Sarah Thomas 37 tuổi, đến từ bang Colorado, Mỹ, đã trở thành người đầu tiên bơi qua eo biển Manche 4 chặng liên tiếp trong suốt 54 tiếng không nghỉ.
Sáng 17/9, Thomas kết thúc hành trình bơi 54 tiếng liên tục qua eo biển Manche. Trước Thomas, chỉ có 4 người đã bơi qua eo biển này nhưng chỉ hoàn thành ba chặng liên tiếp.
Tổng quãng đường Thomas đã bơi lên tới khoảng 209 km. "Tôi không tin mình đã làm được điều này", Thomas nói và ăn mừng kỷ lục bằng rượu champagne và chocolate. Cô tuyên bố dành tặng món quà kỷ lục của mình cho "tất cả những người sống sót ngoài kia".
Thomas kể rằng khó khăn nhất trong thử thách bơi qua eo biển là nước muối, khiến cổ họng và miệng đau rát. Nhóm hỗ trợ Thomas cho biết cô coi bơi lội như một phương pháp để chống chọi với bệnh ung thư vú quái ác.
Eo biển Manche nằm giữa Anh và bờ biển phía bắc của Pháp, với chỗ rộng nhất là 240 km, chỗ hẹp nhất 34 km.
Sarah Thomas trên eo biển Manche hôm 16/9. Ảnh: Twitter/Lewis Pugh |
Trước đó ông Benoît Lecomte bắt đầu hành trình hơn 8.850 km bơi xuyên Thái Bình Dương hôm qua ở ngoài khơi thành phố Choshi gần Tokyo, Nhật Bản, theo Business Insider. Nếu mọi thứ theo đúng kế hoạch, Lecomte sẽ tới thành phố San Francisco, California, Mỹ, sau 6 tháng nữa. Trong hành trình dài ngày này, vận động viên 51 tuổi người Pháp sẽ chạm trán nhiều loài động vật biển như cá mập và sứa, chịu đựng nhiệt độ lạnh giá và băng qua đảo rác khổng lồ...
Trong suốt chuyến đi, Lecomte và con tàu hộ tống ông trong hành trình sẽ thu thập mẫu vật và kiểm tra nước, xem xét mọi thứ từ nhiễm xạ sau sự cố Fukushima đến sự tồn tại của vi nhựa ở đảo rác Thái Bình Dương. "Đối với tôi, đây là một cơ hội không thể tốt hơn để thu hút sự chú ý đối với đại dương và tình trạng của đại dương bằng cách làm thứ gì đó điên rồ như bơi lội kiểu này", Lecomte chia sẻ.
Để thực hiện dự án, Lecomte lên kế hoạch bơi 8 tiếng/ngày, vượt qua khoảng 48 km sau mỗi lần bơi. Ông sẽ dành thời gian còn lại để ngủ nghỉ và ăn trên tàu. Con tàu hộ tống ông trang bị bộ định vị vệ tinh GPS, nhờ đó thủy thủ đoàn có thể theo dõi nơi Lecomte nhô lên từ mặt nước mỗi ngày và quay lại đúng điểm đó để bơi tiếp vào ngày hôm sau.
Kiều Trang (T/h)