Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nguyên Thứ trưởng bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh: Cơ hội đi tiếp của Việt Nam

(DS&PL) -

Năm 2021 Covid-19 tiếp tục phủ bóng lên toàn cầu và dù nhận thức về cơn địa chấn "vô tiền khoáng hậu" này có tăng lên nhưng những chuyển biến khó lường, phức tạp của nó cũng đã khiến thế giới có thêm một năm đầy khó khăn và thách thức. Nhìn lại toàn cảnh bức tranh năm 2021, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã có những phân tích, đánh giá về dòng chảy của thế giới và cơ hội của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu cùng Tạp chí Đời sống và Pháp luật.

Từ bức tranh thế giới năm Covid thứ hai…

ĐS&PL: Nhìn lại năm 2021, từ diễn đàn quốc tế cho đến chính sách của mỗi quốc gia và thậm chí là trong câu chuyện của mỗi người dân, “Covid-19” có lẽ là từ khóa phổ biến và có sức ảnh hưởng lớn nhất. Thưa Đại sứ, ông có thể đưa ra vài nét phác họa chung nhất về bức tranh thế giới trong năm Covid thứ hai?

Ông Phạm Quang Vinh: Năm 2021 tôi cho rằng có nhiều điểm cần phải nhắc đến và điểm chung là tất cả đều bởi dịch bệnh và những chuyển dịch địa chính trị đã tạo nên những sự thay đổi.

Thứ nhất, Covid-19 đã khiến tất cả mọi quốc gia, nước giàu, nước nghèo, nước lớn, nước nhỏ rơi vào thảm cảnh. Và từ chỗ chúng ta chưa biết ứng xử ra sao trước dịch bệnh, thì đến nay đã có thể chắc chắn một điều rằng con đường để ứng xử phải có kết hợp đan xen giữa vắc-xin và hệ thống phòng vệ về y tế.

Thứ hai, vì đại dịch kéo dài, do đó cần xác định không thể loại bỏ hoàn toàn dịch bệnh, chỉ còn cách sống chung. Nghĩa là phải vừa đảm bảo ứng phó được với dịch bệnh, trong đó vấn đề quan trọng là hạn chế tối đa thiệt hại về người, đồng thời duy trì các hoạt động kinh tế xã hội, đây là điều chưa từng có tiền lệ.

Thứ ba, việc đại dịch kéo dài đã tác động đến tất cả hoạt động toàn cầu cả về phương diện chính trị lẫn kinh tế. Về chính trị, rõ ràng ta phải thích ứng với những hình thức, phương thức mới, đơn cử như họp trực tuyến thay vì trực tiếp, hiện tại là kết hợp cả hai hình thức, như vậy mới có thể giải quyết được những vấn đề toàn cầu. Về kinh tế, tác động lớn nhất chính là Covid gây nên đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, hoạt động giao thương giữa các quốc gia đều bị tác động mạnh mẽ.

Thứ tư, Covid buộc con người ta phải hợp tác với nhau nhiều hơn. Bởi dịch bệnh không chừa một ai, trong một thế giới giao lưu, tương tác với nhau ngày càng nhiều hơn, thì không một cá nhân, tổ chức nào có thể sống biệt lập.

Thực tế, năm 2021 cũng đã chứng kiến sự trở lại của những hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương, yêu cầu mọi quốc gia cần phối hợp với nhau nhiều hơn, nhất là những vấn đề về y tế để chống dịch thật hiệu quả.

Đại sứ Phạm Quang Vinh. Ảnh: Hữu Thắng

ĐS&PL: Dưới góc nhìn của người nhiều năm theo dõi chính trị quốc tế, ông cho rằng đâu là vấn đề đã được dấy lên cho mọi quốc gia như một hồi chuông cảnh tỉnh trong năm qua?

Ông Phạm Quang Vinh: Chắc chắn đó là vấn đề quản trị ở cấp độ toàn cầu. Phải chấp nhận sự thật rằng, có những thách thức an ninh phi truyền thống đặc biệt là những vấn đề đại dịch vừa qua đã bộc lộ ra, mà không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự giải quyết được, bắt buộc phải phối hợp, liên kết với nhau.

Chúng ta cứ nghĩ rằng quản trị toàn cầu trong thời gian vừa qua, tưởng như đã là tốt, đã là hoàn thiện, nhưng nhờ có Covid đã bộc lộ ra được những khiếm khuyết của việc quản trị ở tất cả các cấp toàn cầu, khu vực, quốc gia.

Rõ ràng, giai đoạn đầu Covid, thế giới không có được sự hợp tác với nhau trong ứng phó với dịch bệnh, các tổ chức Liên Hợp Quốc trong đó có cả WHO đã có nhiều sự nỗ lực, tuy nhiên các nước đều không có sự phối hợp nhịp nhàng.

Đối với cấp khu vực, ngay cả những tổ chức liên kết gồm nhiều nước phát triển như EU cũng không thể thống nhất phương án ứng phó hiệu quả với Covid.

Bài học đặt ra là phải cải tiến lại quản trị toàn cầu, các nước phải hợp tác với nhau nhiều hơn và rõ ràng trong điều kiện dịch bệnh khẩn cấp, rất cần thiết việc loại bỏ những yêu cầu về chính trị hay cạnh tranh nước lớn, do đó việc xây dựng lòng tin, hợp tác nhân đạo, hợp tác ứng phó là lớn hơn rất nhiều.

…đến tương lai của thế giới “hậu Covid”

ĐS&PL: “Thế giới hậu Covid” cũng là điều rất được quan tâm. Theo ông, đâu sẽ là những xu thế, đặc điểm của “thế giới hậu Covid-19”?

