Nguy cơ mất trắng tài sản
Với lãi suất cho vay “cắt cổ” và đòi nợ theo kiểu xã hội đen, tín dụng đen trở thành vấn đề gây nhức nhối trong xã hội thời gian qua. Nhiều gia đình tan nát, mất nhà cửa, tài sản, lâm cảnh khốn cùng... vì tín dụng đen.
Hệ lụy từ “tín dụng đen” khiến nhiều người lâm cảnh khốn cùng.
Trước sự phát triển của xã hội, thấy rằng kinh doanh dịch vụ là xu hướng tất yếu nên bà Ngát (ở quận Đống Đa, Hà Nội, tên đã thay đổi) quyết định phá bỏ ngôi nhà cũ trên diện tích gần 100m2 xây nhà nghỉ để kinh doanh. Khi xây dựng, do thiếu vốn, bà vay ngân hàng 1,2 tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng. Tuy nhiên, khi nhà xây xong thì cũng là lúc dịch Covid-19 bủa vây, nhà nghỉ của bà Ngát phải đóng cửa. Không có khách, đồng nghĩa với việc bà Ngát không có tiền trả nợ ngân hàng, cả gốc lẫn lãi khoảng 1,5 tỷ đồng.
Nghe lời khuyên của một số người, bà Ngát vay 1,5 tỷ đồng của một nhóm tín dụng đen để đáo hạn ngân hàng, tránh nợ xấu. Khi vay, bà Ngát phải cầm sổ đỏ ngôi nhà. Tuy nhiên sau đó bà Ngát không có tiền để trả nợ khoản vay của nhóm người này.
Từ 1,5 tỷ đồng vay ban đầu của tín dụng đen, đến nay lãi mẹ đẻ lãi con, bà Ngát đang gánh chịu số nợ tới hơn 15 tỷ đồng và có nguy cơ mất ngôi nhà cả cuộc đời gây dựng. Các đối tượng cho vay ép bà phải giao lại ngôi nhà. Sổ đỏ đã bị cầm cố nên bà không thể vay thế chấp ở ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính hợp pháp. Người phụ nữ cay đắng nhận ra rằng đã quá mất cảnh giác khi tìm đến tín dụng đen để vay tiền.
Quyết tâm đẩy lùi tín dụng đen
Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Phạm Văn Thuận – Công ty Luật Bảo Tín (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: “Những hệ lụy từ tín dụng đen là vô cùng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe và tính mạng của rất nhiều người dân khi bị cuốn vào vòng xoáy tín dụng đen.
Luật sư Phạm Văn Thuận – Công ty Luật Bảo Tín.
Các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, thời gian qua tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen xảy ra tại nhiều địa phương với những thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp. Cùng với việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, chúng ta cần tuyên truyền, nhận diện cụ thể về tín dụng đen cho đông đảo người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế trong xã hội”.
Để góp phần hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen, luật sư Thuận kiến nghị tới ngành ngân hàng cần đẩy mạnh triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19, thiên tai, dịch bệnh, hoặc khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng. Cụ thể: xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, ngân hàng,… không phải đi vay nặng lãi từ tín dụng đen.
“Bên cạnh đó, tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen với nhiều biện pháp mạnh mẽ là công việc cần làm, cần duy trì vì sự bình yên, an toàn của nhân dân và của cả xã hội”, luật sư Thuận nói.
T.V