Người dân Ukraine được cho là đối tượng phải chịu thiệt thòi nhiều nhất sau khi Nga tấn công trực tiếp gần 1/3 các nhà máy điện của đất nước này, The Guardian đưa tin ngày 19/10 (giờ địa phương).
Trong khi mọi sự chú ý đổ dồn về con số thương vong và hỗn loạn sau những đợt ném bom của Nga vào thủ đô Kiev cũng như các thành phố lớn khác ở Ukraine, cho đến hiện tại, tác động của những vụ ném bom đối với nguồn cung cấp năng lượng của đất nước này vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy thông báo rằng 30% nhà máy điện của đất nước đã bị đánh sập chỉ trong vòng 8 ngày, một tỷ lệ đáng kinh ngạc trong một khoảng thời gian ngắn với tình trạng mất điện xảy ra ở phía Đông thủ đô Kiev.
Lính cứu hỏa cố gắng dập lửa tại một nhà máy điện bị trúng tên lửa của Nga ở Kiev, ngày 10/10. Ảnh: Getty Images.
Ukraine từng là quốc gia xuất khẩu năng lượng, một phần do họ sở hữu các nhà máy điện hạt nhân lớn. Tuy nhiên, giờ đây người dân của quốc gia này đang cần chuẩn bị cho tình trạng "mất điện trên diện rộng" và tập trung tiết kiệm năng lượng, trích lời cảnh báo của ông Kyrylo Tymoshenko, phó văn phòng tổng thống Ukraine, trên kênh truyền hình quốc gia hôm 20/10. Ông cho biết Ukraine cần chuẩn bị cho "một mùa đông khó khăn".
Trong vòng nhiều tháng nay, các chính trị gia Ukraine đã cảnh báo rằng Nga sẽ nhắm mục tiêu vào lưới năng lượng trong mùa đông tới, thời điểm mà có những nơi nhiệt độ có thể giảm xuống -10C và thậm chí -20C. Ở một số khu vực tiền tuyến, chẳng hạn như Donbass, không có nguồn cung cấp khí đốt để sưởi ấm các khu chung cư, nơi có rất nhiều người dân sinh sống.
Nhân viên pha chế cà phê trong một cửa hàng bị mất điện ở Lyiv. Ảnh: AFP.
Trên khắp đất nước Ukraine, các bệnh viện và địa điểm quân sự đã có sẵn máy phát điện dự phòng nhưng điều đó dường như vẫn không đủ đối với nhu cầu của người dân.
Một số chuyên gia lo ngại thậm chí có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng di cư mới, khi mọi người tìm cách rời khỏi đất nước để tìm kiếm những khu vực có nhiệt độ ấm áp hơn.
Ngày 18/10, Ukraine chỉ ra rằng họ tin chiến lược mới của Nga có liên quan đến lời đề nghị đàm phán hòa bình của Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi cuối tháng 9, mặc dù lời đề nghị đó được Kiev coi là một nỗ lực để ngăn chặn cuộc giao tranh nhằm cho phép Nga tập hợp lại và ổn định tiền tuyến cho đến khi đội ngũ lính nghĩa vụ mới có mặt.
Trước những lo ngại đó, Ngoại trưởng Anh James Cleverly và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace, đã bay tới đã bay tới Washington (Mỹ) để thảo luận về gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, tập trung vào việc cải thiện khả năng phòng không.
Bích Thảo (Theo The Guardian)