Ông Phạm Quang Vinh: Trong 2 năm qua đã có rất nhiều đánh giá và dự báo của các chuyên gia đặc biệt là các nhà phân tích quan hệ và chính trị quốc tế. Đánh giá tổng quát nhất cho thấy Covid-19 đã làm trật tự quốc tế bộc lộ một cách sâu sắc hơn thay vì nói rằng tạo ra một trật tự mới. Bởi khi đại dịch bùng nổ đã làm cho những vấn đề mà trước đây chúng ta chưa rõ thì lại càng rõ hơn. Vậy trật tự quốc tế có những gì và Covid đã làm bộc lộ rõ hơn như thế nào?

Thứ nhất, xu hướng toàn cầu hoá và chủ nghĩa đa phương đang gặp phải những thách thức nhưng vẫn là xu hướng rất quan trọng. Bởi thế giới ngày nay tương tác và phụ thuộc lẫn nhau rất nhiều, các nền kinh tế đều có sự đan xen và được hưởng lợi từ chính sự đan xen. Bên cạnh đó, Covid-19 còn sẽ làm bộc lộ rõ hiện trạng đặc biệt là những khiếm khuyết của quản trị ở cả cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia như tôi phân tích ở trên.

Thứ hai, cạnh tranh nước lớn diễn biến ngày càng phức tạp, quyết liệt hơn, đặc biệt là cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung. Đây là quá trình diễn ra từ trước Covid, nhưng trong thời gian vừa qua lại càng bộc lộ nhiều hơn xuất phát từ cả tác nhân chính trị lẫn tác nhân Covid. Trong đó, cạnh tranh Mỹ - Trung là cuộc cạnh tranh giữa cường quốc số 1 và số 2, giữa một nước Mỹ “bừng tỉnh” về thách thức đối với ngôi vị số 1 và toàn cầu của mình với một Trung Quốc bỏ “giấu mình chờ thời” không chấp nhận thua thiệt.

Thứ ba, là câu chuyện về công nghệ. Cách mạng khoa học công nghệ (KHCN) đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và đã tạo ra động lực cho sự phát triển của mỗi một quốc gia, cũng như sự phát triển chung của thế giới. Nhưng qua đại dịch, con người nhận ra không chỉ có nhu cầu mà còn bắt buộc phải ứng dụng nhiều hơn thành tựu của KHCN vào đời sống.

Đồng thời, chúng ta thấy rất rõ nếu không bắt kịp với sự phát triển của KHCN thì sự tụt hậu của mỗi quốc gia lại càng gia tăng nhiều hơn. Nếu trước đây là cơ khí chế tạo, thì 5-10 năm có thể rơi vào tụt hậu, nhưng với KHCN thì là tụt hậu hằng ngày.

Thứ tư, sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng sẽ mạnh hơn, nhanh hơn và sâu sắc hơn rất nhiều. Trước đây, yếu tố quy luật kinh tế chi phối việc chuyển dịch các chuỗi cung ứng. Nhưng hiện nay, đại dịch đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng sẵn có và có thể tạo ra những dịch chuyển mới của chuỗi cung ứng. Điều đó là chưa kể tác động của cạnh tranh nước lớn mà chiến tranh thương mại là một trường hợp nhãn tiền. Và câu hỏi đặt ra lúc này là các chuỗi cung ứng đó sẽ dịch chuyển đi đâu và làm thế nào để các quốc gia như Việt Nam có thể đón đầu được sự dịch chuyển đó.

Cuộc cạnh tranh giữa những “người khổng lồ”

ĐS&PL: Ông vừa chia sẻ về xu thế cạnh tranh giữa các nước lớn, cụ thể là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc trong “thế giới hậu Covid”, điều này cũng có nhiều chuyển biến do sự thay đổi chính quyền của Mỹ. Xin ông cho biết điểm giống và khác biệt của mối quan hệ này khi so sánh với thời kỳ chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Donald Trump?

Ông Phạm Quang Vinh: Cạnh tranh Mỹ - Trung là cạnh tranh về mặt lợi ích và ngôi vị. Thực tế từ năm 1972 với việc thiết lập quan hệ chính thức đến nay, nước Mỹ đã phải thực sự nhìn nhận về một Trung Quốc đang vươn lên. Nhưng có lẽ chuyển biến lớn nhất dưới thời Donald Trump và Joe Biden đó là việc nhìn nhận Trung Quốc đã vượt tầm kiểm soát của Mỹ và có thể thay thế Mỹ, đó có thể gọi như sự thức tỉnh của nước Mỹ về nguy cơ Trung Quốc.

Nếu như ông Donald Trump đưa Trung Quốc trở thành vấn đề nghị sự hàng đầu trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ rất “giật gân" đặc biệt trong những giai đoạn chiến tranh thương mại, thì Tổng thống Joe Biden đã tổng hợp tất cả những điều đó bao gồm việc thừa kế cả của Obama, Donald Trump đồng thời có sự khác biệt.

Dưới thời Joe Biden, nước Mỹ đã nhấn mạnh việc coi Trung Quốc là "thách thức địa chính trị lớn nhất mà Mỹ đối mặt trong thế kỷ XXI". Cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng Trung Quốc hiện là quốc gia duy nhất có đủ sức mạnh về kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để đe dọa đến ngôi vị của Mỹ và hệ thống quốc tế hiện hành. Bên cạnh đó là việc xác định đây là cuộc cạnh tranh chiến lược trên mọi mặt của lợi ích.

Minh Quốc - Minh Uyên

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số gộp

Tin nổi bật