Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Người đàn ông 15 năm đi gom xác người gặp nạn và nỗi buồn ế vợ

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Trong gần 15 năm, tự tay anh Hiền đã gói ghém, khâm liệm hàng trăm thi thể xấu số gặp tai nạn trên đường. Vì thế, cái tiếng anh Hiền "nhặt xác" ở thị trấn Hà Lam chẳng ai không biết.

(ĐSPL) - Trong gần 15 năm, tự tay anh Hiền đã gói ghém, khâm liệm hàng trăm thi thể xấu số gặp tai nạn trên đường. Bản tính gan lì ấy, anh có được từ khi còn rất trẻ. Anh bảo, vì chữ tâm mà anh chọn cái công việc đáng sợ này.
Và cũng vì thế, cái tiếng anh Hiền "nhặt xác" ở thị trấn Hà Lam chẳng ai không biết. Khi xảy ra tai nạn trên đường, có thương vong, người ta lại gọi cho anh...
Sự ra đời biệt danh Hiền “nhặt xác
Trong những ngày tháng Chín, theo quốc lộ 1A gần 50km, chúng tôi tìm đến nhà anh Võ Như Hiền (SN 1980, trú tổ 8, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Dọc thị trấn hỏi anh Hiền "nhặt xác", người dân đều biết. Một chú xe ôm cười bảo: "Thằng Hiền thì ai lạ gì, ở đây nó là người duy nhất có cái gan đó". Hỏi ra mới biết, vì anh Hiền chuyên làm công việc nhặt xác từ khi là một chàng trai mới lớn đến nay.
Theo chị Võ Thị Tiến, chị gái của anh thì Hiền sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, bố mẹ làm nông vất vả. Mẹ bị bệnh nặng, còn bố trong một lần lên thăm mẹ ở bệnh viện thì bị quệt xe. Tai nạn làm ông bị chấn thương nặng nên sau một tháng điều trị ở bệnh viện thì qua đời. Còn mẹ Hiền, khi thấy chồng mất, vốn đã bệnh tật, lại đau lòng, bà mất một tháng sau đó.
Cha mẹ mất, để lại năm anh chị em tự kiếm sống. Hiền là con út trong nhà, lúc này mới 10 tuổi. Vắng tình thương của mẹ cha, cậu phải dựa vào các anh chị. Tuổi thơ cực khổ khiến Hiền phải bươn chải với đời khi còn rất sớm, làm đủ mọi nghề kiếm sống. Rồi năm tháng qua đi, mấy anh chị đều lập gia đình. Ngôi nhà nhỏ của cha mẹ có thêm người, Hiền phải sang sống cùng gia đình người chị gái. Với chiếc xe cà tàng, anh chở hàng khắp nơi. Ngày tháng qua đi, Hiền lăn lộn với công việc để kiếm miếng ăn, ai thuê gì làm nấy. Vài hôm Hiền về nhà chị gái tắm giặt rồi ngủ, sáng lại ra đường tìm việc.

 Chị Nguyễn Thị Tiến trao đổi cùng PV.

Tiếp chuyện chúng tôi, anh Hiền kể về hành trình của nghề "có một không hai" của mình: "Từ nhỏ lớn lên tôi thường xuyên trên đường chở hàng cho người ta, thế nên tôi gặp nhiều vụ tai nạn quanh khu vực. Tôi nhớ, năm đó khi tôi 19, 20 tuổi, trong đêm chở hàng, gặp tai nạn nghiêm trọng. Một bà cụ bị chiếc xe tải tông, khiến bà tử vong không vẹn xác. Mọi người thấy cảnh ấy đều xót thương nhưng không ai dám đến gần, trong khi người nhà nạn nhân ở xa chưa về kịp. Nhìn bà cụ tội nghiệp chết không nguyên xác, tôi cũng rất sợ hãi, nhưng cứ nghĩ đến cha mình, lúc ông bị tai nạn qua đời. Rồi như có ai thúc giục, tôi chạy lại nhặt từng mảnh cơ thể bà cụ rồi mua hương, ngồi chờ người thân nạn nhân tới".
Khi chúng tôi hỏi Hiền rằng có sợ không khi tiếp xúc với người chết, anh cười hiền lành: "Họ cũng như mình, không có gì phải sợ. Chắc chắn rằng, khi về nơi chín suối, họ rất muốn toàn thây. Tại sao mình lại không giúp họ chuyện ấy?". Anh Hiền còn cho biết, mình làm việc này chỉ vì chữ tâm chứ không màng đến thù lao, tiền bạc: “Lúc xảy ra vụ việc, người nhà đau đớn vì mất người thân, nên đâu còn đủ bình tĩnh để nghĩ đến người nhặt xác như mình. Họ lo tang gia bối rối nên việc đó mình rất cảm thông”.

Anh Hiền nhớ lại những khoảnh khắc không quên với "nghề" nhặt xác.

