng Antony Blinken cùng nhiều quan chức khác có liên quan tới kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan là mục tiêu bị chỉ trích gay gắt. Ảnh: Bloomberg

Họ cho rằng chính Hội đồng An ninh và Bộ Ngoại giao là những người đã phớt lờ đánh giá tình báo về khả năng sụp đổ nhanh chóng của chính phủ Afghanistan từ trước. Trong khi đó, Nhà Trắng được cho là đã bác bỏ đề xuất của Lầu Năm Góc về việc duy trì lực lượng quân đội Mỹ tại Afghanistan trước khi Tổng thống Biden thông báo đợt rút quân đầu tiên vào tháng 4/2021. 

Một quan chức tình báo cấp cao lưu ý rằng việc Taliban tiếp quản nhanh chóng Kabul vốn đã được trình bày nhất quán với các nhà hoạch định chính sách như một khả năng có thể xảy ra. Tuy nhiên, Tổng thống Biden và Hội đồng An ninh quốc gia đã lựa chọn những đánh giá lạc quan hơn rằng chính phủ Afghanistan có khả năng cầm cự được trong khoảng 1 năm kể từ khi Mỹ rút quân. 

Cuộc tranh cãi phía hậu trường nhiều khả năng sẽ tràn ra trước mắt công chúng. Trong đó, các nhà lập pháp từ cả 2 đảng đã chuẩn bị cho các cuộc điều trần công khai, sẽ bắt đầu trong tháng 9, về cách Nhà Trắng xử lý kế hoạch rút quân.

Các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của ông Biden bao gồm cả Cố vấn an ninh Jake Sullivan, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley đều là mục tiêu chỉ trích khi tình hình ở Afghanistan ngày càng xấu đi. Một số thành viên Đảng Cộng hòa đã kêu gọi họ từ chức và họ có khả năng sẽ phải đến Đồi Capitol điều trần về trách nhiệm của mình trong những tuần tới. 

Nhà Trắng đoàn kết hơn

Quan chức cấp cao Mỹ cho biết các cuộc họp với Tổng thống Joe Biden không đề cập tới việc sa thải hay bãi nhiệm ai. Thay vào đó, các thành viên Nhà Trắng hiện đang đoàn kết và hỗ trợ Cố vấn an ninh Jake Sullivan để ông hoàn thành công việc tốt nhất có thể thay vì chỉ trích và chĩa mũi nhọn vào phía ông.

Trong đó, một quan chức bình luận: "Chúng tôi không phải Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Trump". 

Nhà Trắng đang theo sát và xem xét những lời chỉ trích, đặc biệt là từ các góc độ của đảng Dân chủ về vấn đề trên. Các quan chức nói rằng họ cũng đã lường trước về các cuộc điều trần và điều tra về kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan, họ biết ít nhất trong thời điểm hiện tại, đảng Dân chủ vẫn đang có lợi thế tại 2 viện.

Trong bối cảnh bị chỉ trích gay gắt, những ngày gần đây, Nhà Trắng đã gọi điện cho các nhà lập pháp Dân chủ - bao gồm cả Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, Thượng nghị sĩ Mark Warner đến từ bang Virginia, kêu gọi họ công khai bảo vệ quyết định rút quân của chính quyền trước công chúng. 

Tổng thống Joe Biden đến nay vẫn bảo vệ quyết định rút quân khỏi Afghanistan. Ảnh: Politico

Tuy nhiên, sau những gì đã xảy ra, một lời ủng hộ công khai như vậy là điều khó có được. Trong khi đó, ông Mark Warner và Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Bob Menendez của New Jersey, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đều lên án gay gắt hoạt động sơ tán và cả hai đều không công khai bảo vệ Tổng thống Biden. 

Ngay cả đồng minh thân cận nhất của ông Biden tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Chris Coons của Delaware, đã thể hiện sự ủng hộ đối với "một cuộc đánh giá kỹ lưỡng sau hoạt động của chính quyền về sự sụp đổ nhanh chóng của quân đội và chính phủ Afghanistan".

Tuy nhiên cũng có một số người đã đứng lên bảo vệ ông Biden. Trong đó, Thượng nghị sĩ Chris Murphy nhận định: "Khi Quốc hội tiến hành cuộc đánh giá này, tôi muốn đảm bảo đó là quá trình trong 20 năm chứ không chỉ trong 2 tháng qua. Tôi cho rằng niềm tin vào một kế hoạch rút quân không gây thiệt hại và hoảng loạn là điều khá viển vông đã giữ chúng ta ở lại đó trong hơn 10 năm, ngay cả khi chính những người Afghanistan không chủ động đứng dậy đấu tranh vì chính họ".

Trong bài phát biểu đánh dấu ngày Mỹ hoàn tất việc rút quân, Tổng thống Biden cho biết ông không có kế hoạch "kéo dài mãi mãi" sự hiện diện của Washington tại Afghanistan. Ông chủ Nhà Trắng chia sẻ kế hoạch của ông được xây dựng dựa trên giả định 300.000 binh sĩ Afghanistan được Mỹ đào tạo đủ mạnh mẽ để chống lại Taliban. Tuy nhiên, theo lời tổng thống: "Giả định đó - rằng chính phủ Afghanistan vẫn có thể giữ vững được một thời gian sau khi Mỹ rút quân - hóa ra không chính xác".

Minh Hạnh (Theo CNN)

Tin nổi bật