(ĐSPL) – Theo các chuyên gia, việc tắm bể bơi khi quá đông người tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng ta.
Những ngày gần đây, sự kiện công viên nước Hồ Tây mở cửa miễn phí ngày 19/4 khiến cho hàng chục nghìn người chen lấn, vượt qua hàng rào sắt để vào đã gây ra những luồng tranh cãi gay gắt trong dư luận.
Được biết, sức chứa của công viên nước Hồ Tây chỉ khoảng 2000 người. Tuy nhiên, số lượng hàng chục nghìn người kéo tới công viên nước ngày 19/4 đã vượt quá mức quy định dẫn đến những hậu quả không nhỏ cả về mặt an ninh lẫn sức khỏe của người dân.
Nguy hiểm khi tắm ở bể bơi quá tải. Ảnh minh họa. |
Theo đó nhiều người, đặc biệt là các chuyên gia về sức khỏe tỏ ra rất lo ngại về mức độ nguy hiểm đối với sức khỏe của con người khi tắm bể bơi quá tải do nguồn nước không đảm bảo. Dưới đây là tổng hợp một số căn bệnh chúng ta dễ mắc phải khi tắm bể bơi quá tải.
Chia sẻ trên báo An ninh Thủ đô, Tiến sĩ Vũ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, tình trạng quá tải do lượng người quá đông sẽ dẫn đến ô nhiễm nguồn nước và nguy cơ mắc bệnh da liễu là rất cao. Bác sĩ Vũ Mạnh Hùng cảnh báo, các bệnh lây truyền qua da vốn rất dễ lây do làn da khá mỏng, nhất là trẻ em nên dễ bị vi khuẩn xâm nhập.
Tiến sỹ giải thích, lúc này, nồng độ vi khuẩn trong nước sẽ cao vượt mức cho phép, dễ gây ra các phản ứng viêm da, viêm nang lông, viêm lỗ chân lông với những biểu hiện có thể gặp tức thì như ngứa, sần sùi nốt đỏ. Nguy hiểm hơn là trong số rất nhiều người có thể có những người bị bệnh ngoài da, đây sẽ là nguồn phát tán mầm bệnh nguy hiểm ra môi trường nước thông qua làn da tiếp xúc trực tiếp với nước, qua nước bọt, thậm chí nước tiểu vào trong nước bể bơi. Đặc biệt, nếu có người bị nấm da thì sẽ rất dễ lây truyền, phát tán bệnh bởi loại nấm có thể bám vào quần áo, vào kính bơi của những người khác tắm chung bể bơi.
Cũng theo Tiến sĩ Hùng, khi tắm bể bơi quá tải, các loại vi khuẩn phát tán từ người bệnh, lan truyền trong môi trường nước còn có thể xâm nhập vào người khác thông qua nhiều con đường khác nhau, như uống phải nước bể bơi khi bơi, nên ngoài các bệnh da liễu thì việc tắm chung ở các bể bơi có môi trường nước không đảm bảo, bị ô nhiễm còn có thể mắc phải nhiều bệnh lý khác như bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp...
Đặc biệt, khuẩn E. Coli trong bể bơi có thể khiến bạn mắc bệnh tiêu chảy cấp. Bơi lội ở bể bơi đông đúc và không vệ sinh làm bạn có thể nhiễm lỵ trực khuẩn, viêm dạ dày, viêm ruột cấp. Nguồn nước ô nhiễm khiến các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể bạn và gây ra các triệu chứng của bệnh như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy.
Liên quan về vấn đề nguy hiểm khi tắm ở bể bơi quá tải, báo Sức khỏe Đời sống cho hay, khi bơi lội ở nơi có nguồn nước không vệ sinh, bạn rất dễ mắc phải những bệnh như đau mắt đỏ, viêm hạt mắt hay lậu mắt... Đặc biệt, những nơi gần các khu công nghiệp, chất thải từ các khu công nghiệp có thể khiến nguy cơ mắc các bệnh về mắt tăng cao.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, để phòng bệnh cho mình và cộng đồng, những người mắc bệnh ngoài da, đau mắt đỏ, quai bị… không nên tắm bể bơi công cộng.
Khi tắm trong bể bơi mất vệ sinh, các vi khuẩn, nấm mốc trong hồ bơi có thể đọng lại ở tai. Các bệnh lý ống tai sinh ra do môi trường viêm nhiễm gây ra các cơn đau nhức, ngứa ngáy khó chịu. Tai có thể chảy nước vàng, mủ, viêm tai ngoài và nguy hiểm là giảm thính lực nếu không được xử lý đúng cách.
Tắm ở bể bơi không hợp vệ sinh có thể tăng nguy cơ mắc bệnh phụ khoa. Ảnh minh hoa. |
Khi tắm ở bê bơi quá tải, một nguy hiểm mà nhiều chị em không ngờ tới đó là nguy cơ viêm nhiễm âm đạo và mắc một số bệnh phụ khoa khác. Đây là hệ quả của việc mặc đồ bơi ẩm ướt trong thời gian dài. Thêm vào đó, vi khuẩn tại các bể bơi đông đúc thường sinh sôi dễ dàng và tấn công. Đặc biệt, là những vi khuẩn từ người vốn đang mang bệnh viêm âm đạo.
Điều đáng nói là, những bệnh phụ khoa có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm tử cung, tắc vòi trứng… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ sinh sản và tính mạng của nữ giới.
Đây cũng là một trong những bệnh có thể mắc phải khi bơi lội ở những bể bơi kém chất lượng, nguồn nước bị ô nhiễm. Lý do bạn có thể bị nhiễm trùng bàng quang là do mặc quần áo ướt và ngâm mình quá lâu trong nước, những vi khuẩn dễ dàng xâm nhập gây ra các triêu chứng sau đó như tiểu buốt, hay thậm chí là tiểu ra máu…
Theo Thông tư 02 của Bộ VH-TT&DL, các bể bơi phải đảm bảo thay nước, cọ rửa và khử trùng nước theo quy định, tối thiểu 1 lần/ngày đối với các bể̀ bơi có hệ thống lọc tuần hoàn. Hàm lượng chất vẩn đục không lớn hơn 2 mg/l đối với bể bơi ngoài trời, không lớn hơn 1 mg/l cho bể bơi trong nhà; hàm lượng Amoniac, Clorua không lớn hơn 0,5 mg/l… Đối với người dân, các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng bệnh cho mình và cộng đồng, bạn nên: - Lựa chọn bể bơi có chất lượng tốt, không quá đông đúc. - Trước khi bơi nên tắm qua và không phóng uế, khạc nhổ trong lúc bơi, trang bị kính bơi để bảo vệ mắt và tắm lại bằng nước máy, xà phòng diệt khuẩn sạch sẽ, vệ sinh tai mũi ngay sau khi bơi, thay quần áo khô và tắm lại khi về nhà. - Những người mắc bệnh ngoài da, đau mắt đỏ, quai bị… không nên tắm bể bơi công cộng. - Để tránh những bệnh phụ khoa, bạn nên hạn chế đi bơi trong ngày 'đèn đỏ', những lúc "cô bé" khả năng tự vệ kém... Nếu phát hiện những dấu hiệu lạ ở 'vùng kín' cần nhanh chóng đi khám bác sỹ. |
MẠC NHIÊN (Tổng hợp)
Xem thêm Clip: Thiếu nữ ngất xỉu ở Công viên nước Hồ Tây