Những kỷ niệm dựng tóc gáy
Đối với anh Hiền, việc anh làm quả thực hết đỗi bình thường. Nhưng khi nghe kể những câu chuyện anh gặp phải, chắc hẳn ai cũng thấy sợ hãi. Theo lời anh Hiền, nhiều người không hiểu, bảo anh là kẻ gàn dở. Cái danh gàn dở không chỉ xuất phát từ việc anh đi nhặt xác, mà còn từ chuyện anh thường "ngủ" cùng xác chết. Hễ ở đâu có người chết là có người tức tốc đến báo cho anh, bởi trên mảnh đất Hà Lam, ngoài anh ra không ai dám làm công việc này. Một vụ tai nạn xảy ra cách đây mấy năm có nhiều người biết chuyện sợ hãi nhưng trong lòng cảm phục anh Hiền.
Khi đó trên quốc lộ 1A đoạn đường thuộc khu vực từ Đà Nẵng đi vào có một chiếc xe tải va phải một người đi xe máy khiến người đàn ông đi xe máy chết tại chỗ, thi thể bị nát không còn nguyên xác. Khi công an điện báo, lúc đó đã khuya, trời lại mưa lạnh, anh Hiền đang ngủ phải vội dậy, mang theo áo mưa chạy xe tới địa bàn xảy ra vụ tai nạn. Vừa tới nơi, anh lấy đèn pin chui xuống gầm xe tải nhặt từng mảnh thịt, mảng tóc của người đàn ông xấu số xếp lại trên chiếc chõng, rồi chạy đi mua hương. Xong việc, anh không về mà ở đó canh cho đến gần sáng, chờ người nhà người đàn ông xấu số đến nhận xác. Anh còn giúp gia đình đưa xác lên đến Bắc Trà My rồi mới về nhà mình.
Lần khác, anh Hiền gặp vụ tai nạn nghiêm trọng, khiến một phụ nữ mang thai tử vong tại chỗ. Khi mọi người điện báo anh tức tốc chạy xe tới. Nhìn thấy cảnh tượng trên, anh nhặt nhạnh những phần cơ thể rồi đắp chiếu cho người xấu số. Sau đó, anh trở về, người mệt mỏi không ngủ được, anh ốm nằm liệt giường một tuần. Mọi người đồn rằng, có thể anh vì bị hồn người chết theo nên mới không ngủ được? Nhưng hỏi ra, anh chỉ khua tay cho rằng: "Vì mình thấy thương cho số phận người xấu số nên trằn trọc, rồi nhiều đêm mất ngủ mới bị ốm".
Do con đường quốc lộ đi qua địa bàn nơi anh Hiền sinh sống, số lượng xe ô tô qua lại rất lớn nên rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra. Những người xấu số đa phần ở xa nên việc báo cho người thân đến nhận xác cũng phải mất thời gian từ một đến hai ngày. Vì thế, anh Hiền phải tự tay khâm liệm rồi chờ người thân đến nhận dạng và đưa người tử nạn về. Ngoài ra, còn nhiều vụ khác cũng khiến anh ám ảnh, nhớ mãi không quên. Như chuyện người dân phát hiện một xác người phân hủy đã lâu, thông báo cho anh. Anh Hiền phải tự tay mình xếp từng mẩu xương thịt lẫn lộn vào tấm áo mưa đem đi khâm liệm. "Lúc ấy dòi bọ còn bò cả lên người tôi, nhưng mình vẫn phải tập trung làm xong cho người xấu số. Đến lúc về bộ quần áo ấy tôi cũng phải bỏ đi... ", anh Hiền tâm sự.
Và nỗi buồn... ế vợ
Khi được hỏi, anh có lấy tiền công từ người nhà nạn nhân cho mỗi lần khâm liệm, chôn cất hay không, anh Hiền cho biết: "Mình làm việc này để giúp người ta, làm vì chữ tâm chứ không đòi tiền. Cũng có gia đình cho tiền, tôi chỉ nhận một ít để họ vừa lòng". Anh còn kể, nhiều lần đi "nhặt" xác, anh phát hiện trên người nạn nhân có tiền, vàng. Lúc đó, anh có thể giấu đi cũng không ai biết, nhưng anh không bao giờ làm như vậy. Riêng tiền mua chiếu, chõng tre, hương đèn thì các cán bộ CSGT thường chi trả lại cho anh sau đó. Ngoài "công việc" trên, thời gian còn lại anh thường chở hàng hóa thuê cho người khác, hoặc ai gọi đi xe ôm thì anh chở. Cuộc sống của anh không bon chen, tranh giành với ai.
Anh Hiền sống và làm việc như chính cái tên của mình nhưng đã qua tuổi 30 đến nay anh vẫn một mình. Nói đến điều này, chị gái Hiền tâm sự: "Chắc tại Hiền quá nghèo nên mới không có ai chịu làm vợ. Nó không có đất, không có nhà, lại làm việc đó nên nhiều người mới tránh né". Anh Hiền tâm sự: "Mình cũng đã từng quen nhiều cô gái, nhưng cứ hễ nhắc đến chuyện hôn nhân thì không sao quyết định được...".
Những năm gần đây, tình hình giao thông ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra. Vì Hiền có thâm niên trong nghề nhặt xác, nên mỗi khi có vụ tai nạn, cơ quan công an lại báo cho anh. Hàng ngày, anh vẫn lặng lẽ với công việc làm phước này, mang lại cho những số phận không may mắn chút ấm áp cuối cùng.

Người thanh niên dũng cảm

Theo ông Võ Như Thanh, nguyên tổ trưởng tổ 8, thị trấn Hà Lam, anh Hiền là một chàng trai có tấm lòng Bồ Tát. Anh làm công việc không ai dám làm, không mong lợi lộc, chỉ bằng chữ tâm. Trong vùng, người dân chúng tôi không ai không biết đến anh Hiền và gọi anh là người thanh niên dũng cảm.

Video có thể bạn quan tâm:

Cảm thương người đàn ông 'ăn xin' giữa dòng xe cộ

Tin nổi bật